Ý chí thoát nghèo của chàng trai vùng cao

09:04 12/07/2013     1790

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sinh ra và lớn lên tại thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang), tốt nghiệp THPT, anh Ngọc Văn Viên (SN 1989) đăng ký lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Năm 2011, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh xuất ngũ trở về địa phương, tham gia sinh hoạt tại Chi đoàn thanh niên thôn Thượng.
Qua các buổi sinh hoạt Chi đoàn, được nghe những câu chuyện về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã trăn trở việc đăng ký làm theo Bác. Từ suy nghĩ quê hương có nhiều đất đai nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn vất vả, anh  Viên nghĩ lập nghiệp ngay trên mảnh đất mình sinh ra, đó là việc làm theo Bác cụ thể và thiết thực nhất.
d
Anh Ngọc Văn Viên (giữa)

Qua tìm tòi, học hỏi từ báo, đài và các mô hình chăn nuôi tại địa phương, Ngọc Văn Viên quyết định chọn mô hình nuôi tắc kè để phát triển kinh tế. Ngoài 20 triệu đồng vốn ủy thác của Đoàn Thanh niên xã Long Sơn với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Viên còn huy động nguồn vốn từ người thân, bạn bè. Tháng 8-2011, anh bắt tay xây dựng chuồng trại và thả 40 cặp giống đầu tiên.

Tắc kè là động vật có nguồn gốc hoang dã, dễ nuôi, phù hợp với khí hậu của huyện vùng cao Sơn Động. Đây là loại động vật có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Do nguồn thức ăn chủ yếu của tắc kè là côn trùng nên anh Viên chủ động chuẩn bị thức ăn như: bẫy muỗi, bắt cào cào, châu chấu và nuôi dế mèn, nhờ đó, nguồn thức ăn luôn bảo đảm. Năm 2012, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ, huyện Sơn Động đưa thí điểm mô hình nuôi tắc kè đến 8 hộ, anh Viên được hỗ trợ 30 con giống và tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, đi tham quan mô hình nuôi tắc kè tại Nam Định. Nhờ vận dụng tốt những kiến thức đã học được vào quá trình chăm sóc nên đàn tắc kè của anh luôn khỏe mạnh, ít bị bệnh. Đến nay, anh đã có 600 con tắc kè. Hệ thống chuồng trại ngày càng được mở rộng, hiện có 2 khu nuôi tắc kè giống và 2 khu nuôi tắc kè thương phẩm, "đầu ra" ổn định. "Năm 2012, tôi cung cấp ra thị trường hơn 200 con tắc kè giống và gần một tạ dế mèn, trừ chi phí lãi khoảng 60 triệu đồng/ năm", anh Viên cho biết.

Cùng với nuôi con đặc sản, anh Viên còn trồng 3 ha keo lai chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Theo tính toán, rừng keo của anh có giá trị tới hàng trăm triệu đồng.

Anh Viên không chỉ là điển hình xung kích trong phát triển kinh tế tại địa phương, mà còn là một đoàn viên nhiệt tình, năng nổ, luôn có mặt trong các phong trào của địa phương và Đoàn xã phát động. Mới đây, anh vinh dự được huyện Sơn Động khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.