Phong trào "Ba sẵn sàng" thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước một thành công nổi bật của Đảng về công tác thanh vận

10:35 03/12/2021     40016

Công tác giáo dục   Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là hiện thân của những phong trào cách mạng mang tính toàn dân tộc do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Trong đó, “Ba sẵn sàng” là cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp, khởi đầu từ tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội, sau đó trở thành phong trào thi đua chung của thanh niên cả nước

Phong trào “Ba sẵn sàng” có ý nghĩa hết sức to lớn và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác thanh vận của Đảng nhằm phát huy hơn nữa ý chí, tinh thần cống hiến, sức sáng tạo hiện nay.

 

Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

1. Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ ngày càng có những hành động khiêu khích, đe dọa tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN, hậu phương của cách mạng miền Nam. Trước âm mưu và hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ, cùng với các tầng lớp nhân dân, thanh niên miền Bắc là lực lượng hăng hái, sục sôi đi đầu hưởng ứng cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc. Trong bối cảnh đó, phong trào “Ba sẵn sàng” đã xuất hiện, trước tiên là từ một số trường đại học trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Đầu năm 1964, với tinh thần “Hướng về miền Nam ruột thịt”, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động “Tam bất kỳ”, với nội dung: Đi bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần; Làm bất kỳ việc gì Tổ quốc giao phó; Vượt qua bất kỳ khó khăn, gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. Sáng kiến đó đã được đông đảo sinh viên toàn trường hưởng ứng, gây tiếng vang trong thế hệ trẻ Thủ đô. Tháng 5-1964, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, thực chất là sự phát triển, bước tiến mới của cuộc vận động “Tam bất kỳ" trước đó với nội dung ngắn gọn, sát thực tiễn: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, đêm 9-8-1964, gần 30 vạn thanh niên Thủ đô đã xuống đường biểu dương lực lượng lên án hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Từ Thủ đô Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã nhanh chóng lan tỏa đến các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc Duyên Hải, Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh.

Trước tình hình đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh Cục bộ ở miền Nam và phá hoại miền Bắc, HNTƯ 11 khóa III (tháng 3-1965), đề ra nhiệm vụ “ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam” và khẩu hiệu hành động “Xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã kêu gọi thanh niên hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, bổ sung nội dung: “vừa chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống”.

Ngày 29-7-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 105-CT/CW “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới”, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các ngành dựa vào lực lượng thanh niên, tổ chức, động viên cho được 4 triệu thanh niên nam, nữ trên miền Bắc đi tiên phong trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tích cực bảo vệ miền Bắc XHCN và góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Đoàn Thanh niên tổ chức cho thanh niên hưởng ứng tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (7-5-1965) về việc tăng cường công tác giao thông vận tải. Trong vòng 3 tháng, (đến tháng 7-1965), hơn 5 vạn đội viên thanh niên xung phong đã được tập hợp trong 32 đội do Đoàn 559 - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Đường sắt quản lý, làm nhiệm vụ mở đường và vận chuyển trên tuyến hành lang ở Quảng Bình, trên chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Một lực lượng lớn thanh niên xung phong hoạt động trên tuyến đường sắt từ Ninh Bình đến Nghệ An, trên các tuyến đường: 1A, 15, 21, 22, 22B, 20 (đường Quyết Thắng); chốt giữ ở hầu hết các trọng điểm: Đò Lèn, Hàm Rồng, Cầu Cầm, Hoàng Mai trên đường số 1, Bãi Đinh, Mụ Giạ đường 12A đèo Ba Trại, ngầm Hạ Tranh đường số 2, Quảng Bình, ngã ba Đồng Lộc, Khe Tang, Khe Rinh, đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, phà Long Đại đường 15, cua chữ A, Đồng Tiền đường Quyết Thắng...

 

Từ mảnh đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ - Nguồn: sưu tầm


Hội nghị Trung ương 12 (tháng 12-1965) của Đảng đề ra nhiệm vụ: cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam kêu gọi: phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm phi thường, có chí khí anh hùng và quyết tâm dời non lấp biển, đạp bằng bất cứ trở lực nào, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, đánh bại bất cứ kẻ thù nào. Theo tinh thần đó, từ năm 1966, phong trào “Ba sẵn sàng” tiếp tục mở rộng những nội dung mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược mới của Đảng, đó là: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”1.

Một đặc trưng của phong trào “Ba sẵn sàng” là tinh thần sẵn sàng gia nhập quân đội, đi thanh niên xung phong, sẵn sàng tham gia chiến đấu, chiến đấu dũng cảm. Những lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ viết bằng máu và nhiều cuốn nhật ký của những thanh niên, chiến sĩ trẻ đã nói lên ý chí quyết tâm “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc XHCN. Thanh niên xã Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Tây) đã trở thành điển hình về phong trào tòng quân. Học tập Hòa Xá, nhiều thanh niên Hà Tây lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng" chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là anh hùng lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm, gia nhập quân đội và vào chiến trường ác liệt nhất ở Trị -Thiên - Huế. Tại đây anh đã chiến đấu dũng cảm, “diệt 272 tên địch, trong đó có 185 tên Mỹ, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay lên thẳng, được tặng thưởng 20 huân chương các loại và 53 lần được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ”2.

Trong thanh niên học sinh, sinh viên trí thức, hàng nghìn giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, xếp bút nghiên lên đường ra trận. “Họ đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng của thanh niên miền Bắc, của tuổi trẻ các trường đại học, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam, như thầy giáo Lê Anh Xuân, các sinh viên Nguyễn Văn Thạc, Chu Cầm Phong, Nguyễn Trọng Định...”3.

 

Thanh niên Thủ đô tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” - Nguồn: sưu tầm

 

Trên những nẻo đường ra trận, trong các hầm lò, xưởng máy, trong trường học, những nơi điều dưỡng thương binh, những bệnh viện dã chiến, trên những cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, lời ca, tiếng hát, điệu hò đã trở thành nhu cầu không thể thiếu sau những giờ phút chiến đấu, lao động căng thẳng. Từ nhu cầu đó đã ra đời phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Nhiều văn nghệ sĩ đã hy sinh trên chiến trường mà gia tài của họ là chiếc ba lô, sổ tay ghi chép với phương tiện tác nghiệp thô sơ, nhưng những tác phẩm của họ đã vang xa, để đời, thành những “giai điệu tự hào” cho thế hệ hôm nay.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước đã có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang; trên 133 nghìn đoàn viên, thanh niên, trong đó hơn 69 nghìn nữ tham gia thanh niên xung phong. Từ trong chiến tranh ác liệt, đã xuất hiện những con người “Có những phút làm nên lịch sử”, bình dị mà xuất thần như: Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Trí Ân, La Thị Tám, những cô gái thanh niên xung phong Truông Bồn (Nghệ An), 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Họ đã trở thành tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động, hóa thân vào thiên anh hùng ca bất diệt của đường lối chiến tranh nhân dân.

Những chiến công từ phong trào “Ba sẵn sàng của thanh niên các giới, ngành... được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, biểu dương kịp thời. Ngày 26-9-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho 21 đoàn viên và thanh niên có thành tích xuất sắc; ngày 9-10-1965, Người tặng thưởng Huy hiệu cho 9 thanh niên có thành tích xuất sắc trong phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên thủ đô Hà Nội4. Ngày 14-11-1965, Người dự Đại hội “Ba sẵn sàng của Đoàn Thanh niên Lao động các cơ quan Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Nói chuyện với Đại hội, Người nhắc nhở “các cháu gái phải cố gắng phấn đấu vươn lên hơn nữa”; thanh niên phải đẩy mạnh phong trào thi đua giữa địa phương này với địa phương khác, ngành này với ngành khác, cơ quan này với cơ quan khác để học tập lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Phong trào “Ba sẵn sàng” đã có thành tích khá, nhưng phải khiêm tốn, chớ phô trương, hình thức”5. Nhân dịp này, Người thưởng Huy hiệu cho “27 cán bộ, đoàn viên, đội viên, thiếu niên có nhiều thành tích trong công tác, lao động và học tập”6. Tại Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước (tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 6-1-1966, với 650 đại biểu đại diện cho giới trí thức cách mạng trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu tham dự), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với các đại biểu. Người biểu dương những thành tích của quân dân miền Bắc, khen ngợi những đóng góp của thanh niên thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước trong tất cả các giới, ngành, lĩnh vực, mà lực lượng thanh niên là nòng cốt7.

Tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn, năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đến dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại lễ kỷ niệm: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”8. Đồng chí Lê Duẩn đã trao lá cờ mang dòng chữ: “Vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản, thanh niên anh dũng tiến lên” cho đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ghi nhận và đánh giá cao vai trò xung kích cách mạng của tuổi trẻ trong tiến trình cách mạng, đặc biệt vào lúc cả nước ở trong tình trạng trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ, cứu nước.

 

“Ba sẵn sàng” trở thành phong trào hành động của tuổi trẻ Thủ đô và lan rộng ra toàn miền Bắc, với những nội dung cụ thể: sẵn sàng tham gia mọi hoạt động giữ vững sản xuất, học tập, công tác để xây dựng CNXH; sẵn sàng phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc; sẵn sàng lên đường tòng quân, chi viện cho miền Nam... “Ba sẵn sàng” - biểu tượng phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Thực hiện lời dạy của Người và sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, đồng chí Vũ Quang đã thay mặt tuổi trẻ cả nước biểu thị quyết tâm cao, phát huy khí thế “Ba sẵn sàng” hăng hái tiến lên hàng đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH. Tại buổi lễ trang trọng này lời thề “Ba sẵn sàng" chống Mỹ, cứu nước đã vang dội: “Vì nghĩa vụ thiêng liêng chống Mỹ cứu nước. Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, chúng ta thề: 1. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dù phải đánh 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, dù phải hy sinh gian khổ đến mức nào, chúng ta cũng quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. 2. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 3. Kiên quyết thực hiện “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang. Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến"9.

 

Phong trào “Ba sẵn sàng” là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam - Nguồn: sưu tầm

 

Với tinh thần, khí thế quyết tâm cao, trong những năm 1965-1968, đoàn viên thanh niên trong lực lượng vũ trang hưởng ứng phong trào giành danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và “Chiến sĩ quyết thắng” của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, phong trào nhận cờ mang chân dung Nguyễn Văn Trỗi của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Nhiều tập thể, cá nhân đã lập công xuất sắc, như: Đoàn 61 - Binh chủng tên lửa phòng không, Đoàn không quân Sao đỏ, Phân đội 7 hải quân, Đại đội 4 cao xạ 57 ly Hàm Rồng, Đại đội nữ dân quân Nam Ngạn..., các anh hùng không quân trẻ tuổi Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đức Soát, Mai Văn Cương; nữ dân quân anh hùng Trần Thị Lý, Lê Thị Mịch. Bùi Ngọc Dương - sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội), gia nhập quân đội theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng”, đã bốn lần bị thương nhưng không rời trận địa và đã hy sinh anh dũng... Hoàng Kim Giao đã cùng đồng đội đã phá bom tại Ngã ba Đồng Lộc, Ổ Đước, Truong Bồn, Khe Tang, bến phà Linh Cảm…

Trên mặt trận sản xuất, xây dựng CNXH, thi đua với tiền tuyến, những con người bám trụ ở hậu phương “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Tay lưới, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”. Trong điều kiện khó khăn của thời chiến, họ được tôi luyện trở thành sức mạnh, ý chí của thanh niên công nhân bám máy sản xuất trong mọi tình huống. Điển hình như: “Nhà máy ôtô Hoà Bình đã có 20 sáng kiến của đoàn viên, thanh niên làm tăng năng suất lao động từ 50 - 300%, giảm được 63 chỉ tiêu thời gian lao động”10; công nhân Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy điện Hàm Rồng, Nhà máy điện Vinh, Nhà máy điện Yên Phụ - Hà Nội, ngay từ những ngày đầu khi địch đánh phá miền Bắc đã thành lập các đội “Cảm tử bảo vệ dòng điện" thay nhau vừa trực chiến vừa vận hành máy, đảm bảo dòng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phục vụ chiến đấu.

Ở các vùng nông thôn miền Bắc, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng” trên đồng ruộng giành thắng lợi mục tiêu đạt 5 tấn thóc/1ha rầm rộ với những chiến dịch, phong trào đột kích như: làm thủy lợi, bèo hoa dâu, cấy theo lối mới; đường cày đảm đang, cải tiến kỹ thuật.. Phong trào “Ba sẵn sàng của tuổi trẻ với nhiều sáng kiến thiết thực, áp dụng cho sản xuất, xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ" còn là một phương thức hoạt động táo bạo của thanh niên nông thôn trên đồng ruộng. Những nỗ lực cao độ và đóng góp của thanh niên trong phong trào “Ba sẵn sàng” là một yếu tố quan trọng để Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên đạt mục tiêu 5 tấn thóc/1 hécta.

Thanh niên vùng ven biển miền Bắc “Tay lưới, tay súng”, bám biển ngày đêm vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Tiêu biểu là thanh niên Mũi Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh, thanh niên xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; thanh niên vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Linh vừa làm nhiêm vụ sản xuất, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế cho các chiến sĩ chiến đấu giữ đảo thân yêu của Tổ quốc như: Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Hòn Mê, Cồn Cỏ. Có nhiều ngày các “tay lưới” thanh niên đã dũng cảm đương đầu không cân sức với các loại máy bay, tàu chiến của không quân và hải quân Mỹ để bảo vệ tàu, thuyền, thành quả lao động, công cụ sản xuất, đưa hàng tới đảo, bảo vệ an toàn tính mạng của ngư dân.

2.  Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Ba sẵn sàng” thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ở miền Bắc do Trung ương Đoàn trực tiếp tổ chức, chỉ đạo đã trở thành phong trào hành động cách mạng tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến và xây dựng CNXH. Phong trào có sức lay động, lan tỏa cuốn hút đông đảo đoàn viên và thanh niên khắp mọi miền đất nước, ở mọi cương vị công tác, sản xuất chiến đấu học tập, nghiên cứu khoa học, cả những sinh viên đang học tập ở ngoài nước. Khí thế “Ba sẵn sàng” được bộc lộ rõ trên các mặt hoạt động, ở đâu có đoàn viên, thanh niên thì ở đó có tinh thần “Ba sẵn sàng”.

 

Hơn 26.000 đoàn viên thanh niên Thủ đô và hàng triệu thanh niên miền Bắc nhập ngũ - Nguồn: sưu tầm

 

Thực tiễn lịch sử phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên thời kỳ này cho thấy, công tác thanh vận của Đảng không chỉ thể hiện ở công tác tuyên truyền, động viên thanh niên nhập ngũ, tham gia đội ngũ Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, mà còn biểu thị ở sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện công tác hậu phương quân đội, mà nòng cốt là các hoạt động của thanh niên hậu phương. Với phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều cơ sở đoàn đã tổ chức xây dựng những công trình “Đền ơn đáp nghĩa”, những ao cá, những luống rau, giếng nước, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi tặng thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, thanh niên xung phong, nghĩa cử ấy đã làm yên lòng những người cầm súng ngoài mặt trận.

Trong công tác thanh vận của Đảng, chính sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tổ chức Đoàn thanh niên, với phong trào hoạt động cách mạng của thanh niên là nhân tố tiên quyết, khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Ba sẵn sàng" ra đời, nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, duy trì mãi về sau, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến và xây dựng CNXH của toàn dân tộc Việt Nam.

Từ phong trào “Ba sẵn sàng" và thành công của công tác thanh vận thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, có thể đúc rút một số kinh nghiệm có giá trị: Một là, Đảng đặc biệt coi trọng công tác thanh vận, phải lãnh đạo huy động cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên tham gia làm công tác vận động thanh niên, luôn gương mẫu để họ noi theo. Hai là, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị hết sức tin tưởng vào thanh niên, vào tuổi trẻ, chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn của đất nước, giáo dục thanh niên tinh thần, ý chí, phương châm hành động của phong trào “Ba sẵn sàng”, vun đắp niềm tin, hoài bão và khơi dậy trách nhiệm, tự giác hành động của tuổi trẻ. Ba là, các cấp ủy, lãnh đạo các ngành, cơ quan, đơn vị... thường xuyên quan tâm định hướng tổ chức Đoàn Thanh niên, nắm bắt đúng và kịp thời ý nguyện của tuổi trẻ, ra sức quan tâm tạo điều kiện cho tuổi trẻ cống hiến hết mình vì đất nước; nghiêm minh, chân tình, động viên, khen thưởng, uốn nắn, đánh giá kịp thời, dìu dắt thanh niên trưởng thành, tránh áp đặt, gò bó quan liêu mệnh lệnh đối với tuổi trẻ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, xác định rõ: Phong trào hành động cách mạng của thanh niên là của thanh niên, do thanh niên, vì thanh niên, trong đó Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt, định hướng Chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cần chú ý khơi dậy sức sáng tạo, ham hoạt động của tuổi trẻ, tạo ra những hình thức tổ chức, cách thức tập hợp thanh niên phù hợp với lứa tuổi, lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, công tác để tuổi trẻ hứng thú, say mê hoạt động.

Những kinh nghiệm quý báu của Đảng trong công tác thanh vận hơn 50 năm trước có giá trị thiết thực đối với cuộc vận động thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước hôm nay.

 

PGS, TS NGUYỄN QUANG LIỆU
Đại học Quốc gia Hà Nội

---------------------------------------------------

1. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào thanh niên Việt Nam (1925-1999), Nxb Thanh niên, H, 2001, tr 349-350 HĐ
2. 9. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào thanh niên Việt Nam (1925-2004), Nxb Thanh niên, H, 2005, tr. 270-276,270
3. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: 70 năm truyền thống và phát triển (1945 - 2015), Nxb Đại học Quốc gia, H, 2015, tr. 195-196
4, 6. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NxbCTQG, H, 2008, T.9, tr. 302,313
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, NxbCTQG,H,2011,T.14, tr.751
7.Xem Sđđ, T15, tr.9,693
8. Bài nói tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn, in trong Hồ Chí Minh về giáo dục Thanh niên, Nxb Thanh niên, H, 1980, tr. 381.
10. Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội: Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội 1930-1975, Nxb Thanh Niên, H,1986, tr114-115.

 

 

Theo Tạp chí Lịch sử Đảng