Thiếu vốn, nhiều dự án của trí thức trẻ phải... “nằm chờ”

14:49 31/10/2014     2396

Công tác giáo dục   Ở Bắc Giang, hiện mới có 5 dự án được triển khai và phát huy tốt hiệu quả, còn gần 10 dự án đang phải chờ vì thiếu vốn
Bắc Giang là một trong những địa phương được chọn làm điểm trong việc thực hiện Dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Sau 2 năm thực hiện, nhiều dự án của các trí thức trẻ ở Bắc Giang đang phát huy tốt hiệu quả. Tuy vậy, cũng không ít dự án đang phải “nằm chờ” vì thiếu vốn. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang về vấn đề này.

Tiền ở trên rót về đều đã có “tên tuổi”

PV: Sau gần 2 năm thực hiện dự án 600 ở tỉnh Bắc Giang, xin ông cho biết đánh giá về hiệu quả của dự án khi triển khai ở đây?


Ông Nguyễn Văn Nghĩa:
Khi các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã ở các huyện nghèo, họ
a
Ông Nguyễn Văn Nghĩa
thường rất khó khăn, thể hiện rõ ở việc ăn, ở, đi lại. Từ đó cũng rất khó khăn trong việc phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ trí thức trẻ khi được phân công về làm Phó Chủ tịch của các huyện nghèo.

Ở Bắc Giang, sau hơn 2 năm triển khai dự án 600 của Chính phủ, đội ngũ trí thức trẻ ở đây đã được Bộ Nội vụ đánh giá phát huy rất tốt năng lực. Riêng trong lĩnh vực triển khai các dự án của đội viên về phát triển kinh tế-xã hội mang lại kết quả khá rõ nét.

Bắc Giang có 19 đội viên và đã xây dựng được 17 đề án phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Qua 2 năm, một số đề án được triển khai đã mang lại hiệu quả rất tốt, như đề án "Trồng khoai tây" của đội viên Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang; đề án “Nuôi thỏ hộ gia đình” và đề án “Ứng dụng quá trình xử lý nước thải sinh hoạt” ở xã Quế Sơn của đội viên Trần Thị Trung, chăm sóc cây vải thiều của đội viên Bùi Thị Kim Dung ở xã Cẩm Đạt, đề án “Thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp” của đội viên Đào Hải Hà, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Khương… 5 đề án này đã được triển khai và mang lại kết quả rất tốt.

Vừa qua, một số đội viên cũng đề xuất chương trình học tập mô hình của các xã khác và cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số đề án đang khó khăn trong việc triển khai.

Thứ nhất là về vốn đầu tư. Thực ra, đầu tư bước đầu cho một đề án không quá nhiều, nhưng ở các huyện nghèo, nếu được phân bổ một đồng vốn nào ở trên xuống thì đều đã có địa chỉ. Còn ở huyện thì khó có kinh phí để đầu tư cho riêng các đề án.

Thứ hai, một số đề án tính khả thi cũng không cao và có  những đề án bị “trùng”, nghĩa là đã được triển khai trên địa bàn huyện. Rồi có đề án có hiệu quả kinh tế  nhưng lại phải cân nhắc. Ví dụ đề án trồng cây keo lai hom mang lại hiệu quả rất cao, nhưng nếu triển khai thì hậu quả để lại cũng phải xem xét. Nếu trồng cây keo lai hom thì phải phát rất nhiều diện tích rừng. Như thế, rừng tự nhiên sẽ mất nguồn sinh thủy của một loạt hồ chứa nước. Rừng nguyên sinh thường có một lớp thực bì để giữ nước, cung cấp nước cho các hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, nhưng khi phát rừng sẽ mất nguồn sinh thủy, các hồ chứa sẽ lại bị bỏ phí. Cùng với đó, mưa lớn sẽ xảy ra lũ quét. Do đó, việc triển khai những dự án như vậy cần phải xem xét.

Thứ 3, một số đề án chưa có tính cấp thiết cao. Ví dụ, đề án trồng cây hương bài trên địa bàn huyện hoặc đề án bảo tồn bản sắc truyền thống của người dân tộc Cao Lan… là những đề án mang tính lâu dài.

Tuy vậy, chúng tôi cũng đã bàn với các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND huyện Sơn Động về việc đầu tư cho các dự án. Nhìn chung, các cấp, các ngành đã có hướng để thực hiện các dự án, nhưng nguồn vốn đầu tư hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Sang năm nay, chúng tôi tin tưởng là một số đề án sẽ được tiếp tục triển khai. Các đề án đang có hiệu quả sẽ được nhân rộng.

PV: Như ông vừa cho biết, các dự án được cấp về địa phương đều đã có địa chỉ. Vậy tỉnh sẽ có hướng như thế nào để triển khai các dự án đang “nằm chờ” vì thiếu vốn?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Chúng tôi đã có tính toán, hơn 10 dự án còn “nằm chờ” thì vốn đầu tư bước đầu không lớn. Nhưng trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2013, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn, nên việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp để có những nguồn lực đầu tư cho các dự án của trí thức trẻ cũng gặp khó khăn. Cùng với đó, việc thu ngân sách, duyệt ngân sách của UBND huyện để đầu tư vào những nội dung này cũng gặp nhiều khó khăn.

d
Các Phó Chủ tịch xã tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Dự án 600
Tôi cũng đã từng làm Chủ tịch UBND huyện, phân bổ đồng vốn nào từ trên Trung ương xuống đều đã có “tên tuổi”. Còn tiền phê duyệt cho dự án 30a cũng được thực hiện từ 2008, và cũng đã có “tên tuổi”. Còn tiền ngoài dự án thì không có để rót về. Do vậy, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là rất khó khăn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập những đoàn vận động hỗ trợ để các đề án này được triển khai. Nếu khi triển khai các dự án này có hiệu quả, việc nhân rộng, việc kêu gọi đầu tư tiếp mới dễ dàng. Còn đề án vẫn đang nằm trên giấy thì tính thuyết phục không cao, rất khó cho việc vận động, xã hội hóa.

Nếu không làm được, đương nhiên sẽ bị “đào thải”

PV: Một thực tế là nhiều đội viên phát huy rất tốt năng lực của mình, nhưng cũng có số ít còn thụ động, làm việc không hiệu quả, gần như không phát huy được vai trò của mình. Vậy theo ông với những trường hợp như vậy, ở địa phương có sự “đào thải” hoặc bố trí công việc khác cho họ?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Chúng tôi cũng đã tìm hiểu là ở một số tỉnh, một số đội viên cũng còn hạn chế, mặc dù họ được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trước khi đưa về. Nhưng khi về địa phương cũng có rất nhiều hạn chế.

Thứ nhất, là hạn chế trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cấp ủy chính quyền ở địa phương. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế, tuy nhiên ở Bắc Giang không có trường hợp nào như vậy.

Chúng tôi có 19 đội viên thì 100% đội viên đã được học bồi dưỡng lớp kết nạp đảng viên mới. Trong đó có 14 đội viên đã được kết nạp Đảng, chiếm 73%, nên việc tiếp cận với chủ trương, quan điểm của chính quyền để thuyết phục, đưa các trình độ tiên tiến kỹ thuật vào thực tiễn đang phát huy rất tốt.

Ở Bắc Giang, trong quá trình phân loại giai đoạn 1 vừa qua, 100% đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 5 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm chúng tôi đều có đánh giá phân loại, nên nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ thì tất nhiên theo quy luật sẽ bị “đào thải”. Nhưng đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định ở Bắc Giang sẽ không có trường hợp nào bị đào thải vì không hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Trong dự án 600 có nội dung bồi dưỡng, phát hiện nhân tố xuất sắc và bố trí ở vị trí cao hơn cho họ, kể cả khi họ chưa hết thời gian thực hiện dự án. Vậy ở Bắc Giang sẽ có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng và bố trí những nhân tố này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Bây giờ, nếu nói về việc này thì cũng hơi sớm, vì còn liên quan đến quy định của dự án. Tôi cũng đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo dự án 600 là ở Bắc Giang có 2 trường hợp, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã rất nhất trí.

Hai đội viên này khi về nhận nhiệm vụ ở Bắc Giang đã rất am hiểu tình hình địa phương và mang lại hiệu quả rất rõ nét. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có đề nghị và dự kiến sẽ bố trí 2 đội viên này về các phòng, ban của huyện công tác. Như vậy, ngay từ khi chưa kết thúc dự án, Bắc Giang dự kiến sẽ có 2 đội viên được bồi dưỡng và bố trí vào những vị trí cao hơn.

PV: Còn hơn 2 năm nữa dự án sẽ kết thúc. Cùng với sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án, Bắc Giang sẽ có kế hoạch hỗ trợ các đội viên như thế nào trong thời gian còn lại để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa:
Về phía địa phương, chúng tôi đã có yêu cầu làm thế nào đáp ứng đầy đủ, kịp thời những chế độ mà đội viên của dự án hiện tại đang được hưởng theo quy định.

Còn đối với những xã có điều kiện kinh tế khá giả hơn, như thu vượt ngân sách, thì những đội viên ở xa nhà, xa quê, ngoài chế độ ra, chúng tôi vận động các xã cũng hỗ trợ đội viên một phần, như tiền xăng xe đi lại, hỗ trợ về ăn ở, sinh hoạt…

Nhiều đội viên ngay từ khi nhận nhiệm vụ cũng rất băn khoăn là sau khi kết thúc dự án, họ sẽ được bố trí việc làm như thế nào. Về việc này, chúng tôi cũng phải căn cứ vào các quyết định của Thủ tướng, trong đó đội viên dự án 600 là công chức của Nhà nước thì họ sẽ được sắp xếp, bố trí quy hoạch. Việc này cũng đang được giao cho cơ sở lên kế hoạch. Ví dụ, các xã thấy tiếp tục quy hoạch các đội viên này vào các vị trí chủ chốt của xã thì xã bố trí việc làm sau khi kết thúc dự án...

Ngay từ đầu, tôi đã xác định cho các đội viên tinh thần tình nguyện là chính, không ai bắt họ cả, nên họ phải cố gắng phấn đấu. Mới làm được một nửa dự án, băn khoăn là điều đương nhiên, nhưng nếu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không ai bỏ rơi họ cả.

PV: Xin cảm ơn ông./.