Trí thức trẻ ở miền núi: Lúa tăng năng suất nhờ Phó Chủ tịch xã
12:12 13/01/2016 2619
Công tác giáo dục Nhiều trí thức trẻ về công tác ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi đã phát huy sức trẻ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, nhiều trí thức trẻ về công tác ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy sức trẻ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Huyện Sơn Hà cũng đã quan tâm đặc biệt đối với lực lượng này. 2/3 số trí thức trẻ đã được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Những trường hợp khác được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã nhiệm kỳ tới.
Huyện Sơn Hà cũng đã quan tâm đặc biệt đối với lực lượng này. 2/3 số trí thức trẻ đã được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Những trường hợp khác được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã nhiệm kỳ tới.
Các trí thức trẻ đã mang đến cho các xã nghèo "luồng gió mới" (Ảnh: Báo Quảng Ngãi) |
Thay đổi tập quán nhờ suy nghĩ mới
Vụ sản xuất Đông Xuân này người dân xã miền núi Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi xuống giống đúng lịch thời vụ, đúng cơ cấu giống. Đây là bước tiến đáng kể trong sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Sơn Hà. Bởi từ lâu, bà con quen với tập quán canh tác lạc hậu, cây lúa phó mặc cho trời, không bón phân, chăm sóc nên năng suất rất thấp.
Gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ, với giống lúa chất lượng, lại thường xuyên chăm sóc nên năng suất lúa vài vụ gần đây ở Sơn Hà đạt 46 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với trước. Người có công rất lớn trong việc thay đổi tập quán canh tác cây lúa của người dân xã Sơn Cao là Trần Đình Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã. Đây là một trong số các cán bộ trẻ được tuyển chọn theo Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo trong cả nước.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân ở xã Sơn Cao cho biết, bây giờ bà con đã thay đổi nhận thức trong chăn nuôi: “Trước đây tôi nuôi heo nhưng thấy không có lãi, giờ tôi chuyển qua trồng cỏ nuôi bò. Ở đây bà con ai cũng trồng cỏ nuôi bò”.
Trần Đình Vũ tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, ra trường làm việc ở một vài nơi. Khi có Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo trong cả nước, Vũ đăng ký tham gia và được tuyển chọn về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Đảm nhận công việc hoàn toàn mới ở một địa bàn hết sức khó khăn, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, Vũ chịu khó học hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con địa phương cũng như những khó khăn của người dân. Lăn lộn cả năm trời, Vũ tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng các dự án về trồng trọt, chăn nuôi, giảm nghèo sát đúng với người dân.
Theo Trần Đình Vũ, trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, dự án, địa phương đều lấy người dân làm chủ thể, vận động bà con tham gia chứ không năn nỉ. Người dân khi tham gia thực hiện phải có trách nhiệm với mô hình, dự án đó và cùng bỏ vốn thực hiện. Tất cả các chính sách để tham mưu đều có tính cạnh tranh. Quá trình tham gia đều có đóng góp của nhân dân, lấy nhân dân làm trọng tâm, chủ thể để thực hiện chính sách.
Đinh Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cán bộ thuộc Dự án 600 trí thức trẻ cũng đã được người dân địa phương tin yêu vừa được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Đinh Tuấn Kiệt, đây là cơ hội để tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình ở những vùng quê nghèo khó.
Sẽ tiếp nhận các đội viên
Đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện Sơn Hà đã tiếp nhận 9 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch ở 9 xã. Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hà rất quan tâm, tạo điều kiện để những cán bộ trẻ này phát huy năng lực bản thân.
Huyện đã chỉ đạo các xã phân công, giao nhiệm vụ và thường xuyên đôn đốc, giúp đỡ các trí thức trẻ ngày càng tiến bộ. Đến nay đã có 8 Phó Chủ tịch UBND xã trong diện này được kết nạp Đảng, và đã có 6 người được bầu vào cấp ủy và 1 người được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Ông Đặng Ngọc Dũng cho biết, nếu Dự án kết thúc sẽ tiếp tục lựa chọn những trí thức trẻ này.
Theo đồng chí Hồ Văn Thế, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, trong số 53 trí thức trẻ tham gia Dự án 600 của tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết là những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm, đóng góp đáng kể cho địa phương.
“Thời gian qua, phần lớn số này phát huy tốt. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh đề xuất Trung ương, những địa phương, cơ sở nào, các đội viên này nếu đủ điều kiện thì tiếp tục bố trí công chức cấp huyện hoặc ở địa phương nào, cơ quan nào cũng được”./.