Phan Hải Triều - Nhà khoa học trẻ VN được vinh danh trên đất Pháp

08:15 16/02/2012     2391

Công tác giáo dục   Phan Hải Triều năm nay mới 28 tuổi song là một trong những nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng dành cho luận án tiến sĩ xuất sắc Paul Germain do Hiệp hội Cơ học Pháp trao tặng.
Phan Hải Triều, Việt kiều Pháp, nhà khoa học trẻ về năng lượng, đã thể hiện niềm đam mê cao độ trong việc nghiên cứu những công nghệ liên quan tới những thứ có kích thước siêu nhỏ. Anh đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thủy điện, Công ty Alstom, tại thành phố Grenoble, Pháp.

 

Đậu thủ khoa Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, Triều nhận được học bổng Georges Besse rồi tiếp theo là học bổng Eiffel của Bộ Ngoại giao Pháp để hoàn thành chương trình kỹ sư tại Đại học INSA de Lyon. Năm 2011, anh là một trong những nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng dành cho luận án tiến sĩ xuất sắc Paul Germain do Hiệp hội Cơ học Pháp trao tặng.

 

Phan Hải Triều, Việt kiều Pháp, nhà khoa học trẻ về năng lượng
Đề tài của luận án Tiến sĩ này là “phát triển hệ thống tản nhiệt kích thước nhỏ bằng công nghệ xử lý bề mặt nano và micro”. Đề tài được anh thực hiện tại Viện Năng lượng Nguyên tử Pháp. Dấu ấn của công trình này là thay vì những hệ thống tản nhiệt dùng trong công nghiệp cồng kềnh, Triều đã nghiên cứu thành công hệ thống tản nhiệt có kích thước chỉ nhỏ hơn 1 mm. Cùng với đó là các kỹ thuật xử lý bề mặt cho phép làm tăng hiệu suất tản nhiệt lên đến 200%.

 

Dù chỉ trong giai đoạn đầu phát triển và theo Triều, cần đến 5 năm nữa để có thể ứng dụng vào thực tế, nhưng đề tài của anh đang được các đối tác tại Pháp hoàn tất để ứng dụng vào đời sống, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Dự kiến, khi đi vào thực tế, hệ thống tản nhiệt này có thể ứng dụng trong công nghiệp điện lạnh, nhà ở, hệ thống điều hòa cũng như các hệ thống làm mát thiết bị điện- điện tử.

 

Triều cho biết, anh có niềm đam mê kỳ lạ với những công nghệ có kích thước vi mô, nên đã tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ hệ thống làm mát cho các vệ tinh trong không gian. Mô hình này giúp làm mát các vệ tinh và mang lại hiệu suất cao hơn.

 

Trong gần 10 năm học và nghiên cứu tại Pháp, Triều đã nhận được 6 bằng phát minh sáng chế về phương pháp xử lý bề mặt bằng công nghệ nano nhằm tăng hiệu suất truyền nhiệt. Triều cho biết những phát minh của anh đang được triển khai tại những cơ quan quốc gia Pháp như phòng Nghiên cứu Công nghệ Năng lượng mới và Vật liệu nano thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Pháp, Công ty Alstom để hoàn tất về mặt nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm phục vụ công nghiệp và đời sống.

 

Hướng về quê hương

 

Vài nét về Phan Hải Triều

- Sinh: 14.10.1984

- 2002: Thủ khoa Khoa Kinh tế, Đại học Quốc Gia, TP.HCM

- 2003-2004: Học bổng Georges Besse

- 2004-2007: Học bổng Eiffel của Bộ Ngoại giao Pháp

- 6.2007: được Đại học INSA de Lyon, Pháp, cấp bằng kỹ sư

- 9.2010: được Đại học Grenoble, Pháp, cấp bằng Tiến sĩ

- 2011: được Hiệp hội Cơ học Pháp trao tặng giải thưởng Paul Germain cho luận án tiến sĩ xuất sắc

- 8.2011 đến nay: làm việc tại Phòng Nghiên cứu và Phát triểnthuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thủy điện của Công ty Alstom, thành phố Grenoble, Pháp

Triều quan niệm rằng, năng lượng và môi trường luôn thu hút mối quan tâm hàng đầu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong điều kiện các nguồn năng lượng thiên nhiên như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang ngày càng cạn kiệt. Anh cho rằng các vấn đề xung quanh năng lượng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn đại cương tại Đại học INSA de Lyon, Triều đã chọn chuyên ngành Năng lượng và Môi trường. Mục đích là được tham gia tìm giải pháp cho bài toán năng lượng trong tương lai.

 

Chọn Alstom, công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có ngành thủy điện, để làm việc, anh cho rằng nơi đây có điều kiện phát triển tốt với nhiều chuyên gia giỏi và cơ sở hạ tầng đáp ứng được những nghiên cứu quy mô lớn với nhiều ứng dụng rộng rãi. Theo Triều, được học tập và làm việc tại một trong những cường quốc hàng đầu về nghiên cứu và phát triển năng lượng như Pháp là cơ hội lớn giúp anh có được nền tảng kiến thức và kinh nghiệm quý báu để hiện thực hóa giấc mơ góp phần phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam sau này.

 

Công nghệ nano đang được các nước rất quan tâm đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tại Việt Nam, công nghệ này cũng đã được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường đại học. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có những công trình đáng kể nào.

 

Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam cũng đã được ưu tiên đầu tư. Đáng chú ý nhất là việc Chính phủ quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. “Trong tương lai, bên cạnh năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và năng lượng mới từ gió, mặt trời, thủy triều cần được Việc Nam nghiên cứu phát triển. Đi đôi với đó là các giải pháp tiết kiệm năng lượng”, Triều cho biết.

 

Anh nói thêm, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn mới và hội nhập mạnh mẽ. Riêng về ngành năng lượng, Chính phủ cần có các chính sách nghiên cứu và phát triển quy mô hơn nữa. “Tôi luôn mong muốn được quay về sống tại quê hương và đóng góp công sức cho sự phát triển ngành năng lượng nước nhà”, anh nói.