Thêm 53 trí thức trẻ tốt nghiệp lớp bồi dưỡng làm Phó Chủ tịch UBND xã

08:19 15/02/2012     3455

Công tác giáo dục   Đó là các đội viên của 4 tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận và Quảng Nam, vừa hoàn thành khóa bồi dưỡng làm Phó Chủ tịch UBND xã, bế giảng ngày 11/2 tại tỉnh Lâm Đồng. Số đội viên này sẽ được giới thiệu để tiến hành thủ tục bầu và phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND xã trong thời gian tới.

Sau hơn 3 tháng học tập và đi thực tế, với những kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, trên nền tảng sức trẻ và lòng đam mê, 53 đội viên Dự án của 4 tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận và Quảng Nam đã hoàn thành đề án, đáp ứng yêu cầu, với 7 đội viên xếp loại giỏi, 18 đội viên loại khá.

PV đã có dịp chia sẻ với một số đội viên xuất sắc của khóa đào tạo này về những kế hoạch tương lai nếu được giao trọng trách Phó Chủ tịch UBND xã.

Sử dụng nguồn vốn đảm bảo hiệu quả

Đội viên Lơ Mu Ha Póh

Sinh ra và lớn lên tại một vùng đất nghèo của tỉnh Lâm Đồng (xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông), hơn ai hết Lơ Mu Ha Póh, 1 trong 53 đội viên hiểu và cảm nhận rất rõ cái khó, cái khổ của người dân quê mình, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Từ việc nuôi con bò, trồng cái cây, đào cái giếng, tất cả đều được cầm tay chỉ việc.

Lơ Mu Ha Póh cho biết, hàng năm, nguồn vốn từ các chương trình đầu tư dự án của Nhà nước đưa về cho huyện Đam Rông, đặc biệt là xã trung tâm Rô Men – nơi Ha Póh vừa có đợt thực tập cho vị trí Phó Chủ tịch xã thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã – là rất lớn, tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả vẫn đang là một bài toán cần có lời giải.

Với những kiến thức đã được học ở Trường Đại học Đà Lạt cho chuyên ngành Tài chính-Kế toán, cùng với việc nắm bắt rõ tâm tư nguyện vọng của người dân quê mình – Lơ Mu Ha Póh tin rằng mình có thể thực hiện thành công việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, nâng cao khả năng nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sản xuất giống cây trồng vật nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo.

Thay đổi phương pháp sản xuất nông nghiệp

Đội viên Cao Thị Thanh Huyền

Với người đồng bào dân tộc Raglay chiếm gần tuyệt đối, xã Phước Chính – huyện Bắc Ái (Ninh Thuận) là địa phương làm nông là chính, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60,7%.

Khó khăn lớn nhất của xã là làm sao thay đổi được nhận thức của bà con trong vấn đề sản xuất nông nghiệp trong khi đất đai cằn cỗi, ngoài vùng tưới thì chỉ sản xuất được một vụ trong năm.

Với đề án "Đưa giống cây trồng chịu hạn vào sản xuất”, đội viên Cao Thị Thanh Huyền (Ninh Thuận) mong muốn phần nào giúp bà con quê mình từng bước thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu, đồng thời giải quyết trước mắt được một lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Đội viên Lê Quang Tính

Tốt nghiệp Quản lý tài nguyên rừng và môi trường – Trường Đại học Nông lâm Huế, Lê Quang Tính (Quảng Nam) quyết định tham gia “Dự án 600 Phó Chủ tịch xã” để có thể góp một phần sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kiến thiết quê hương.

Quan sát và nghiên cứu rất kỹ địa phương mình sẽ về công tác – xã Phước Kiến, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), Tính cho rằng cần phải giải quyết vấn đề lưu thông để thuận tiện trong việc sản xuất, đi lại của bà con

Ngoài ra, theo đội viên Tính, nhóm đất phù sa thuộc hạ lưu các con sông ở đây rất thích hợp với trồng lúa, do đó cần phải có một đề án cụ thể về việc hướng dẫn thâm canh lúa nước tại địa phương.

“Cán bộ phải biết lắng nghe và hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con cần gì, muốn gì, đó mới là một cán bộ mà người dân cần” là suy nghĩ mà chàng trai trẻ Lê Quang Tính hướng đến trong tương lai.

Xóa bỏ tập tục lạc hậu

Đội viên Nông Thị Hạnh

Từng là cán bộ của Chương trình 30a xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cô gái trẻ Nông Thị Hạnh nuôi mong muốn xóa bỏ các tập tục lạc hậu cho bà con. “Để xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, cần nâng cao nhận thức của bà con. Việc làm này dù có cực mấy Hạnh cũng sẽ làm, làm bằng cái tâm của mình”, cô chia sẻ.

Một chiến lược dài hơi cho hành trình “thay đổi nhận thức” của bà con xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - nơi Hạnh sẽ công tác trong thời gian tới đã được xây dựng một cách cụ thể, rõ ràng.

Theo Hạnh, ban đầu sẽ là tuyên truyền, vận động, tiếp đó sẽ là những định hướng phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, thuyết phục, hiệu quả. “Nếu đời sống của bà con được nâng lên thì họ sẽ tin mình, khi đó mục tiêu xóa bỏ các tập tục lạc hậu sẽ có kết quả”, Hạnh bộc bạch.

Dẫu biết rằng đoạn đường phía trước không là bằng phẳng, song, hơn ai hết, các cán bộ trẻ này là người hiểu rõ nhất mình cần phải có gì và cần phải làm gì để có thể xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng mà Ban Dự án cũng như người dân đặt vào họ.