Sự cần thiết phải có điều luật quy định về thanh niên
08:10 05/03/2013 3571
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sáng ngày 4/3, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Thường trực Thành đoàn các thời kỳ và cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hội nghị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên Thủ đô trong việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Trên các cơ sở yêu cầu và quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức triển khai kế hoạch tới từng cấp bộ đoàn và đã có hơn 300 chi đoàn, 215 đoàn cơ sở và 70 cơ sở đoàn trực thuộc Thành Đoàn tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.
Trên các cơ sở yêu cầu và quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức triển khai kế hoạch tới từng cấp bộ đoàn và đã có hơn 300 chi đoàn, 215 đoàn cơ sở và 70 cơ sở đoàn trực thuộc Thành Đoàn tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 |
Ngoài tham gia ý kiến về toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề: Vai trò của đoàn thanh niên trong động viên đoàn viên, thanh niên thực hiện quyền làm chủ của mình; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên thanh niên; các vấn đề về trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ, vai trò lãnh đạo của Đảng; quyền và nghĩa vụ về lao động việc làm; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường và chủ quyền quốc gia, biển đảo, bảo vệ Tổ quốc.
Tất cả đều thể hiện sự đồng tình cao với kết cấu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các chương, điều mà Ban soạn thảo đưa ra. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về một số vấn đề cụ thể trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đề cập tới vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên thanh niên; trọng dụng tài năng trẻ là những nội dung giành được nhiều sự quan tâm của các ý kiến tham dự Hội nghị.
Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Hữu Loan cho rằng, Dự thảo bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp 1992 là không hợp lý, cần bổ sung một điều riêng về thanh niên là cơ sở để xã hội tạo điều kiện cho thanh niên thực thi nghĩa vụ học tập, có việc làm...
Bên cạnh nguyện vọng mong muốn văn phong sử dụng trong Hiến pháp phải cô đọng, rõ ràng để ngay cả lớp thế hệ người Việt Nam lớn lên ở nước ngoài cũng như người nước ngoài khi tiếp cận với Hiến pháp của Việt Nam dễ dàng hiểu, áp dụng, đại biểu Xuân Lan - nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Loan giữ lại Điều 66: “Điều luật này không chỉ có ý nghĩa với thanh niên mà còn cho cả đất nước”.
Bí thư Quận Đoàn Hoàng Mai Nguyễn Ngọc Việt nêu quan điểm: Vì Đảng ta đã xác định xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước nên không có lý do gì để bỏ Điều 66 trong Dự thảo Hiến pháp.
Đại biểu Trịnh Công Thanh - Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội mong muốn giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp hiện hành nhằm khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên là chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước, là chỗ dựa để những thanh niên khuyết tật có thể phấn đấu hòa nhập cùng xã hội.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 có dành riêng Điều 66, chương V quy định rõ: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lại lược bỏ điều này. Bởi vậy, theo các đại biểu, cần dành cho tuổi trẻ một quy định riêng trong Hiến pháp sửa đổi, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có một hành lang pháp lý để học tập, cống hiến và phát triển năng lực của mình.
Ngoài góp ý nêu trên, trong chương II Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một số ý kiến kiến nghị bổ sung cụm từ “cơ bản” vào khoản 2, Điều 20 cho phù hợp với tên của chương II thành “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; bổ sung cụm từ “đủ tuổi” vào khoản 1, Điều 39 thành “nam, nữ đủ tuổi có quyền kết hôn”...
Tiến sỹ Đỗ Thị Vân Anh, Bí thư đoàn trường Đại học Công đoàn nêu rõ, Điều 21 là một quy định mới thể hiện thái độ trân trọng quyền sống – một quyền quan trọng nhất của con người. Tuy nhiên, cần bổ sung rõ hơn: “Mọi người đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Mặt khác, không được lạm dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác...
Về chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, đồng chí Nguyễn Văn Ninh - Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng ,vì Công an nhân dân Việt Nam cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập cho tới nay luôn luôn mang bản chất cách mạng nên có cụm từ “cách mạng” tại Điều 72 “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng” là không cần thiết.
Hội nghị thực sự là một diễn đàn dân chủ, tâm huyết của cán bộ Đoàn thủ đô các thời kỳ với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.