Tạo mọi điều kiện để trí thức trẻ cống hiến

16:36 04/09/2014     3279

Công tác giáo dục   Cùng với Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND các xã nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, Đề án 500 đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ bởi họ muốn cống hiến trí tuệ, sức trẻ, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội những vùng đặc biệt khó khăn.
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30-9-2013.

Cùng với Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND các xã nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, Đề án 500 đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ bởi họ muốn cống hiến trí tuệ, sức trẻ, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội những vùng đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2015 tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Các trí thức được bố trí thực hiện công việc theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tiễn để họ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Đề án 500 tập trung tuyển chọn trí thức trẻ về làm công chức xã ở những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi. Số lượng địa bàn lớn hơn Dự án 600 với 34 tỉnh, 163 huyện trong cả nước có nhu cầu. Đây là đề án có tính chất hỗ trợ. Về lâu dài, các tỉnh phải chủ động kế hoạch quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ.

a
Nguyễn Anh Khoa (thứ 2, từ trái sang), Phó chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (đội viên Dự án 600) xuống nắm tình hình khi "bệnh lạ" xuất hiện tại địa phương cuối năm 2013.

Về điều kiện và tiêu chuẩn tuyển chọn ứng viên, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết: Ứng viên được tuyển chọn không phân biệt bằng cấp chính quy hay tại chức, có lý lịch rõ ràng vì mục tiêu lâu dài là đào tạo để trở thành nguồn cán bộ cho địa phương. Quy trình, cách thức tuyển chọn sẽ bảo đảm cơ hội ngang nhau cho tất cả ứng viên nếu có nhu cầu đăng ký; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển chọn. Hồ sơ được gửi về các tỉnh hoặc Bộ Nội vụ để tổng hợp, sau đó thống nhất để chốt số lượng hồ sơ. Trong hội nghị phỏng vấn, bộ sẽ thành lập đoàn xuống giám sát và phỏng vấn, bảo đảm công khai, minh bạch. Kết quả từng tỉnh được gửi về bộ, bộ thành lập hội đồng thẩm định để xem đối tượng đủ điều kiện, sau đó, các ứng viên được tuyển chọn mới được đi bồi dưỡng, đào tạo.

Ông Vũ Đăng Minh cũng nhấn mạnh thêm: Đề án ưu tiên những ứng viên có hộ khẩu thường trú ổn định tại tỉnh đó từ 3 năm trở lên. Nhưng quy trình tuyển chọn sẽ tạo cơ hội ngang nhau cho tất cả các trí thức trẻ. Ứng viên trong mọi miền Tổ quốc đều có thể đăng ký tham gia ở các tỉnh khác. Theo thông báo của Bộ Nội vụ, hồ sơ bắt đầu được nhận từ tháng 4-2014, tuy nhiên, thời gian kết thúc nhận hồ sơ ở mỗi tỉnh khác nhau, có tỉnh phải đến tháng 11-2014 mới kết thúc nhận hồ sơ, do đó, các ứng viên có thể liên hệ trực tiếp đến những tỉnh có nhu cầu tuyển chọn để nộp hồ sơ.

Trước việc không ít người e ngại tình trạng trí thức về các xã, sau một thời gian sẽ rút về huyện. Ông Vũ Đăng Minh khẳng định: Điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn chặt chẽ và có cơ chế giám sát. Do đó, không có chuyện đưa con em về xã sau một thời gian rút về huyện… Hơn nữa, sau khi tuyển chọn xong, các đội viên còn tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng. Sau 3 tháng đào tạo sẽ tiếp tục sàng lọc, nếu không đủ tiêu chuẩn thì tuyển người khác. Trong quá trình làm việc, những trí thức trẻ không hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ buộc phải thanh lý hợp đồng.

Ông Sèn Chỉnh Ly, Phó chủ tịnh UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, khi triển khai Dự án 600 được các bạn trẻ cả nước hết sức quan tâm và đã có 16 bạn trẻ ngoài tỉnh trúng tuyển. Kinh nghiệm từ Dự án 600 cho thấy, một trong những thách thức với các trí thức trẻ đó là tiếng nói; nỗ lực đóng góp trong công việc của họ có thể sẽ bị hạn chế khi hầu hết các cán bộ cấp xã đương nhiệm đều đã nhiều tuổi, tư tưởng trì trệ, lạc hậu. Để giải tỏa vướng mắc này, lãnh đạo và chính quyền các xã đã phân công, cắt cử cán bộ giúp trí thức trẻ tiếp cận môi trường làm việc mới, thích ứng với phong tục, tập quán, nâng cao ngôn ngữ bản địa; đồng thời, thường xuyên có giao ban hằng quý giữa các cơ quan quản lý cấp huyện, tỉnh với xã; tạo điều kiện để trí thức trẻ được cống hiến, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vẫn theo ông Sèn Chỉnh Ly, đối với Đề án 500, tỉnh Hà Giang cũng nhận được sự quan tâm của trí thức trẻ trong cả nước; có người gọi điện, gửi thư về trao đổi, đăng ký tham gia dự tuyển...    

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng quy trình cơ sở pháp lý để triển khai Đề án này. Sau khi kết thúc Đề án, các đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được xem xét bố trí vào các chức danh lãnh đạo quản lý, trở thành công chức theo nhu cầu bố trí của địa phương.