Những bản tuyên ngôn lịch sử
10:15 02/09/2012 3063
Công tác giáo dục Tuyên ngôn độc lập là giấy khai sinh của một quốc gia, khẳng định độc lập chủ quyền thiêng liêng, toàn vẹn lãnh thổ. Những bản tuyên ngôn luôn là dấu ấn bi hùng của lịch sử một dân tộc, một quốc gia...
Tuyên ngôn độc lập của Mỹ - 1776
Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ là văn bản chính trị tuyên bố ly khai khỏi Vương quốc Anh của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ. Tuyên ngôn được đọc ngày 4/7/1776, nội dung chính của bản tuyên ngôn dựa trên tư tưởng John Locke, một triết gia người Anh. Theo ông, con người có ba quyền cơ bản không thể bị tước đoạt là quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Quyền sở hữu được Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đề cập tới trong bản tuyên ngôn là "quyền được mưu cầu hạnh phúc".
Bản Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng cho nhiều bài phát biểu nổi tiếng khác như của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. và Tổng thống Abraham Lincoln cũng như bản Tuyên ngôn độc lập của một số nước như Việt Nam, Zimbabwe…
Câu trích dẫn nổi tiếng của bản tuyên ngôn là "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp - 1789
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp do hầu tước Marquis Lafayette soạn thảo. Hầu tước Lafayette là một nhà cách mạng có công cho cả nước Mỹ và nước Pháp. Năm 1777, ông đã đưa quân sang Mỹ để giúp nhân dân Mỹ chiến đấu giành độc lập. Sau đó ông trở lại Pháp tham gia cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và trở thành Tư lệnh lực lượng vệ binh quốc gia. Ông chính là tác giả của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp.
Trong bản tuyên ngôn này có tất cả 17 điều khoản, điều 1 và điều 2 là nổi tiếng nhất và được trích dẫn nhiều nhất: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung” và “Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ. Các quyền đó là tự do, tài sản, sự an toàn, và quyền được chống lại mọi sự áp bức”.
Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Đức - 1848
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý mà C. Mác và Ph. Ăngghen trình bày trong tác phẩm này là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua nhiều thử thách, hơn một thế kỷ qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đặt ra nhiều vấn đề mới, nhiều đòi hỏi, thách thức của thời đại cần giải quyết nhưng chủ nghĩa Mác và những nội dung được đưa ra trong bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vẫn không hề lỗi thời. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền móng tư tưởng, mang ý nghĩa thiết thực cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng.
Được sự uỷ nhiệm của những người Cộng sản, ngày 24/2/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trên toàn thế giới và nắm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành cơ bản về lý luận của chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Tuyên ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi nổi tiếng: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại! ”
Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - 1945
Bản tuyên ngôn độc lập của nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 và được các nhà nghiên cứu sử học xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam. Hai bản tuyên ngôn trước đó là bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.
Bản tuyên ngôn mở đầu bằng những câu trích dẫn nổi tiếng từng xuất hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của mình bằng cách trích dẫn cho thấy tư duy chính trị khoa học, độc đáo, sáng tạo, đầy tính nhân văn và tầm nhìn chiến lược của một nhà Cách mạng lỗi lạc.
Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp ở thế kỷ 18 là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới, khẳng định những lý tưởng đầy nhân văn của loài người. Đánh giá cao lý tưởng của những bản tuyên ngôn này, Người đi đến những khái quát mới - việc “suy rộng ra” là một bước phát triển nâng những lý tưởng của thế kỷ 18 lên tầm lý tưởng của thời đại mới.
Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, nhân danh dân tộc Việt Nam, Người long trọng khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”.
Lời khẳng định thật đanh thép, thể hiện quyết tâm của toàn dân tộc, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia dân tộc độc lập.
Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường… để bảo vệ hai tiếng “độc lập”, “chủ quyền” thiêng liêng nhất.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc - 1948
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra 375 ngôn ngữ. Đây là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng bao gồm 30 điều.
Đây được coi là khuôn mẫu lý tưởng cần đạt tới của mọi quốc gia và dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người được đưa ra trong Tuyên ngôn.
Tweet