Tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã nghèo giai đoạn 2013-2020

10:24 22/10/2013     9932

Công tác giáo dục   Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020”.
Theo đó, sẽ tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã đặc biệt khó khăn. Ông Vũ Đăng Minh (Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) cho biết: Cùng với Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, việc tăng cường các trí thức trẻ ưu tú này về các huyện nghèo sẽ giúp đồng bào đuổi cái nghèo, cái khó bám riết lấy họ bao đời nay.

Ảnh: Hoàng Long
Ảnh: Hoàng Long

Bổ sung nguồn chất xám về xã nghèo

Năm 2013 đề án chính thức khởi động, trong năm đầu sẽ chỉ thực hiện công tác chuẩn bị cho việc triển khai dự án. Đến năm 2014, sẽ tuyển chọn và bố trí 300 trí thức trẻ xuống cơ sở. 200 trí thức trẻ còn lại sẽ được tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí trong năm 2015. Theo đó, những thanh niên trên sau khi được tuyển chọn sẽ được tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, họ sẽ đảm nhiệm các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của địa phương để giúp cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các đội viên dự án sẽ phải chứng tỏ năng lực của mình tại vùng đất khó trong thời hạn 5 năm.

Nói về những lý do tại sao phải liên tiếp đưa các trí thức trẻ về xã nghèo, Vụ trưởng Vũ Đăng Minh cho biết, để thực hiện mục tiêu "đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” rất nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt với đất nghèo đã được ban hành. Ở nhiều huyện, xã nghèo cùng lúc có cả trăm chương trình hỗ trợ, giúp dân thoát nghèo. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn chương trình hỗ trợ giảm nghèo rút đi bà con lại tái nghèo trở lại. Sau khi rà soát lại toàn bộ các chính sách thì lỗ hổng về nguồn nhân lực là khiếm khuyết lớn cần được lấp đầy. Rõ ràng "cá” cứ cho đều đặn người dân, "cần câu” cũng đã đưa đến từng hộ gia đình. Nhưng ai sẽ là người giúp dân "câu cá”, tạo môi trường có "cá” và thậm chí "bán cá” cho được giá. Câu trả lời là, phải có cán bộ có năng lực thật sự mới có thể giúp dân thoát nghèo bền vững. Việc tăng cường cán bộ lãnh đạo (các phó chủ tịch xã mới được bổ nhiệm) và những trí thức trẻ nắm vững công tác chuyên môn 3,4 cùng với người dân thì vùng khó mới hy vọng thoát nghèo bền vững. Vì vậy, việc bổ sung nhân lực cho những vùng đất khó là nhiệm vụ lâu dài và đúng đắn.

Quyết tâm vực dậy đất nghèo


Đây không phải lần đầu Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách bổ sung nguồn nhân lực vực dậy vùng đất nghèo. Thực tế, giai đoạn 2000-2002, đã có 538 trí thức trẻ về 125 xã đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh để giúp địa phương xóa nạn mù chữ, phát triển nông lâm nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa...10 tỉnh tiếp nhận trí thức trẻ vào thời điểm đó là: Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong số 538 trí thức có 246 người trình độ đại học, cao đẳng, còn lại là trình độ trung học chuyên nghiệp. Đông nhất là sinh viên thuộc các ngành Sư phạm, Nông nghiệp, Luật. Độ tuổi trung bình là 24,2.

Tại nhiều tỉnh cũng phát động những chiến dịch đưa trí thức trẻ về với vùng sâu, vùng xa, điển hình như tỉnh Bình Phước, tính đến cuối năm 2009 đã có 27.668 lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện, triển khai được 5 dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn miền núi, xây dựng cơ sở xã, phường thu hút 232 trí thức. Kết thúc dự án đã có 176 trí thức được bố trí công tác lâu dài tại cơ sở.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, khác với dự án trước, 500 trí thức trẻ lần này sau khi được tuyển chọn sẽ về xã để làm công tác chuyên môn. Các bạn trẻ này tham gia 1 trong 5 chức danh công chức cấp xã, tùy theo trình độ chuyên môn của từng người cũng như nhu cầu sử dụng của địa phương. Những ngành được ưu tiên lựa chọn gồm: Địa chính-nông nghiệp-xây dựng-môi trường; tài chính-kế toán; tư pháp-hộ tịch; văn hóa-xã hội; văn phòng-thống kê. "Những bạn trẻ tuổi đời dưới 30, quốc tịch Việt Nam, đáp ứng được tiêu chí về học vấn đặc biệt thuộc 5 chuyên ngành nêu trên và có khát khao đóng góp sức trẻ, tình nguyện đến làm việc ở những địa bàn khó khăn trong thời gian tối thiểu 5 năm, hãy nộp hồ sơ về Bộ Nội vụ hoặc sở nội vụ các tỉnh, thành. Chúng tôi sẽ tổ chức tuyển chọn công khai, công bằng, phỏng vấn trực tiếp để chọn ra những người xứng đáng nhất”, ông Minh cho biết.

Nhiều ưu đãi với cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ

Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở vùng nghèo, cũng giống như các dự án tăng cường cán bộ về xã trước đây, những cán bộ này sẽ có những quyền lợi nhất định. Chẳng hạn, cán bộ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua xem xét nếu đủ điều kiện họ sẽ được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên, được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học, được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác, được ưu tiên cấp hoặc thuê đất làm nhà để ổn định cuộc sống.