Thanh Hóa: Bước chân tri thức trẻ tình nguyện

15:37 17/09/2014     1598

Công tác giáo dục   Mục tiêu mỗi dự án tăng cường trí thức trẻ đều hướng tới có nguồn cán bộ gắn bó lâu dài với các vùng đất còn gian khó. Nhưng thực tế, rất khó để thực hiện điều này...
Miền Tây xứ Thanh ngày thêm khởi sắc, trong đó có vai trò của những tri thức trẻ đang ngày đêm cùng ăn, cùng ở với bà con.

Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học Trường ĐH Hồng Đức, Hoàng Đạt Mạnh luôn ao ước được lên vùng cao công tác.

Sau khi tiếp cận thông tin về Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch (PCT) xã ở các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, Mạnh hào hứng tham gia, sẵn sàng đón nhận thử thách mới. Sau khi trúng tuyển, Mạnh được bổ nhiệm làm PCT phụ trách Văn hóa - Xã hội xã Ái Thượng (Bá Thước).
a
Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng Hoàng Đạt Mạnh (bên trái) thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách

Ngày làm việc đầu tiên với tư cách là PCT xã Mạnh vô cùng bỡ ngỡ, bởi mọi cái hoàn toàn xa lạ với những gì trước đây anh nghĩ. Nhưng với nhiệt huyết và sức trẻ, đã giúp cho Mạnh nhanh chóng hòa nhập cùng đồng nghiệp và nhân dân. Việc đầu tiên Mạnh làm khi tiếp cận công việc là xuống từng thôn, bản nắm tình hình.

Hòa mình với dân, anh càng thấy rõ hơn đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tục lệ, tập quán còn nhiều lạc hậu, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, phong trào văn hóa - văn nghệ, TDTT còn nhiều hạn chế... Những ngày tháng bám thôn bản, gần dân, sát dân đã nuôi lớn thêm khát vọng trong anh về việc giúp người dân thay đổi hành vi, thói quen của mình. Những thay đổi rõ nét nhất của Ái Thượng khi Mạnh về làm PCT là phong trào văn hóa - văn nghệ (VHVN) có nhiều chuyển biến, chất lượng hoạt động TDTT được nâng lên, và trở thành nhu cầu nhằm nâng cao thể chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, Mạnh còn đấu mối với các cơ quan, đơn vị tổ chức giao lưu các hoạt động VHVN, TDTT, tạo sân chơi bổ ích, củng cố tình đoàn kết, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương có nhiều chuyển biến rõ nét. Bà con sẵn sàng vượt lên lề thói địa phương để làm theo sự hướng dẫn của Mạnh. Đây chính là thành công lớn nhất của anh.

 Tại xã Thanh Phong (Như Xuân), tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc đơn sơ của mình PCT phụ trách lĩnh vực kinh tế Nguyễn Đăng Vĩnh - một chàng trai “lên ngàn” từ T.P Thanh Hóa, tâm sự: “Tình cờ em đọc được thông tin về tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Với mong ước được mang kiến thức đã học giúp bà con thoát nghèo, em đã nộp hồ sơ. Là cán bộ trẻ, em chỉ muốn làm được điều gì đó cho dân bớt khổ”.

Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, Vĩnh đã bám làng, bám bản nắm bắt tình hình sản xuất của bà con trong xã. Nhận thấy diện tích đất trống, đồi núi trọc của xã đang còn nhiều, Vĩnh vận động bà con tích cực trồng rừng bằng cây keo vừa bảo vệ môi trường lại có giá trị kinh tế. Riêng trong năm 2013 các hộ gia đình ở Thanh Phong đã trồng mới được 72,8 ha trên diện tích đất trống, đồi núi trọc, đưa tổng diện tích trồng rừng toàn xã lên 144 ha. Vĩnh còn vận động bà con thực hiện cấy lúa giống mới, chăm sóc theo mô hình phân nén dúi sâu trên 140 ha góp phần đưa năng suất lúa tăng lên, chi phí giảm xuống.

Nói về Vĩnh, trưởng thôn Kẻ Đắng: Vi Văn Chuyên cho biết: “Từ ngày về xã Vĩnh thường xuyên bám làng, bám bản hướng dẫn bà con trồng rừng, trồng lúa, chăn nuôi con gì có hiệu quả kinh tế. Hiện nay cây lúa ở xã đã cho năng suất gần 60 tạ/ha. Trong thôn từ già tới trẻ ai cũng quý PCT Vĩnh”.

Từ thực tiễn có thể khẳng định Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét. Tin rằng trong thời gian tới với sức trẻ và tinh thần sẵn sàng vượt khó của thanh niên, tri thức trẻ sẽ có thêm nhiều sáng kiến mới, mô hình hay hơn nữa được ứng dụng trong sản xuất góp phần nâng cao đời sống cho người dân các xã nghèo.