Phong trào "Ba sẵn sàng” lịch sử và ý nghĩa thời đại

15:25 24/04/2014     8757

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Hướng tới kỷ niệm 50 năm phong trào “Ba sẵn sàng”, sáng ngày 22/4 tại Hà Nội, trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phong trào Ba sẵn sàng” lịch sử và ý nghĩa thời đại.
Tham dự Hội thảo Nhà sử học Dương Trung Quốc; Nhà giáo Trịnh Ngọc Trình nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP thời kỳ “Ba sẵn sàng”; đồng chí Vũ Hữu Loan – nguyên Bí thư Thành Đoàn Hà Nội; Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn; Thiếu tướng Lê Mã Lương – anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trường trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức Hội thảo; cùng đông đảo các bạn đoàn viên, sinh viên nhà trường.

a
Toàn cảnh Hội thảo

Xuất phát từ một phong trào hết sức cụ thể

Đầu những năm 1960 đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến tranh đặc biệt chúng ồ ạt đưa quân vào Miền nam và chúng quyết chặn đứng viện trợ của Miền bắc cho Miền nam. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc đã khiến gần 100 chi đoàn sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và Nhà trường giao phó. Từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kì” với 3 nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

         Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến.

         Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu.

         Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.

g
Các đại biểu tham dự  Hội thảo

Phong trào “Tam bất kì” sau đó đổi gọi là “Ba bất kì” và được triển khai sâu rộng ở các cơ sở Đoàn các khoa, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà trường ủng hộ, hoan nghênh. Cuối tháng 4/1964, trong một cuộc họp của BCH
    "Trường ĐHSP Hà Nội tự hào là nơi khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”- một phong trào do Đoàn Thanh niên nhà trường phát động đã phát triển trở thành phong trào cách mạng rộng lớn và có sức lay động lớn nhất đối với tuổi trẻ Thủ đô và cả nước thời kỳ chống Mĩ cứu nước.

      Từ tinh thần phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng nghìn giảng viên, sinh viên của Trường đã “xếp bút nghiên” lên đường ra trận, anh dũng chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc".

     PGS.TS.Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Phát biểu khai mạc hội thảo.
Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, theo đề nghị của một nữ sinh viên Khoa Toán, phong trào “Ba bất kì” được đổi thành “Ba sẵn sàng”.

Đêm 9/8/1964 tại Hội trường Bộ công nghiệp nặng Phố Hai Bà Trưng tập trung khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn đã đọc lời kêu gọi “Ba sẵn sàng” tới thanh niên Thủ đô. Tháng 3 năm 1965 Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào.

“Ba sẵn sàng” có sức lan tỏa rộng khắp

Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung vào 3 chủ đề: Lịch sử và ý nghĩa thời đại của phong trào “Ba sẵn sàng” đối với cách mạng Việt Nam; Từ phong trào “Ba sẵn sàng” đến các phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam tiếp bước “Ba sẵn sàng” và Những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ phong trào “ba sẵn sàng” và những giá trị của thanh niên thời kỳ mới.

Nguyên Bí thư Thành Đoàn Hà Nội thời kỳ “Ba sẵn sàng” Vũ Hữu Loan cho rằng, phong trào “Ba sẵn sàng” đã tạo sự sáng tác tầm cao, tầm khái quát và thiết thực có tính lãng mạn cách mạng phù hợp tâm lý của tuổi trẻ. Chiều sâu của phong trào “Ba sẵn sàng” xuất phát từ tình yêu lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ. “Ba sẵn sàng” đã trở thành một phong trào rộng lớn kéo dài trên 10 năm đó là thành công về mặt nghệ thuật phát động thanh niên và nuôi dưỡng phong trào “Ba sẵn sàng”.

“Đại học Sư phạm Hà Nội là cái nôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” chính là ngọn cờ cách mạng của phong trào chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ và đến tận hôm nay chính phong trào thanh niên tình nguyện đã kế thừa và phát huy được ở phong trào “Ba sẵn sàng” năm xưa” – ông Vũ Hữu Loan khẳng định.

f
Đ/c Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn phát biểu tham luận
f
Thiếu tướng Lê Mã Lương – anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phát biểu tham luận

Theo Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, về thực chất “Ba sẵn sàng” đã bao trùm lên phong trào “Năm xung phong”, chính phong trào “Năm xung phong” là sự kế thừa của “Ba sẵn sàng”. Bởi chính những thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ khi xung phong vào Nam chiến đấu đã ngấm rất sâu của “Ba sẵn sàng”, khi đi đến đâu phong trào “Ba sẵn sàng” lại càng có sức lan tỏa rộng khắp đến đó.

“Những người thiết kế phong trào này đã tạo nên sức sống, đẩy nó lên trở thành phong trào được tuổi trẻ cả nước hưởng ứng. Chính những con người đã bám sát thực tiễn mới tạo ra những phong trào sát thực và có sức sống với thời gian. Họ cần được vinh danh, được thưởng một phần thưởng xứng đáng” -  Anh hùng LLVT Lê Mã Lương nói.

Kế thừa phong trào “Ba sẵn sàng” và là những thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ, theo PGS.TS Kiều Thế Hưng – nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến: “Ba sẵn sàng”, đó không chỉ là một khẩu hiệu, một lời kêu gọi, đó là một phong trào vận động thanh niên có giá trị lịch sử hào hùng.“Ba sẵn sàng”, đó là một giá trị vô giá xét trên nhiều phương diện, trong đó, tạo ra sự cộng hưởng giữa cái khát khao cống hiến chân chính của tuổi trẻ, với  việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của tổ quốc, đã trở thành động lực quan trọng nhất, nhân tố quan trọng nhất của phong trào.

PGS.TS Kiều Thế Hưng nhấn mạnh: “Giá trị to lớn ấy của “Ba sẵn sàng” là điều không thể phủ nhận và chăc chắn, “Ba sẵn sàng” sẽ là một trong những trang đẹp nhất và hào hùng nhất của lịch sử các phong trào thanh niên Việt Nam”.

g
Các đại biểu tham dự  Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nói về phong trào “Ba sẵn sàng”, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ đó không chỉ là niềm tự hào riêng của một trường Đại học mà nó phản ánh phần nào bản chất của lịch sử, sức mạnh dân tộc chính là sức mạnh văn hóa khi mà nền giáo dục của chúng ta rất là non trẻ chính là tập hợp tinh hoa trí tuệ của xã hội lúc bấy giờ. Cũng không phải tự nhiên mà sự kiện này nảy sinh từ đây và nhanh chóng trở thành phong trào cả nước với sự kiện 9/8/1964 ngay sau khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và phong trào “Ba sẵn sàng” đã trở thành phong trào của cả nước, trở thành một ngọn cờ đi suốt chặng đường 10 năm sau khi kết thúc thắng lợi cuộc khánh chiến chống mỹ cứu nước.”

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho đây là một sự kiện hết sức quan trọng. Bởi trong lịch sử không có thời đại nào là không có vai trò của thanh niên. Vì thế nhắc đến phong trào “Ba sẵn sàng” không phải chỉ để nhắc lại chuyện xưa mà để chúng ta đặt câu hỏi Sẵn sàng của thanh niên hiện nay là gì? Vì thế khi chúng ta nhận thức được rằng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, công cuộc hiện đại hóa đất nước thì sự thách đố là vô cùng to lớn.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc cần làm sao cho nội dung tinh thần của Hội thảo “Ba sẵn sàng” ngày hôm nay đi vào đời sống của các bạn trẻ để nối tiếp truyền thống của thế hệ trước”.

>> Từ “Ba Sẵn sàng” đến phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ hôm nay