Viết tiếp trang sử vàng của lịch sử thủ đô Hà Nội
09:58 10/10/2022 627
Công tác giáo dục 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, vĩnh viễn chấm dứt sự chiếm đóng của quân viễn chinh Pháp tại Thủ đô Hà Nội. Hà Nội bừng lên cờ hoa, bừng lên ánh sáng trong đêm hoà bình đầu tiên sau kháng chiến.
Ngày 10/10/1954, đi vào lịch sử vẻ vang không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước. Thủ đô Hà Nội - một trang sử mới bắt đầu.
Mở đầu để kết thúc cuộc kháng chiến
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền nhân dân còn non trẻ đã phải đương đầu với quân xâm lược Pháp khi chúng trở lại xâm chiếm nước ta. Hà Nội và cả nước đứng lên chống Pháp.
20 giờ ngày 19/12/1946, đèn điện trong thành phố phụt tắt. Cả Hà Nội nổ súng, quật cường chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến cả nước chống thực dân Pháp.
Ngày 7/1/1947, Trung đoàn Liên khu 1 (Trung đoàn Thủ đô) được thành lập, đã anh dũng chiến đấu, sau đó linh hoạt thoát khỏi vòng vây của quân Pháp một cách an toàn. 9 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, đã chấm dứt ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta.
Bộ đội ta tiến vào giải phóng Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Ngày 20/7/1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương kết thúc thắng lợi. Tháng 10/1954, Hiệp định Geneva bắt đầu có hiệu lực. Trong Hiệp định có điều khoản: hai nước ký thoả thuận ngừng bắn và chuyển giao hòa bình nguyên vẹn các thành phố cho nhau.
Từ 2 đến 5/10/1954, các đội trật tự hành chính của ta vào thành trước để chuẩn bị tiếp quản các công sở, các tài sản công cộng. Những ngày sau đó, ta đã lần lượt tiếp quản các quận lỵ. Địch rút đến đâu ta tiến đến đấy.
Quang cảnh lễ hạ cờ cuối cùng của quân viễn chính Pháp đã được các phóng viên phương Tây tả lại: "Từng phân đội lính Âu Phi mệt mỏi, ngán ngẩm, trong những bộ quần áo ướt sũng nước mưa đứng trước cột cờ sơn trắng. Sau bài kèn, cờ từ từ hạ. Tướng Pháp Masson đỡ lấy lá cờ ba sắc ướt nhẽo, gập lại, buồn bã bước ra giao cho quan năm D'Arence... Khi đội kèn nổi lên, một điệu rầu rĩ kết thúc... thì mặt nhiều sỹ quan của Pháp ướt đầm những nước... Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa...".
Hòa cùng không khí chiến thắng, 24 cán bộ chiến sỹ đội văn công Đại đoàn Quân Tiên phong do nhà văn Hữu Mai phụ trách đã mang lời ca, tiếng nhạc và những điệu múa tiến phục vụ tiếp quản Thủ đô.
Đội văn công đi trên một chiếc xe ôtô to trang hoàng cờ và biểu ngữ. Đồng chí Lê Vân chỉ huy nhạc, Ngọc Chương acordeon, Quang Bách và Kim Dung đàn violon, Nguyễn Thanh Huynh thổi sáo, Công Lê kèn sắcxôphôn... cùng tổ ca, kịch, múa là Đào Ngọ, Bích Mậu, Bích Huệ, Hồng Nga, Ngọc Nam, Trúc Thúy, Anh Tuấn... Họ đã cùng nhau hát vang những bài ca cách mạng: “Vì nhân dân quên mình," "Tiến về Hà Nội," "Qua miền Tây Bắc," "Giải phóng Điện Biên”...
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng 10/10, các đơn vị tiến vào tiếp quản Thủ đô, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, giương cao cờ quyết chiến quyết thắng từ năm cửa ô tiến vào phố phường Hà Nội, âm vang khúc quân hành, hòa trong cờ hoa khẩu hiệu rợp trời.
Đến 15 giờ cùng ngày, việc tiếp quản thành phố đã hoàn thành, 15 vạn nhân dân Hà Nội đã cùng dự buổi lễ mừng chiến thắng.
Một trang sử mới bắt đầu
Trong niềm vui hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nhận được lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp khó khăn, nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh."
Đêm 14 rạng ngày 15/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Người ở và làm việc tại một ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy (khu vực Bệnh viện 108 hiện nay).
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 16/10, tại Bắc Bộ Phủ, tiếp chuyện thân mật các đại biểu nhân dân Thủ đô, Người nêu rõ: "Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống Cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta."
"Chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh."
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân hoàn thành thắng lợi việc tiếp quản Thủ đô, nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố.
Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất.
Những năm sau đó, cả Hà Nội là một công trường lớn xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Không khí hòa bình xây dựng rất nhộn nhịp, sôi động. Bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày.
Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Ngày nay, thành phố Hà Nội đã mở rộng, đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Nếu năm 1954, Hà Nội có diện tích 152,2km2, dân số là 436.624 người, thì hiện nay Hà Nội có 3.358,6km2, đứng vào tốp 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất; dân số hơn 8 triệu người.
Kinh tế Hà Nội đạt nhịp độ tăng trưởng cao. GDP tăng bình quân 4,48% (1986-1990), 12,52% (1991-1995), 10,72% (1996-2000), 11,30% (2001-2005), 11,55% (2006-2007), 10,58% (2008), 9,03% (2009-2013), 9,24% (2015), 7,39% (2015-2020). Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng do COVID-19 nhưng GRDP của thành phố vẫn tăng 2,92%. GRDP trong 9 tháng năm 2022 đạt 9,69%.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Về đối ngoại, Hà Nội có quan hệ ngoại giao với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước trên thế giới, từng bước nâng cao vị thế của Thủ đô, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Với hơn 1.000 năm tuổi, Thăng Long-Hà Nội thuộc vào hạng kinh thành xưa nay hiếm của nhân loại. Trên thế giới, hiếm có thủ đô nước nào kết hợp được nhiều giá trị như Hà Nội. Trải qua hơn 1.000 năm, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày văn hiến của Thăng Long-Hà Nội. Đó là những giá trị vô song mà biết bao thế hệ đã xây đắp và kiên cường bảo vệ cho đến ngày nay./.
theo TTXVN/Vietnam+ Tweet