Tuổi trẻ trường Đại học Cảnh sát nhân dân học tập và làm theo lời Bác

16:05 30/09/2022     2215

Công tác giáo dục   ĐTN: Với phương châm đi thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, sinh viên các trường Đại học cảnh sát nhân dân đã về cơ sở, tham gia xây dựng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội, tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân trẻ đã in đậm trong tâm trí của người dân.

Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo lực lượng Công an nhân dân.

 

Các học viên trường ĐH cảnh sát nhân dân thực hiện chiến dịch “ Hành quân xanh”

 

Công an Nhân dân là một lực lượng luôn được sự quan tâm giáo dục, rèn luyện, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các mặt công tác. Người nêu rất rõ bản chất “Công an của ta là Công an Nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc” và Người chỉ rõ: tư tưởng, hành động của cán bộ, chiến sỹ công an “Đối tượng của Công an là Nhân dân, phải kính trọng lễ phép”. Người căn dặn: Cán bộ Công an phải được huấn luyện toàn diện, không chỉ vững về tinh thần, tư tưởng chính trị, lý luận, phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn kỹ thuật mà còn phải được đào tạo, bồi dưỡng thành người cán bộ có đức, có tài, có phẩm chất, đạo đức cách mạng, phải luôn học tập, thực hiện đường lối quần chúng của Đảng, phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Người dặn dò: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được..., nếu biết dựa vào dân thì nhân dân là người giúp việc rất đắc lực của công an”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện công an Nhân Dân, tuổi trẻ - học viên trường Đại học Công an Nhân dân không ngừng học tập những kiến thức về lý luận, xây dựng bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, coi đó là nền tảng, cơ sở để mỗi học viên tiếp thu những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ một cách đúng đắn, bài bản; Mỗi học viên nhận thức rõ, bản lĩnh chính trị của người cán bộ Công an thể hiện ở chỗ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh, luôn nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề theo tinh thần quán triệt tuyệt đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của ngành. Thông qua các phong trào “ Cảnh sát Việt Nam tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ, mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh, nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ toàn trường thường xuyên rèn luyện để từ môi trường học tập, hình thành phẩm chất người cán bộ, chiến sĩ công an có ý chí bền bỉ, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, linh hoạt và tinh thần chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Học tập, rèn luyện trong môi trường huấn luyện, đào tạo của trường Đại học chuyên ngành công an Nhân dân là tất yếu để khi hoàn thành khóa học, mỗi học viên thực sự trở thành người công an Nhân dân “ bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh “ Lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành”, Đảng ủy - Ban Giám hiệu trường Đại học cảnh sát Nhân dân đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức cho học viên cọ sát thực tiễn, có điều kiện đi sâu, gần gũi, tiếp cận với đời sống nhân dân. Điều đó xuất phát từ quan điểm, từ mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ công an trên mọi lĩnh vực công tác và chiến đấu là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, cán bộ dân vận tốt nhất: “công an phải luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, để mọi người dân là người giúp cho mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân, như thế công tác mới có kết quả”.

 

 

Với phương châm đó, năm 2022, trường Đại học cảnh sát nhân dân tổ chức đợt “ Hành quân xanh” cho lực lượng trẻ học viên công an về các xã huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cùng lực lượng đoàn thanh niên, công an địa phương làm công tác giúp dân, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những chiến sĩ cảnh sát trẻ hăm hở lên đường làm công tác giúp dân bằng sự nhiệt thành của tuổi trẻ, bằng phẩm chất, năng lực người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, bằng việc vận dụng Sáu điều Bác Hồ dạy: “Công an của ta là Công an Nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”  tham gia các phong trào tình nguyện, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa,... với mục tiêu vì nhân dân phục vụ.

Bước chân các chiến sĩ tình nguyện, xung kích trường Đại học cảnh sát nhân dân về vùng quê song nước làm nức lòng người dân nơi đây. Tại xã Thạnh Nhựt, bà con đón các chiến sĩ như đón người thân trở về, có hộ gia đình dành hẳn gian nhà cho các chiến sĩ ăn, ở, sinh hoạt trong suốt thời gian về đây làm công tác dân vận. Việc đầu tiên mà các chiến sĩ khởi đầu cho chiến dịch “ Hành quân xanh” chính là viếng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sửa chữa nhà tình nghĩa cho hộ chính sách, đến thăm, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Đây cũng là xuất phát từ tình cảm, lòng tri ân của thế hệ trẻ đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do và ý chí tiếp bước truyền thống cách mạng của lực lượng công an trẻ.

Gò Công Tây là huyện nông thôn, đời sống của người dân gắn liền với ruộng vườn, chăn nuôi. Xây dựng và nâng chất tiêu chí nông thôn mới là mục tiêu của toàn Đảng bộ, cũng là nội dung từng hộ gia đình ở đây phấn đấu đạt chuẩn gia đình văn hóa. Tiếp sức cùng nhân dân địa phương, góp một phần vào tiến trình này là kế hoạch được Ban chỉ huy chiến dịch “ Hành quân xanh” xây dựng. Hàng loạt nội dung chương trình hoạt động được triển khai. Lực lượng xung kích địa phương cùng các chiến sĩ trường Đại học cảnh sát Nhân dân phối hợp thực hiện, đáng mừng là được đông đảo bà con trong thôn ấp tích cực trực tiếp cùng tham gia: khai thông kênh rạch, thu gom rác thải, hướng dẫn phân rác tại nhà, diệt lăng quăng, tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, trồng hoa các tuyến đường giao thông nông thôn, giúp dân xây-sửa chuồng trại chăn nuôi, chặt cây làm cầu bắc qua mương trong xóm, tiếp sức mùa thi…Ban ngày lao động giúp dân, đêm đến tổ chức các tụ điểm sinh hoạt hè cho các em học sinh, sinh hoạt văn nghệ, tham gia tuần ca canh gát. Nhà văn hóa xã, các tụ điểm sinh hoạt các ấp sáng ánh đèn, rộn ràng lời ca, tiếng hát, tạo sinh khí mới khắp vùng quê.

 

Các hoạt động giúp dân của các học viên trường ĐH cảnh sát nhân dân

 

Kết quả, trên 500 đoàn viên thanh niên của trường đã trực vớt lục bình, khơi thông dòng chảy cho 37 tuyến kệnh rạch dài gần 39km, phát hoang, làm vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trên 73 tuyến đường dài 124km, phối hợp cùng địa phương thực hiện mô hình “ thắp sáng đường quê” tạo mỹ quan, sắc thái mới tươi đẹp trên địa bàn.. Lực lượng tham gia chiến dịch “ hành quân xanh” còn tổ chức tuyên truyền luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình, luật hình sự, Luật dân sự…thu hút 1.400 lượt người nghe..v.v..

Với phương châm học viên đi thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, sinh viên các trường Đại học cảnh sát nhân dân đã về cơ sở, tham gia xây dựng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội, tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân trẻ đã in đậm trong tâm trí của người dân. Trong thời gian thực hiện hoạt động thực tế mùa hè xanh tại địa phương, sinh viên tình nguyện luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân; được nhân dân đón nhận người con, người cháu của gia đình. Đến khi tổng kết chiến dịch, trở về môi trường học tập vẫn tràn ấp tình cảm nồng ấm giữa các chiến sĩ và người dân nơi đây.

Qua hoạt động thực tiễn, những sinh viên – chiến sĩ công an Nhân dân trong tương lai càng nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Cũng qua hoạt động này, từng sinh viên có điều kiện so sánh, đối chiếu kiến thức đã học, bước dầu xâm nhập vào cuộc sống lao động, sản xuất thông qua các hoạt động xã hội, gắn lý luận với thực tiễn và được tạo điều kiện gắn bó mật thiết với nhân dân, làm tốt công tác dân vận, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân, nâng cao hình ảnh người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xây dựng lập trường, bản lĩnh để mai sau tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà Nước, bảo vệ nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trước yêu cầu, nhiệm vụ, áp lực của công việc, dư luận xã hội, tác động không tích cực từ mặt trái cơ chế thị trường và quá trình đổi mới, hội nhập./.

 

Huỳnh Hậu