Từ "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng” cho đến việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới
14:43 25/09/2014 17386
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Với câu nói bất hủ của người đoàn viên đầu tiên Lý Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” , tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng, nỗ lực hết mình viết tiếp trang sử của thế hệ cha anh đi trước.
Nói đến tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mỗi bản trẻ chúng ta không thể không nói đến anh hùng Lý Tự Trọng, người Đoàn viên thuộc lớp đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.
Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014) tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê gốc ở làng Việt Xuyên - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Do không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, cụ Khoan đã cùng một số bà con rời quê sang Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng.
Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014) tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê gốc ở làng Việt Xuyên - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Do không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, cụ Khoan đã cùng một số bà con rời quê sang Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng.
Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh quyết tâm vì cộng đồng. Ảnh Chế Hồng Trung |
Tuổi nhỏ, hoài bão lớn
Ngay từ nhỏ, Lý Tự Trọng đã tỏ ra là người sớm hiểu biết, thông minh và học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ như tiếng Thái, Việt, Anh, Pháp, Nga; được nuôi dưỡng trong môi trường cách mạng, Lý Tự Trọng sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến. Ngày 08/02/1931, lợi dụng lúc bà con đi xem bóng đá ở sân vận động Sài Gòn tập trung rất đông, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng, cờ đỏ búa liềm được giương cao. Một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Giữa lúc ấy, tên mật thám cáo già Pháp Lơ-gơ-răng và bọn cảnh sát đi cùng đã ập tới. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết. Bị vây hãm ráo riết, Lý Tự Trọng đã bị bắt.
Thực dân Pháp đưa anh ra xử án, Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên toà của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng; nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng và những tiếng hô của anh: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân trong khám lớn Sài Gòn. Lý Tự Trọng đã hiên ngang bước lên máy chém, hát vang bài Quốc tế ca.
Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với ý chí tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm tiêu biểu như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện...
Thanh niên TP Hồ Chí Minh hăng hái lên đường nhập ngũ. Nguồn ảnh kenh13.info |
Hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào "Ba sẵn sàng" và “Năm xung phong". Từ hai phong trào ấy đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc, như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc - Quảng Nam anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống "Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống quân thù". Câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi "Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc" đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp năm châu; lời hô của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!" đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù,… Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Có thể thấy, thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước.
Con đường cách mạng của thanh niên Việt Nam trong thời kì mới
Câu nói bất hủ của anh Lý Tự Trọng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nó là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đoàn viên, thanh niên. Con đường Cách mạng của Đoàn viên thanh niên Việt Nam trong thời kì mới mang một đặc thù và màu sắc mới.
Có nhiều người hiểu rằng “cách mạng” chủ yếu là cuộc đấu tranh giành chính quyền, quyền lực trong chính trị. Đó là một cách hiểu chưa hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng định nghĩa “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn có những người... có công với cách mạng, song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng, hại đến tổ quốc, nhân dân”.
Như vậy, rõ ràng là không phải ở một con người, một Đảng, một Nhà nước... chỉ làm cách mạng một lần là thôi, là đủ. Vì cách mạng có vận động, làm, tìm được, xây dựng nên cái “mới” rồi, cái “tốt” rồi, nhưng do nhiều nguyên nhân cái mới đang có, cái tốt hiện hành, đã trở thành cũ, xấu, đòi hỏi một cuộc cách mạng mới. Chính vì vậy, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên đều phải suy ngẫm định nghĩa “cách mạng” theo quan điểm này của Bác để “xoá bỏ cái xấu, cái cũ” trong con người mình - nhất là trong con người cách mạng, tạo nên cái tốt, cái mới, bớt đi cỏ dại, để cho vườn hoa dân tộc - đất nước, mãi mãi đẹp tươi.
Văn nghệ chào mừng của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Lễ phát động các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014) và cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Nguồn ảnh internet |
Để tiếp bước trên “con đường cách mạng” của anh Lý Tự Trọng, của các thế hệ đoàn viên, thanh niên đi trước, thì cá nhân mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải tích cực trong các hoạt động rèn luyện, bồi dưỡng trong mọi lĩnh vực để trở nên hoàn thiện hơn và xứng đáng trở thành người thừa kế trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đoàn viên thanh niên phải tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng; tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề; tích cực xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp; xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tham gia vào công tác ngoại giao nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn
Cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới" của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đưa ra hình mẫu của thanh niên trong thời kì mới hướng tới các mục tiêu “tâm trong”, “trí sáng”, “hoài bão lớn”. Đây có thể coi là một cuộc vận động lớn, có ý nghĩa định hướng sâu sắc trong việc lựa chọn giá trị của Đoàn viên thanh niên Việt Nam thời kì mới. Vậy hình mẫu thanh niên thành phố Hồ Chí Minh thời kì mới cần hướng đến những giá trị nào?
Đầu tiên phải có lòng yêu nước. Yêu nước là phẩm chất đạo đức không thể thiếu với con người nói chung, con người Việt Nam nói riêng trong đó có tầng lớp thanh niên. Yêu nước không phải là những gì quá cao siêu mà thực chất là một phẩm chất rất gần gũi, được thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày thông qua tình yêu quê hương, yêu thương gia đình, làng xóm, bạn bè… Để xứng đáng là những người chủ nhân tương lai của đất nước, thanh niên Việt Nam tất yếu phải có lòng yêu nước.
Giá trị thứ hai là, phải sống có trách nhiệm, sống trách nhiệm là sống biết nghĩ cho mình, biết nghĩ đến người khác, đến tập thể xung quanh, đến xã hội. Thực tế hiện nay, một bộ phận thanh niên có lối sống vô trách nhiệm, sống không nghĩ đến tương lai, sa đọa vào các tệ nạn xã hội hoặc sống chỉ biết nghĩ cho mình mà không quan tâm đến gia đình, xã hội. Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển đi lên, mỗi thanh niên cần thể hiện trách nhiệm của mình, trước hết là với bản thân, phấn đấu là người sống có ích. Mỗi thanh niên dù năng lực, vị trí khác nhau nhưng đều phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ, bổn phận của mình.
Tiếp đến là phải trở thành người có văn hóa. Sống có văn hóa là ứng xử phù hợp với các quy tắc đạo đức, các chuẩn mực của xã hội. Là những người trẻ, thanh niên cần xung kích đi đầu thực hiện lối sống văn hóa trong cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử, tham gia các phần việc xã hội như: tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, cần có kỷ luật, đảm bảo yêu cầu về giờ giấc, tôn trọng quy định của tập thể, tổ chức. Sống có kỷ luật sẽ làm cho tập thể phát huy được sức mạnh. Có bản lĩnh, năng lực làm chủ bản thân và khẳng định giá trị bản thân; không để dao động, lung lay, cám dỗ bởi cái xấu và dám hành động để bảo vệ cái đúng. Đồng thời, phải có năng lực chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu công việc, góp phần tham gia phát triển xã hội. Có kỹ năng giúp thanh niên thích ứng các điều kiện, hoàn cảnh, thiết lập được các mối quan hệ xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Hàng ngàn thanh niên tham gia xếp hình lá cờ Việt Nam và cùng hát quốc ca tại ngày hội “Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương” tại Nhà văn hóa Thanh niên - Nguồn ảnh biendong.tuoitre.vn |
Ngoài ra, rèn luyện sức khỏe tốt cũng là một điều vô cùng cần thiết. Đối với thanh niên nói riêng, là những đại diện tiêu biểu của đất nước các bạn cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh nâng cao sức khỏe, thể trạng đảm đương tốt mọi công việc đồng thời góp phần xây dựng hình mẫu lý tưởng con người Việt Nam. Ngoài ra, phải tự tin năng động, chủ động sáng tạo, tự nguyện xung phong, xung kích, tiên phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ, công việc.
Lý tưởng cuộc sống giúp con người có mục tiêu và động lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều thanh niên trẻ sống thiếu lý tưởng, sống không có mục đích dẫn đến sống vô nghĩa và vô ích. Vì vậy, cần phải xây dựng lý tưởng sống trong thanh niên. Mỗi thanh niên cần xác định lý tưởng, ước mơ, hoài bão của mình để lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thực hiện. Chính vì thế, một trong những tiêu chí cần thiết nữa là thanh niên phải sống có lý tưởng. Bên cạnh đó, có tinh thần cầu tiến, không ngừng học tập vươn lên đáp ứng yêu cầu của xã hội và theo kịp thời đại, không thỏa mãn bản thân để mỗi ngày được tiến bộ hơn. Thanh niên cũng cần có bản lĩnh vững vàng. Trong xu thế đất nước ngày càng phát triển và hội nhập vào nền văn hóa chung của thế giới, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ thông tin; thanh niên dễ dàng được tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng, văn hóa, lối sống khác nhau. Để giữ vững lập trường, lý tưởng thanh niên cần phải có bản lĩnh vững vàng, có sức mạnh ý chí vượt qua những khó khăn, thách thức và cám dỗ không lành mạnh của xã hội.
Thế kỷ XX – thế kỷ vĩ đại và oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã trôi qua, cả nước đã bước vào một thế kỷ mới đầy khó khăn và thử thách. Nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp với đời sống vật chất và tinh thần cao, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Trong sự nghiệp trọng đại đó, sức trẻ, lòng nhiệt thành, trí tuệ của thanh niên giữ vai trò rất quan trọng.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014), tự hào về anh với câu nói bất hủ “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” , tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng, nỗ lực hết mình viết tiếp trang sử của thế hệ cha anh đi trước, luôn luôn là lực lượng xung kích cách mạng, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.