“Tài năng trẻ hiến kế phát triển nền KHCN Việt Nam”

08:52 06/11/2012     1793

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chương trình Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam 2012 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 7-10/11/2012 tại Thủ đô Hà Nội. Trước thềm Hội nghị, PGS. TS Phạm Văn Hội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có vài trao đổi với website Trung ương Đoàn.
1
PGS.TS.NCVCC. Phạm Văn Hội Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài luôn là vấn đề lớn của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia. Hàng ngàn năm nay, các bậc tiên hiền của Việt nam luôn coi trọng sự nghiệp đào tạo và sử dụng nhân tài, bởi vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, nguyên khí yếu thì nước suy” như TS. Nhân Thân Trung đã viết và được ghi trên bia đá ở Văn miếu – Quốc tử giám Hà nội từ thế kỷ thứ XV. Trong thời đại khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. 

Trước khi bàn về tài năng trong KHCN, cần phân định rõ các phạm trù về Khoa học và Công nghệ. Trong lịch sử xa xưa, công nghệ phát triển không nhất thiết phải dựa vào khoa học, nhưng thời đại hiện nay công nghệ luôn luôn phải sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để phát triển bền vững, vì vậy công nghệ phải hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học. Các bài học về sự phát triển của Nhật bản, Hàn quốc, Singapore… ở khu vực châu Á cho thấy rõ mối tương quan giữa khoa học và công nghệ. Để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trong KHCN, cần có các tiêu chí để nhận dạng tài năng và cũng nên có sự phân biệt nhất định giữa tài năng trong khoa học và tài năng trong công nghệ. Hiện nay, vì chưa phân định rõ tài năng trong khoa học hoặc công nghệ, nên chúng ta hay đánh đồng vào trong một khái niệm KHCN, vì vậy hiệu quả sử dụng tài năng còn thấp. Các tiêu chí chung để nhận biết tài năng cả trong khoa học và công nghệ là: có niềm đam mê cá nhân trong công việc tìm tòi, khám phá; có kiến thức sâu về lĩnh vực nghiên cứu; có nền tảng văn hóa rộng; có trí tưởng tượng cao và có ý chí tiến thủ trong công việc.Tuy nhiên, các tiêu chí riêng cho tài năng khoa học và tài năng công nghệ có sự khác biệt, đặc biệt trong công nghệ có sự mạo hiểm lớn và tính dấn thân.

Để đào tạo tài năng KHCN, rõ ràng phải trang bị kiến thức đủ và rộng cho các bạn trẻ, trong đó người thầy đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công việc đào tạo tài năng trong khoa học. Với thời đại hiện nay, các nhà công nghệ lớn của thế giới có thể không cần tốt nghiệp đại học, nhưng các nhà khoa học lớn không thể không tốt nghiệp đại học và sau đại học. Ở Việt Nam, các nhà khoa học lớn đều đã từng là học trò của các ông thầy lớn nổi tiếng (GS.Tôn Thất Tùng là học trò của GS.Mayet Mayer tại Đại học Y Hà nội trong những năm 30, GS.Nguyễn Văn Hiệu là học trò của GS.VS.Bogoliubov rất nổi tiếng của Nga trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, GS. Ngô Bảo Châu làm việc trong nhóm các nhà toán học đứng đầu thế giới tại Pháp…). Để tạo điều kiện và môi trường tốt cho tài năng trẻ trong khoa học, đương nhiên cần phải chú ý đến nâng cao trình độ của các thầy giáo giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cho các bạn trẻ. Đào tạo tài năng trong công nghệ phức tạp hơn rất nhiều, do hoàn cảnh nền công nghệ của chúng ta chưa phát triển.Tuy nhiên, muốn phát triển công nghệ phải có kỹ năng thực hành tốt.  

Để đào tạo tài năng trong KHCN cần phải luôn luôn khuyến khích và động viên lòng ham mê tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo của các bạn trẻ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rất nhiều ý tưởng mới trong KHCN xuất phát từ giới trẻ ngay trong thời kỳ còn là sinh viên, và có nhiều ý tưởng bản thân người thầy cũng không hiểu, vì vậy không có đánh giá đúng tính tích cực của các ý tưởng này, sẽ làm ảnh hưởng đến lòng đam mê sáng tạo của giới trẻ. Sáng tạo luôn luôn dựa trên trí tưởng tượng, vì vậy những người đi trước trân trọng trí tưởng tưởng của giới trẻ sẽ dẫn đến sáng tạo cho cá nhân và tập thể của thế hệ sau. Ý tưởng sáng tạo luôn mang đặc trưng cá nhân, nhưng thực hiện các ý tưởng sáng tạo này trong thực tiễn lại cần nhiều người tham gia, vì vậy tính tập thể và ý thức làm việc theo nhóm là rất quan trọng trong công việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Môi trường làm việc của các tài năng trẻ trong KHCN phải là môi trường tập thể, trong đó mỗi cá nhân là một phần của tập thể và có chức năng không thể thiếu trong tập thể. Ý thức làm việc tập thể, trong đó mỗi cá nhân có vai trò nhất định của mình trong nghiên cứu KHCN hiện nay ở ta còn rất yếu, nhiều khi tập hợp tập thể nghiên cứu chỉ là hình thức hành chính đơn thuần, chưa phát huy được hiệu quả biểu hiện bằng năng suất lao động cao của nghiên cứu tập thể. Hiện nay nghiên cứu KHCN luôn mang tính quốc tế, vì vậy việc trao đổi ý tưởng, cập nhật thông tin quốc tế thường xuyên là rất quan trọng. Rất nhiều công trình khoa học có giá trị cao được thực hiện thông qua hợp tác quốc tế, vì vậy ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) là rất cần thiết cho mỗi cán bộ nghiên cứu KHCN. Phải nói rằng do tính cách truyền thống của người Việt nam hay e thẹn, sợ nói sai, nên trình độ ngoại ngữ nói chung của cán bộ nghiên cứu KHCN của ta còn thấp. Tạo môi trường thi đua học ngoại ngữ và có khuyến khích khen thưởng cho tài năng trẻ cũng là một công việc cần thực hiện thường xuyên.

Sử dụng tài năng là một yếu tố rất quan trọng trong công cuộc xây dựng nền KHCN hiện đại cho mỗi quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta, việc sử dụng tài năng KHCN càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do công nghệ chưa được phát triển mạnh, các nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu KHCN chủ yếu từ ngân sách, vì vậy việc trọng đãi tài năng KHCN cũng bị hạn chế nhiều. Một số chính sách về KHCN của chúng ta đã có hướng đi tích cực trong việc trọng đãi tài năng KHCN như đã thành lập các Quỹ NCCB quốc gia, các Chương trình KHCN trọng điểm quốc gia…để cấp kinh phí cho các tập thể và cá nhân nghiên cứu KHCN nằm trong hướng ưu tiên phát triển đã có một số kết quả đáng khích lệ (cụ thể các bài đăng tạp chí quốc tế có uy tín tăng lên rất nhiều, các nghiên cứu công nghệ được định hướng cụ thể theo chương trình…), nhưng hiệu quả tác động đến kinh tế-xã hội của đất nước chưa cao. Ngày 11 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-Ttg phê duyệt chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ  Việt nam giai đoạn 2011-2020 , trong đó khẳng định quan điểm phát triển sau: “Tập trung thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức,  cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, các ngành”, trong  đó tái cấu trúc và quy hoạch lại hệ thống tổ chức KHCN quốc gia theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế. Quyết định của Thủ tướng chính phủ là nền tảng pháp lý để phát triển hiệu quả nghiên cứu KHCN ứng dụng vào thực tiễn, trong đó có giải pháp “Áp dụng chính sách đầu tư cho tổ chức Khoa học và Công nghệ dựa vào hiệu quả hoạt động và đầu ra” là định hướng quan trọng về trọng đãi tài năng. KHCN. GS.Nguyễn Văn Hiệu thuộc Viện KHCNVN đã đề xuất phương án nâng cao hiệu quả nghiên cứu KHCN bằng cách xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Khoa học tự nhiên có mục tiêu định hướng ứng dụng trong công nghệ của Việt nam. Trung tâm nghiên cứu xuất sắc này tập hợp các nghiên cứu viên có trình độ cao, có thành tích nghiên cứu KHCN tốt trong thời gian hiện tại, có tham gia đào tạo trình độ đại học và trên đại học và đặc biệt có kinh phí riêng cho các nghiên cứu viên tài năng trẻ tham gia tập thể. Trung tâm NCXS không phải là đơn vị hành chính, bao gồm một số tập thể nghiên cứu xuất sắc tự nguyện tham gia có thời hạn (có thẩm định của cấp có thẩm quyền và 3 năm thẩm định lại), có thu nhập từ lương để thực hiện đề tài nghiên cứu được phê duyệt và bãi bỏ thuê khoán chuyên môn của các đề tài.Chúng tôi cho rằng ý tưởng này của GS.Nguyễn Văn Hiệu có tính thực tiễn cao để nâng cao kết quả nghiên cứu khoa học định hướng ứng dụng và giải quyết khâu trọng đãi tài năng trẻ trong nghiên cứu khoa học, phù hợp với giải pháp của Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN.

Như vậy, để tạo môi trường thuận lợi cho các tài năng trẻ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, cần phải thực hiện đồng bộ từ khâu đào tạo, trang bị kiến thức hiện đại và sâu theo quy chuẩn quốc tế; khuyến khích và động viên sự say mê nghiên cứu, sáng tạo và mạnh dạn dấn thân trong sự nghiệp KHCN; tổ chức hoạt động KHCN có định hướng và có hiệu quả; ưu đãi các cá nhân và tập thể có kết quả nghiên cứu xuất sắc bằng nhiều hình thức từ thu nhập đến các danh hiệu, học hàm… Tôi tin tưởng dân tộc ta luôn có nhiều tài năng trẻ, nhiệm vụ của các tập thể KHCN là tạo môi trường để các tài năng trẻ phát huy hết khả năng của mình trong hoạt động KHCN nhằm đưa nền KHCN Việt nam ngang tầm thế giới và đất nước Việt nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng vì có nền KHCN tiên tiến.

Trung tâm thảo luận “Tài năng trẻ hiến kế phát triển nền KHCN Việt Nam” được tổ chức vào 8h00 – 11h30 ngày 9/11/2012 tại Hội trường số 5, Khách sạn La Thành, 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.


Ban Tổ chức

Gặp gỡ Tài năng trẻ KHCN Việt Nam năm 2012