Yên Bái: PCT xã sáng kiến mang lại lợi ích kinh tế cho bà con

16:16 03/09/2013     2425

Công tác giáo dục   Web.ĐTN - Qua hơn một năm công tác tại các xã rẻo cao Yên Bái, hai phó chủ tịch (PCT) xã phụ trách lĩnh vực kinh tế Tô Văn Học (SN 1983) và Đặng Phúc Long (SN 1986) có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho bà con vùng cao
PCT xã Tô Văn Học với những sáng kiến làm giàu cho người dân
PCT xã Tô Văn Học với những sáng kiến làm giàu cho người dân


Mang tre lên núi

Dự án trồng tre măng bát độ của Tô Văn Học tại xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) là một trong những dự án phát triển kinh tế được đánh giá cao tại Hội nghị sơ kết Dự án 600 trí thức trẻ về làm PCT xã (tổ chức tháng 6/2013).

Cùng với Học, anh Khang A Cha, cán bộ văn phòng xã là những người đầu tiên trồng thử nghiệm dẫn tôi đi xem rừng tre. Đến lưng chừng núi, những hốc tre bứt khỏi cỏ dại, vươn lá lên ngang thân người. “Nếu phát triển tốt, khoảng 1 - 2 năm tới tre sẽ cho thu hoạch măng. Tuổi thu hoạch của mỗi gốc tre có thể lên tới hơn chục năm, mang lại giá trị kinh tế tương đối cao” - Học nói.

Tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, Học về công tác tại huyện Yên Bình. Học nhận nhiệm vụ PCT xã Cao Phạ từ tháng 12/2011. “Lên Cao Phạ công tác vào mùa đông, thấy cây cối héo úa vì lạnh, tôi thực sự rối trí, không biết nên đưa cây gì, con giống nào lên đây để nuôi, trồng. Thời tiết khắc nghiệt, trâu bò nhiều khi còn bị chết rét”, Học chia sẻ.

Một lần, ngồi ở phòng làm việc, tình cờ thấy mấy gốc tre vẫn tươi tốt trong giá lạnh, Học nghĩ tới cây tre bát độ ở Yên Bình, dù giá rét nhưng vẫn phát triển rất tốt. “Tôi lên ý tưởng trồng cây tre măng bát độ. Chia sẻ ý tưởng này với một cán bộ về hưu, ông ủng hộ bằng cách trồng thử 50 gốc trên quả đồi của gia đình. Cây xanh tốt và rất mau lớn” - Học nói.

Học dành nhiều thời gian tìm hiểu thị trường măng tre ở Yên Bình và biết việc tiêu thụ măng tre rất tốt, Học thêm quyết tâm. Anh đặt mua gốc tre từ Yên Bình với chi phí hơn 20 triệu từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của xã.

Học đang phối hợp với một số hộ dân trên địa bàn, trồng thử nghiệm hơn 1.700 gốc tre trên núi. Sau hơn bốn tháng, những gốc tre đã vươn lên cao hơn những đám cỏ rừng. “Chỉ vài tháng nữa, khi cây tre đủ lớn sẽ bắt đầu cho măng. Cây tre có thể cho nhiều nguồn thu từ lá, thân. Ngoài ra, tre còn có tác dụng chống xói mòn, lở đất” - Học chia sẻ.

Biến nơi ở thành vườn thí nghiệm

Trước đó, Học bỏ tiền túi mua giống tằm mang về nơi ở nuôi thử. Biết sẵn mối tiêu thụ, Học khuyên và hướng dẫn một số gia đình trong bản nuôi tằm. Ông Lò Văn An ở bản Ít Thái là một trong số những người đầu tiên tiếp nhận nhộng giống về nuôi. Tính đến nay, trung bình mỗi tháng, ông An kiếm được khoảng 500 nghìn tiền bán nhộng. “Cứ 18 – 20 ngày thì được thu hoạch một lần. Bình thường nhộng ăn lá dâu, nhưng ở đây chúng tôi cho ăn lá sắn”, ông An kể. Hiện, bản Ít Thái đã có hơn chục người nuôi tằm. “Tôi khuyến khích bà con tăng thêm diện tích trồng sắn để lấy thức ăn cung cấp cho mô hình nuôi tằm”, Học nói.

Chịu khó học hỏi nên cứ thấy chương trình mới, có thể mang lại lợi ích cho người dân, Tô Văn Học nghiên cứu, tìm hiểu và ấp ủ dự định phát triển tại địa phương. Lúc chúng tôi đến thăm, trong phòng làm việc của Học có 5 cây nấm linh chi để ngay lối ra vào. Học kể, trong một dịp ghé qua trang trại trồng nấm linh chi ở Nghĩa Lộ, anh quyết mua về để nghiên cứu. “Nguồn cung ít, giá nấm rất cao, tôi tìm hiểu kỹ thuật, thấy có thể trồng được nên mua về nghiên cứu”, Học chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của trang trại, Học để ý, chăm chút cho 5 cây nấm chu đáo. Học chờ kết quả thu hoạch nấm linh chi để nghiên cứu hình thức nhân rộng mô hình này. “Chăm sóc gần 1 tháng rồi, nấm cũng to thêm nhưng không bằng ở trang trại. Khó khăn nhất là kinh phí mở trang trại, đầu tư vật chất, kỹ thuật. Hơn nữa, việc dạy lại cho bà con kỹ thuật nuôi trồng cũng không hề đơn giản”, Học nói. Biết ít tiếng Mông nên những cuộc tiếp xúc với dân bản, Học vẫn phải cần trưởng bản phiên dịch cho bà con hiểu.

Học muốn trồng, nuôi thử nghiệm nhiều cây, con có giá trị kinh tế để nhân rộng giúp nâng cao đời sống bà con. Anh vừa mua gà mái đen của người Mông về nuôi. Gà ăn ngon lại có giá trị kinh tế, Học lên kế hoạch nghiên cứu quá trình sinh sản của giống gà đen, nếu thuận lợi, sẽ tư vấn cho bà con mở các trang trại nuôi trên núi vì với khí hậu vùng cao, gà ít khi bị dịch cúm.

Trồng dược liệu quý trên núi

Đặng Phúc Long quê ở huyện Văn Yên, hiện là PCT xã Phình Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái). Tốt nghiệp ĐH Văn hóa Hà Nội, Long nhận nhiệm vụ tại Phình Hồ, được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế, nông lâm nghiệp. Chàng trai trẻ người Dao nhanh chóng tiếp cận với công việc, tham gia chỉ đạo, động viên nhân dân phát triển sản xuất gieo cấy ngô, đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ.

“Giống ngô được nhà nước cấp, nhưng việc khó nhất là thuyết phục bà con chuyển đổi vì ít nhất 2 – 3 năm giống ngô mới quen với thổ nhưỡng và cho năng suất cao. Bà con chỉ quen với việc trồng những thứ cho thu hoạch ngay”, Long chia sẻ. Cùng cán bộ xã đến từng thôn, bản vận động, thuyết phục, đến nay, đã có hơn 10ha lúa nương hiệu quả thấp được chuyển đổi sang trồng ngô.

Long đang thử nghiệm dự án trồng cây dược liệu. Long gieo thử nghiệm giống cây đương quy và đẳng sâm, đồng thời trồng thêm cây khôi, cây quế. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, hiện chỉ có cây khôi là phát triển tốt và có kế hoạch nhân rộng cho hộ dân trồng.