Thái Nguyên: Phó Bí thư Chi đoàn làm kinh tế giỏi
10:57 01/01/2014 1301
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Được tận mắt nhìn ngắm sản phẩm đồ gỗ của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Hải Anh do Trần Ngọc Anh (sinh năm 1986, trú tại Xóm Phố, Xã Bản Ngoại, Đại Từ, Thái Nguyên) và nghe anh kể về quãng thời gian bươn trải để có cơ nghiệp như ngày hôm nay mới thấy được nỗ lực của chàng trai trẻ với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ngọc Anh kiểm tra tiến độ công việc |
Tốt nghiệp THPT năm 2004, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn anh đã quyết định không đi học chuyên nghiệp mà chọn cho mình con đường riêng cũng giống như bao thanh niên khác khi gia đình phải lo ăn từng bữa “đi làm thuê”. Những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt chẳng thấm vào đâu khi giá cả kinh tế thị trường mỗi ngày một cao “Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”, anh cười cho biết.
Với kinh nghiệm học hỏi, tiếp thu được anh bắt đầu bước vào nghề chăn nuôi lợn. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được sau 5 năm làm thuê đều tập trung vào cải tạo chuồng trại, thu mua con giống thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Thành công bước đầu đã có nhưng dủi do trong đầu tư lại rất cao vì việc chăn nuôi của anh nhỏ lẻ.
Nhận định thấy thất bại sẽ diễn ra nếu tiếp tục kéo dài trong khi ở quê khối lượng cây công nghiệp rất sẵn, lực lượng lao động nhàn rỗi của địa phương dồi dào. Ý tưởng thành lập công ty sản xuất đồ gỗ bắt đầu nảy sinh trong suy nghĩ của anh. Kế hoạch được vạch ra và được gia đình cũng như bạn bè ủng hộ rất cao, đây chính là thắng lợi bước đầu giúp anh thành công.
Năm 2009, anh mạnh dạn vay 300 triệu đồng của Ngân hàng nông nghiệp xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ; cùng với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè anh quyết định mở xưởng chế biến gỗ. Lúc đầu, hoạt động của xưởng còn gặp rất nhiều khó khăn, do chưa được học bài bản về nghề mộc, kiến thức và kinh nghiệm chưa có nhiều. Công nhân làm việc tại xưởng chủ yếu là làm nông nghiệp nên hầu hết chưa được tiếp xúc với nghề.
Vừa học vừa làm, tìm hiểu thêm kinh nghiệm sản xuất của bạn bè trong những buổi đi giao hàng; khám phá mẫu mã mới và nhu cầu thị hiếu của người dân trên thị trường ở mỗi vùng miền. Nhờ cách làm đó mô hình của anh dần đi vào ổn định, các sản phẩm của anh làm ra mẫu mã đẹp, giá thành hợp túi tiền người lao động nên tiêu thụ rất nhanh.
Hiện nay, anh có gần 1000 m2 diện tích nhà xưởng, kho bãi và văn phòng làm việc, trang thiết bị sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Đội ngũ công nhân lao động thường xuyên gồm 15 người chủ yếu là đoàn viên thanh niên của địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. “Có được sự thành công như ngày hôm nay là kết quả của sự hợp tác của các bạn đoàn viên, thanh niên ở địa phương; sự được sự giúp đỡ của gia đình; sự tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương” anh chia sẻ.
“Ngọc Anh là đoàn viên luôn tích cực trong các hoạt động Đoàn ở địa phương, mặc dù còn rất trẻ nhưng với tinh thần ham học hỏi, công ty anh đã bước đầu gặt hái được những thành công nhất định”, anh Chu Quang Hưng - Bí thư Đoàn xã Bản Ngoại cho biết.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Ngọc Anh còn là một Phó Bí thư Chi đoàn xóm Phố, xã Bản Ngoại năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động phong trào. Vào các ngày lễ, Tết, Chi đoàn thường phối hợp với các đoàn thể khác trong xóm, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ…
Không những thế, anh thường mang khát vọng, kinh nghiệm làm giàu của bản thân để chia sẻ, hướng dẫn các đoàn viên trong Chi đoàn vào các buổi sinh hoạt; giúp họ về vốn, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển kinh tế để tổ chức Đoàn thực sự là người bạn đồng hành của thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp, góp phần chung tay xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp”.
Với những nỗ lực của bản thân, năm 2013 anh là một trong 10 thanh niên nông thôn của Thái Nguyên xuất sắc được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của tại Nghệ An. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành tặng hàng năm cho các thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và có đóng góp tích cực đối với hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương.