Những con chữ lấm lem bùn đất
09:22 12/09/2011 2359
Công tác giáo dục Trước khi khăn gói lên thành phố vào đại học, Dũng và Trung đem trả cái xoong cho bác Năm, cái chảo cho chị Ba, bộ ấm chén cho nhà anh Tú... Đó là những vật dụng mà lâu nay hai anh em mượn từ những hàng xóm tốt bụng để dùng.
Dũng (trước) và Trung với công việc hằng ngày - Ảnh: MAI VINH |
Gia đình cặp song sinh Nguyễn Quốc Dũng - Nguyễn Quốc Trung, sinh năm 1991, ở tận Tiểu Cần, Trà Vinh nhưng chỉ hai anh em lạc lên tới cao nguyên để mưu sinh.
Lạc bước cao nguyên
Nhà chỉ có 2 sào lúa, ba hằng ngày phải đi bốc vác làm thuê, còn má bị bệnh sỏi thận thì giúp việc nhà cho người dân trong vùng kiếm tiền phụ chồng nuôi sống gia đình gồm người chị bị khuyết tật bẩm sinh và hai em.
Khi Dũng - Trung học hết lớp 9 là lúc gia đình càng khó khăn. Vì thế, hai em phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê. “Có chị cùng quê rủ đi làm nhà hàng tận Vũng Tàu, thế là hai anh em khăn gói lên đường”, Quốc Dũng kể. Khi ấy cả hai mới 15 tuổi, gầy guộc, nhỏ bé.
Công việc bưng bê tất bật từ sáng đến khuya, cứ thế ngày lại tiếp ngày, cả hai không khi nào dám tin sẽ có ngày trở lại mái trường. Tình cờ có vị khách đến từ Đà Lạt ghé ăn cơm, hỏi thăm gia cảnh và hỏi “hai đứa muốn đi học lại không?”. Ngỡ tưởng chỉ là chuyện qua đường, ai dè đấy là “duyên số”, hai anh em được gửi về nơi lạ hoắc ở vùng rau Ka Đô, Đơn Dương (Lâm Đồng). Thế là từ đấy hai anh em gắn bó với cao nguyên.
Sau hai năm chạy bàn, kiến thức mai một, nhưng cả hai chỉ ôn luyện hai tháng đã thi đậu vào lớp 10 Trường THPT xã P’ró, cách nơi ở 6km.
Con chữ ân tình
162 suất học bổng cho tân sinh viên năm tỉnh Tây nguyên Ngày mai 13-9, chương trình “Tiếp sức đến trường” sẽ trao học bổng cho tân sinh viên của năm tỉnh Tây nguyên, mỗi suất 5 triệu đồng. Đây là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học hành và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm 2011. Toàn bộ tiền trao học bổng do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” tài trợ. |
MAI VINH |
Nguyễn Quốc Trung, người em, đậu ngành công nghệ sinh học Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, kể rằng may mà người dân ở đây tốt bụng cưu mang, ai có việc gì cũng kêu, nhiều lúc còn trả công cao hơn ngày công bình thường. Từ cái nồi, cái chảo đến bộ ấm chén cũng do cô bác láng giềng cho mượn. Thỉnh thoảng đi học về thấy bọc cá kho treo trước cửa phòng trọ mà không biết của ai cho để cảm ơn. Còn khi tết đến, không tiền về thăm ba má, hàng xóm ai cũng mời đến nhà ăn tết.
“Nhận tình thương của nhiều người, nhà có chị bị khuyết tật nên em chọn ngành công tác xã hội cộng đồng Trường đại học Đà Lạt theo học, ước muốn mai này chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật để phần nào trả nghĩa cô bác đã từng cưu mang” - Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.
Quốc Dũng vạch kế hoạch trong thời gian tới chắc chắn phải kiếm việc làm thêm, bất cứ việc gì, còn hè thì về Ka Đô làm nông vì cả xã rau này ai cũng biết, cũng thương hai đứa. Anh Tú, người sống cùng nhà trọ với Dũng - Trung, tin tưởng: bản tính chịu thương chịu khó, không ngại khổ cực cùng với đức tính ham học sẽ là vốn quý để các em vượt khó tiếp bước trên con đường sau này.
HỒ KHẢI NHIÊN
90 suất học bổng Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ
Sáng 10-9, tại trụ sở UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn cùng Trung ương Đoàn trao học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”. 90 học sinh nghèo hiếu học, có thành tích xuất sắc trong học tập đã nhận 90 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000 đồng, 10 cuốn vở, một áo mưa).
Được biết, năm 2011 chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” tổ chức trao học bổng cho 2.430 học sinh phổ thông tại 26 tỉnh thành trong cả nước với tổng số tiền 2,1 tỉ đồng.
Tweet