Nuôi ước mơ bằng nghị lực
11:00 29/09/2011 2384
Công tác giáo dục Vì hoàn cảnh, bệnh tật...ba bạn trẻ trong bài viết này đều có thời gian dài gián đoạn việc học.
Nguyễn Quang Duy học bài ở phòng trọ - Ảnh: H.Hạnh |
Trương Thị Minh Đức ôn bài tại ký túc xá Trường CĐ Sư phạm Nha Trang - Ảnh: V.Kỳ |
Thế nhưng, nghị lực sống mạnh mẽ đã giúp cả ba vượt qua tất cả để tiếp tục nuôi lớn ước mơ: được trở lại trường.
“Đứt gánh” học hành
Ngày hay tin Lê Thị Đắc Diễm (25 tuổi, P.Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đỗ thủ khoa Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cả xóm không ai tin cô gái nhà nghèo, bị mất trí nhớ, nghỉ học đến bảy năm trời lại gặt hái được kết quả đó. Cuối năm lớp 10 Diễm bị tai nạn giao thông nặng, nhưng sau đó vẫn cố học hết năm 11. Rồi sức khỏe kém, gia đình lại quá nghèo, nên cô nữ sinh lớp 12 suy kiệt dần. Lá đơn xin nghỉ học của Diễm đẫm nước mắt.
Khi sức khỏe khá hơn, Diễm đi phụ bán quán cơm chay ở Nha Trang giúp gia đình. Nhưng bị hàng loạt căn bệnh như rối loạn tiền đình, yếu tim, đau dạ dày... hành hạ, Diễm trở thành người lúc nhớ lúc quên. “Lúc đó, ngay cả khuôn mặt mẹ thế nào tôi cũng không nhớ nổi” - Diễm kể. Bao nhiêu kiến thức học tập hoàn toàn bị xóa trong đầu cô gái...
Năm nay 24 tuổi, Nguyễn Quang Duy (thôn Ngân Hà, P.Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) mới trở thành sinh viên năm nhất khoa sử Trường đại học KHXH&NV TP.HCM. “Năm 2000, ba mình đổ bệnh nặng rồi qua đời, trước đó mẹ phải bán hai căn nhà, vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Không còn nhà cửa, nợ nần chồng chất, bốn mẹ con trú tạm trong cái quán ở chợ mà ngày trước ba mẹ buôn bán. Hai đứa em gái lần lượt bỏ học, mình thì đến lớp 10 (năm 2003) cũng phải nghỉ luôn vì mẹ không còn tiền” - Duy bùi ngùi nói.
16 tuổi, Duy lao vào đời. Suốt sáu năm liền, Duy rong ruổi từ Huế đến Sài Gòn rồi Phú Quốc làm đủ nghề: đi biển, nuôi ốc hương, nuôi tôm, phụ hồ, thợ sơn, bán quần áo “siđa”, chạy xe ôm, bán bánh mì dạo... kiếm tiền giúp mẹ trả nợ. “Rất thường xuyên trong quãng đời nhọc nhằn ấy, hằng đêm mình đều mơ thấy được tiếp tục đi học, được trở thành sinh viên...” - Duy bồi hồi nhớ lại.
Còn với Trương Thị Minh Đức (20 tuổi, xã Suối Cát, Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, tân sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang), cô bé không biết mặt cha từ lúc mới chào đời. Trong hai mùa hè lớp 9 và lớp 10 Đức đã sớm phải vào làm việc tại một doanh nghiệp thủy sản đông lạnh ở Khu công nghiệp Suối Dầu để kiếm tiền đóng học phí cho năm học sau. Không may, một buổi tối đi làm về, Đức bị một chiếc xe gắn máy lao thẳng vào...
Chẳng bao lâu sau, mẹ Đức lại bị xe đụng. Cô học trò nghèo phải bảo lưu kết quả học tập khi vừa kết thúc học kỳ 1 năm lớp 11 để làm công nhân, phụ bán quán cơm, quán cà phê kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Vài tháng sau, Đức phải vào Trung tâm mái ấm Anh Đào - nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa ở thị xã Ninh Hòa - mới có cơ hội tiếp tục học chương trình THPT. Năm 2010 khi đã học hết lớp 12, chuẩn bị đi thi đại học thì Đức bị suy nhược nặng phải cấp cứu, một lần nữa chuyện học hành lại dở dang...
Lê Thị Đắc Diễm đan rối để kiếm thêm tiền phụ mẹ - Ảnh: C.Tường |
Chạm vào ước mơ
Sau bốn năm nghỉ học, đánh vật với bệnh tật và đói nghèo, năm 2008 Diễm - dù ngồi không vững - vẫn kiên trì tập viết từng chữ mỗi ngày... Cứ thế, Diễm tập viết, tập nhớ suốt bốn tháng trời. Nhưng cái nghèo, cái khó đeo đẳng buộc cô gái bệnh tật phải tiếp tục chống chọi với cuộc mưu sinh. Diễm vào TP.HCM làm thuê với nghề nhặt chỉ may, dành dụm tiền gửi về đỡ đần gia đình, mua thuốc uống. Năm 2010 khi đã 24 tuổi, Diễm trở về quê Ninh Hòa tiếp tục tập viết, tập học, dần tìm lại trí nhớ.
Và Diễm lại cắp sách đến trường ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Ninh Hòa để nối lại việc học tập. Điều kỳ diệu đã xảy ra: Diễm không chỉ là học sinh giỏi THPT, mà còn đoạt luôn danh hiệu thủ khoa Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Cô Lê Thị Loan - tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Nguyễn Trãi, từng là giáo viên chủ nhiệm của Diễm - chia sẻ: “Tôi thật bất ngờ và khâm phục nghị lực vượt khó của Diễm, vì sau ngần ấy năm em vẫn quyết tâm đi học lại và vẫn học tốt như ngày nào”. Còn với Diễm: “Một phần ước mơ của mình - trở thành cô giáo - giờ đã thành hiện thực. Mình sẽ cố hết sức để đạt trọn vẹn ước mơ ấy”.
Nhờ một cơ duyên, năm 2008 sau một chuyến đi biển từ Phú Quốc, Nguyễn Quang Duy về Ninh Hòa theo dì lên chùa dâng hương và gặp một nhà sư trẻ. Sau đó Duy quyết định ở hẳn trong chùa, trở thành chú tiểu với pháp danh Như Nhất Quang, đi học trở lại ở một ngôi trường bổ túc. Chạm lại ước mơ, Duy lao vào học. Nhờ nghị lực của Duy, hàng loạt khó khăn của buổi đầu cầm lại sách bút sau sáu năm trời gián đoạn nhanh chóng qua đi.
Cả ba năm cấp III “chú tiểu” luôn là học sinh giỏi, đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh Khánh Hòa môn lịch sử, tốt nghiệp THPT loại giỏi. Hơn cả, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa rồi, Nguyễn Quang Duy đỗ vào khoa lịch sử Trường đại học KHXH&NV TP.HCM. “Bây giờ mình tâm niệm phải tiếp tục vượt khó khăn để học hoài, học mãi cho thỏa những tháng ngày “mất” học...” - chàng tân sinh viên tâm sự.
Còn Trương Thị Minh Đức, từ mùa hè năm 2010 đến mùa hè năm 2011 bạn đã vào TP.HCM vừa giữ trẻ, làm thêm vừa ôn thi. Giờ đây cô gái mồ côi đã trở thành tân sinh viên của ngành sư phạm tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Trao học bổng cho 51 tân sinh viên Khánh Hòa
Vào ngày 30-9-2011 tại TP Nha Trang, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT Khánh Hòa tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 51 tân sinh viên Khánh Hòa vượt khó, trúng tuyển vào ĐH-CĐ năm 2011. Toàn bộ học bổng trị giá 255 triệu đồng (5 triệu đồng/suất), do Công ty CP tập đoàn ĐT-XNK tổng hợp Sài Gòn (Incomex Saigon Group) và Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Khánh Hòa tài trợ.P.T.
Tweet