Tình yêu thương giúp đội viên Dự án 600 vượt khó
16:11 29/11/2013 2202
Công tác giáo dục Không phải là người con sinh ra từ huyện nghèo Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nhưng ngay từ những ngày đầu đặt chân lên vùng đất của xã nghèo Hóa Phúc - huyện Minh Hóa để tham gia Dự án 600 thì Ngô Thị Hương đã cảm thấy gắn bó và tâm niệm Hóa Phúc như là quê hương thứ hai của mình.
Cảm thương những cảnh nghèo cơ cực
Đọc những dòng tâm sự của Hương khi mới đặt chân đến xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa mới thấy xúc động với tình yêu thương dành cho dân bản trong lòng một cô gái trẻ.
"Hóa Phúc, 5/3/2012…!
…Mình đến với Minh Hóa bằng tất cả sự nhiệt thành của tuổi trẻ, sự yêu thương con người và mảnh đất nơi đây. Ngày đầu trên hành trình đến Minh Hóa có không ít những khoảnh khắc khó quên vì nhận thấy những con người hiền lành quá đỗi và cuộc sống chứa đựng nhiều gian lao đến thế. Những mái nhà nhỏ bé, những mái cọ đơn sơ, xiêu vẹo làm lòng mình quặn thắt bao nỗi niềm xót xa. Quảng Bình ơi! Dẫu biết rằng trong câu hát của Mẹ đã mang chút dư vị mặn mòi của bao giọt mồ hôi lấm lem nơi đồng ruộng, sự cực nhọc của người dân quê một nắng hai sương tần tảo sớm hôm nhưng vẫn không thể không ngỡ ngàng vì còn đó bao số phận con người bé nhỏ đến tội nghiệp. Sự mong manh trong tâm hồn lại được che đậy bằng tất cả sự gồng mình để chống chọi với bao khó khăn của đời sống mưu sinh.
…Chiều nay có ai biết trong mái nhà kia liệu rằng bữa cơm có được trọn vẹn hay vẫn phấp phỏng ăn bữa tối lo bữa mai nhỉ?! Còn các em thơ nữa, tấm áo nào che ấm cho các em … Mình lại thấy băn khoăn nhiều hơn bởi lo rằng mình sẽ chẳng làm được gì nhiều để giúp những bà con nơi đây sớm thoát khỏi nghèo đói. Hóa Phúc đã cho mình những tình cảm ấm nồng của những ngày đầu xa quê! Mình sẽ mãi trân trọng và ghi tạc trong lòng! Yêu thương ơi! Hãy mãi hiện hữu trong cuộc sống để cùng ta vượt qua tất cả…"
"Hóa Phúc, 11/6/2012…!
…Vậy là làm việc được một thời gian rồi. Càng làm càng thấy yêu thêm công việc và càng có nhiều trăn trở hơn. Những bữa cơm của bà con thật đạm bạc chỉ có mỗi nước mắm và lạc rang sau một ngày làm việc nặng nhọc, mình nghĩ mà càng thương người dân quê mình quá! Mình ghé vào nhà Anh Dũng bỗng dưng nụ cười tan biến đâu mất, lòng chông chênh đến lạ khi nhìn thấy bữa cơm tối chỉ vẻn vẹn 1 tô mì làm canh chan cùng cơm trắng. Ba đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng vì vất vả quá nên nhìn đứa nào cũng đen nhẻm và gầy rộc. Mình không biết lúc đó trong mình là cảm xúc gì nữa, cũng không biết suy nghĩ thế nào mình ra về và cố tình để quên những cây măng mà bác Bí thư thôn mới cho mình. Hi vọng ngày mai bữa cơm cho các cháu có thêm món măng xào… Vậy mà nước mắt mình trào ra khi Anh gọi mình và nói “O Hương quên măng ở nhà anh rồi. Anh đưa ra cho O Hương nhé!” Mình thấy yêu sao những con người chân tình và mộc mạc quê mình quá…"
Tình yêu thương của mọi người
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành về khoa học xã hội nhưng Hương lại được UBND phân công phụ trách lĩnh vực phát triển kinh tế. Nhưng không phải vì thế mà Hương gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành bởi ngoài năng lực của Hương còn có sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp, của dân bản, đặc biệt là sự giúp đỡ tân tình của lãnh đạo xã.
Tân Phó Chủ tịch xã Hoá Phúc - Ngô Thị Hương đang kiểm tra mô hình nuôi nhím
Khi hỏi đến việc phân công nhiệm vụ đối với Ngô Thị Hương, đồng chí Đinh Thanh Có, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc khẳng định: "Cổ nhân có nói: dùng người phải dựa vào phẩm chất, năng lực, dựa vào sự đánh giá của đông đảo người dân. Chúng tôi phân công đồng chí Hương phụ trách lĩnh vực kinh tế là vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức trẻ, trình độ, năng lực, sự kiên nhẫn và sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của đồng chí Hương, điều đó được thể hiện khi đồng chí ấy tham gia thực tế tại xã này. Hơn nữa, mọi người rất yêu thương đồng chí Hương, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí ấy. Mặt khác, vì đồng chí Hương tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên UBND vẫn phân công những cán bộ am hiểu về kinh tế để chỉ bảo, hướng dẫn tạo điều kiện cho đồng chí Hương hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Hương hoàn thành nhiệm vụ thì có nghĩa là chúng tôi cũng hoàn thành việc xóa đói giảm nghèo cho người dân".
Hiện nay, Hương đang được UBND giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các đề án phát triển kinh tế như: phát triển cây cao su trên địa bàn xã; mô hình nuôi nhím; xây dựng phương án sử dụng vốn 135; đề án xây dựng nông thôn mới. Những dề án này bước đầu đã thu lại những kết quả khả quan. Toàn xã đã trồng được hơn 5000 cây cao su; xây dựng được một trạm y tế; hoàn thành trên 3 km đường liên thôn theo chương trình nông thôn mới. Đặc biệt sự thành công của Hương đó là làm cho người dân không còn sự ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của nhà nước mà họ tự nguyện làm đơn thoát nghèo, có trách nhiệm hơn khi được nhận các nguồn vốn hỗ trợ thoát nghèo.
Hương được đánh giá là người rất gần dân, Hương luôn tham gia các hội nghị ở thôn, hay tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với người dân khi thì tại nhà,khi thì tại nương tại rẫy, tại ruộng vì vậy Hương rất hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân và cũng chính vì thế Hương luông được người dân bản từ người già đến trẻ con dành một tình cảm gần gũi, thân quen và thường gọi với cái tên trìu mến "O Hương", "Dì Hương".
Là một lãnh đạo trẻ ở một vùng quê nên không tránh khỏi sự nghi kỵ, chưa tuyệt đối tin tưởng của một số công chức trong cơ quan. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực cố gắng của Hương và sự phân tích, giải thích, thậm chí là quán triệt của lãnh đạo xã trong những cuộc họp giao ban nên những điều đó đến nay đã không còn nữa. Có thể nói Hương hoàn toàn yên tâm công tác, triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế mà UBND xã giao cho như đồng chí Chủ tịch UBND khẳng định: "Chúng tôi tin chắc đồng chí Hương sẽ thành công".
Tweet