Vĩnh Phúc: Hội thảo về các giải pháp phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học các trường nghề

10:30 07/04/2012     2338

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sáng 5/4, tại trường Cao đẳng Nghề cơ khí Nông nghiệp (Xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên), Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo về các giải pháp phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học các trường nghề.
Dự hội thảo có các đồng chí: Dương Thị Tuyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; Bí thư, Phó bí thư các huyện, thị thành Đoàn; hiệu trưởng của một số trường THCS, THPT; Bí thư Đoàn thanh niên các trường THPT, THCN, Chủ tịch Hội Sinh viên các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH của tỉnh và đất nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành đề án số 5178/ĐA- UBND ngày 6/12/2011 của về  dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ- HĐND ngày 19/12/2011 của về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015. Một trong những mục tiêu cụ thể trong đề án là: Phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS sang Bổ túc văn hoá có học nghề từ 25- 30%/ năm; học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề từ 35- 50%/năm.

Để triển khai chủ trương lớn nêu trên của tỉnh có hiệu quả, tại hội thảo các đại biểu trập trung vào thảo luận và đề xuất một số giải pháp làm thế nào để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và các em học sinh về vấn đề học nghề? Làm thế nào để phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào các trường nghề đảm bảo chỉ tiêu đề ra, phân luồng đúng chất lượng học sinh, không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng phổ cập trung học, không phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện? Cơ chế phối hợp giữa các trường nghề với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh như thế nào để thực hiện được phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS sang Bổ túc văn hoá có học nghề từ 25- 30%/ năm; học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề từ 35- 50%/năm. Những giải pháp cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh THCS về học nghề, chính sách vào học bổ túc văn hoá và học nghề sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở,...

Thông qua hội thảo này nhằm làm tốt hơn công tác phối hợp giữa các cấp các ngành trong việc phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học các trường nghề, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội; giảm chi phí, gánh nặng cho gia đình, nhà trường và xã hội./.