Thí sinh đi thi: Muôn nẻo đường vất vả

09:01 03/07/2011     2778

Công tác giáo dục   Từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, các sĩ tử ồ ạt đổ xô về Hà Nội dự thi đại học, dưới thời tiết nóng nực lên tới 400c cùng với sự nhốn nháo của đủ thứ “cò” đã làm cho không khí mùa tuyển sinh năm nay trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Cò nhà, xe ôm thi nhau kéo!

Chị Lê Thị Lan, ở Tiền Hải - Thái Bình cho biết: “Tôi vừa bước xuống xe thì mấy ông xe ôm lại giằng níu và mời đi xe ôm giá rẻ. Hai mẹ con tôi liền lên xe ôm đi đến cụm thi ở Khương Hạ - Thanh Xuân, không ngờ mấy ông ấy vặt 60 ngàn/người”.

Còn chị Hoa, quê ở Duy Tiên, Hà Nam cũng gặp hoàn cảnh tương tự, ngoài việc bị cánh xe chặt chém chị còn bị ba bốn người cho thuê nhà trọ mời chào “nồng nhiệt”. Chị nói: “Tôi và con đang say xe mệt đứ đử thì bị các bác xe ôm, cho thuê nhà trọ cứ bám sát nói đau cả tai...”, giằng co mãi, cuối cùng chị và cô con gái cũng kiếm cho mình được một chỗ trọ ở khu vực đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, Hà Nội. Căn phòng chỉ có hơn chục mét vuông mà có đến năm sáu người thuê trọ, phòng lại chỉ có một cái quạt không đủ mát. Với cái nắng như đổ lửa của ngày hôm nay, chị và tất cả các bậc phụ huynh phải dạt ra ngoài để nhường chỗ cho con em ôn học...


Chưa kịp xuống xe, nhiều sĩ tử đã bị cò nhà, xe ôm lôi kéo. (Ảnh Tuấn Đức)




Nắng nóng đeo đuổi


Kỳ thi năm nay diễn ra dưới sự ảnh hưởng của nắng nóng lên đến 40 độ C. Tuy nhiên, nhiều sĩ tử vẫn phải sống trong các khu nhà trọ cấp bốn chật chội, lợp tấm xi mặng nên vô cùng nóng bức. Phòng chỉ rộng 10m2 nhưng mỗi phòng thường có tới ba đến bốn người ở, cái nóng đeo đuổi cả ngày lẫn đêm...

Chúng tôi tìm tới khu nhà trọ của bà Mận phía sau trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, gặp em Vũ Tuấn Anh, quê ở Giao Thủy, Nam Định lên dự thi. Tuấn Anh cho biết: “Nhà em nghèo lắm, bố mẹ là nông dân cả, không có tiền thuê những căn hộ rộng, mát nên đành phải chịu sống chung với nóng, như thế này thi đến nơi mà lên đây em vẫn không ôn được chữ nào. Không khí ngột ngạt không thể chịu nổi nhưng chúng em vẫn phải cố gắng thôi”.

Quả thật nhiều sĩ tử vì điều kiện gia đình khó khăn nên phải ở trọ trong căn phòng nóng nực, bức bối gây ảnh hưởng không nhỏ tới học tập và thi cử.

Ba ngày đi thi = Một năm đi cày

Với những người nông dân đưa con đi thi đại học là công việc tiêu tốn một khoản tiền lớn, đối với họ phải làm ăn tích cóp cả một năm trời. Thế nhưng với chị Trần Thị Xuân một nông dân ở Thái Bình lần đầu tiên đưa con lên thi đại học chị không ngờ rằng cuộc sống ở Hà Nội lại đắt đỏ đến thế.

Chị nói: “Lên đây cái gì cũng đắt, ở quê tôi nước chè uống thoải mái chứ lên đây một cốc nước trà phải mua hai nghìn, hai mẹ con tôi ở đây ba ngày chúng tôi phải mang số tiền bằng một năm chồng tôi đi cày thuê”.

Hà Nội vốn là nơi có giá cả đắt đỏ nhưng trong lúc này một số người bán hàng lợi dụng tâm lí của thi cử, người quê ra ngú ngớ nên họ tự đẩy giá lên cao mà không một cơ quan nào kiểm soát. Với hiện tượng này việc những sĩ tử con nhà nghèo lên kinh thi vốn khó khăn nay lại càng trở nên khó khăn hơn.