Những người sắp vào vai Phó Chủ tịch xã

15:11 13/10/2012     3047

Công tác giáo dục   Là những đội viên trong đợt tập huấn cuối cùng của năm 2012, các trí thức trẻ vừa trúng tuyển xác định được để vào vai một tân Phó Chủ tịch xã, nhiệm vụ đầu tiên là phải tạo được lòng tin của chính quyền và bà con.

Thuyết phục bà con bằng kinh nghiệm

Đội viên Nguyễn Thị Hằng

Đội viên Nguyễn Thị Hằng tốt nghiệp khoa Nông Lâm Ngư Đại học Vinh năm 2010 và đã tham gia dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng" (Dự án 174) do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, thực hiện tại 4 xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An.

Khi biết đến Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, cùng lúc Dự án 174 sắp kết thúc, nhận thấy mình có duyên với đồng bào dân tộc nên Hằng đăng ký tham gia dự tuyển và đã trở thành một trong những đội viên của tỉnh Lai Châu.

Với những kinh nghiệm từ Dự án 174, Hằng nhận thấy người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các huyện nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thời tiết khí hậu khắc nghiệt…

Hằng hiểu rằng đây không chỉ là khó khăn của người dân mà cũng chính là khó khăn của người đội viên khi về làm Phó Chủ tịch xã. Bởi vậy, Hằng xác định, bước đầu để người dân tin tưởng, ủng hộ, bạn sẽ tận dụng những kinh nghiệm trong quá trình tham gia Dự án 174, kết hợp với những kiến thức, kĩ năng thu được thông qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước tới đây để xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương một cách thiết thực, có hiệu quả.

Kế hoạch phát triển chăn nuôi, trồng trọt cho bà con

Đội viên A La Muôn

Sinh năm 1982 và tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, A La Muôn là một trong 8 đội viên mới của tỉnh Quảng Nam trong đợt tập huấn cuối cùng năm 2012.

Là người Quảng Nam, A La Muôn biết rằng các xã thuộc huyện nghèo tại tỉnh mình chủ yếu nằm ở khu vực miền núi, giao thông cách trở. Do đó, A La Muôn nhận thấy, để phát triển kinh tế tại khu vực, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trồng trọt là phù hợp nhất với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như điều kiện khí hậu địa phương. Đó cũng chính là nội dung đề án mà A La Muôn ấp ủ xây dựng trong quá trình tham gia lớp bồi dưỡng, nhằm nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt của người dân.

"Khó khăn lớn nhất của đội viên là tạo được lòng tin của cán bộ và người dân tại địa bàn xã được phân công và làm như thế nào để truyền đạt được kiến thức cho bà con xây dựng và phát triển kinh tế một cách bền vững. Vì vậy, trước mắt, tôi sẽ cố gắng học hỏi những kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, nâng cao khả năng của bản thân để hỗ trợ cho nhiệm vụ công tác sắp tới", A La Muôn cho biết.

Quan tâm hạ tầng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đội viên Vàng Thị Hiệp Thu

Khi đăng ký tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã,  Vàng Thị Hiệp Thu vừa lập gia đình và con vừa tròn một tuổi.

Sinh năm 1985 và tốt nghiệp trường Đại học Ngoại giao, Thu được phân công về công tác tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là 1 xã vùng III nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà 13 km. Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mông, Nùng và Tày. Các hộ gia đình nơi đây có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây ngô.

Do xã nằm ở khu vực miền núi, đường xá đi lại hết sức khó khăn nên người dân nơi đây rất vất vả trong việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế đó, Thu đã xây dựng đề án phát triển giao thông và dự định triển khai nhằm hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, sản xuất.

Được biết, sau 3 tháng tập huấn bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, các đội viên này sẽ được bố trí thực tập tại huyện và xã trong 5 tuần.

Việc tập huấn từ thực tế, đòi hỏi các đội viên phải hòa nhập vào thực tiễn cũng chính cách đào tạo hiệu quả để những tân Phó Chủ tịch xã xây dựng bảo vệ đề án phù hợp, thiết thực, nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn.