Võ Chí Công - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
09:01 07/08/2022 1472
Công tác giáo dục Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đồng chí Võ Chí Công luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường; là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1992 (tháng 9/1992), đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; người thanh niên Võ Toàn đã được giáo dục về tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sỹ tiền bối của quê hương xứ Quảng như: cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...
Mới 14 tuổi, Võ Toàn đã cùng cha tham gia các phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi dân sinh, dân chủ.
Đồng chí Võ Chí Công (thứ 2, từ trái sang) và Đại tướng Chu Huy Mân (đeo kính, thứ 4 từ trái sang-nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ) trong chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng (3/1975). (Ảnh: TTXVN)
Tháng 5/1930, đồng chí Võ Chí Công bắt đầu tham gia cách mạng; đến tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn - chi bộ ghép tại phủ Tam Kỳ.
Từ một Bí thư Chi bộ, với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam.
Đồng chí đã thể hiện là một người chiến sỹ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939-1945.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với nhân dân huyện Phước Sơn trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (30/10/1989). (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Giữa năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt, giam tại phủ Tam Kỳ. Địch đã dùng cực hình tra tấn dã man nhưng không khuất phục được tinh thần, ý chí của người chiến sỹ cộng sản.
Chính quyền thực dân đã kết án ông khổ sai chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi giam cầm ở Nhà lao Hội An, rồi chuyển lên Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tại đây, đồng chí tham gia Ban lãnh đạo tù nhân của những người tù cộng sản, được tổ chức thành từng nhóm bí mật dưới tên gọi là "Lực lượng kiên trung".
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), đồng chí được trả tự do và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nói chuyện thân mật với cán bộ huyện Tân Biên (Tây Ninh) ở lán làm việc của đồng chí Phạm Hùng trước đây trong Khu Trung ương Cục miền Nam, trong chuyến thăm tỉnh Tây Ninh từ ngày 18 đến 23/1/1990. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo nhân dân Hội An chớp lấy thời cơ, khởi nghĩa sớm hơn kế hoạch; lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nhất tề đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước vào ngày 18/8/1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên, gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ; phụ trách công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kháng chiến; là Bí thư Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, Khu ủy viên Khu V, làm nhiệm vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào và Campuchia.
Từ năm 1952, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí đã có nhiều quyết định kịp thời, đúng đắn để chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân, từng bước đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội, chia lửa cùng chiến trường cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đi thăm cánh đồng lúa của xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông là một trong những lãnh đạo cấp cao của Đảng đóng vai quan trọng trong việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để Trung ương ban hành Chỉ thị 100, đổi mới toàn diện nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. (Ảnh: TTXVN)
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Võ Chí Công là linh hồn của phong trào cách mạng Liên khu V (bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên).
Suốt 21 năm kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường ác liệt, ông đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ "Chiến tranh đặc biệt," "Chiến tranh cục bộ" đến "Việt Nam hóa chiến tranh"…
Từ thực tiễn cách mạng, ông đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước điều động về Trung ương, giao giữ nhiều trọng trách.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công gặp gỡ các cán bộ phụ trách Đội và thiếu nhi Hà Nội (Hà Nội, 12/8/1991). (Ảnh: TTXVN)
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, ông cùng với các thành viên Ủy ban, Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Không chỉ là người lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn trong những bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng mà đồng chí Võ Chí Công còn dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho quê hương Quảng Nam, để lại những di huấn quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Những lời căn dặn, di huấn của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Với những cống hiến to lớn ấy, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.
theo Vietnam+/TTXVN Tweet