“Nguồn sáng” của bệnh nhân nghèo

17:25 10/03/2014     1091

Công tác giáo dục   Hơn 15 năm miệt mài tham gia các chương trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Mắt trung ương đã nhiều lần cùng đồng nghiệp trèo đèo, lội suối, đến những bản làng xa xôi, góp phần đem lại niềm vui cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo có bệnh liên quan đến mắt.
Vừa trở về sau lễ vinh danh 10 bác sĩ trẻ của Thủ đô nhận giải thưởng "Đặng Thùy Trâm", bác sĩ Tuấn Anh lại lao ngay vào công việc với ăm ắp những dự định mới...
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trong chuyến phẫu thuật từ thiện tại Sơn La.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trong chuyến phẫu thuật từ thiện tại Sơn La.


"Phép màu" từ những chuyến đi...

Với bác sĩ Tuấn Anh, chuyến công tác cùng các đồng nghiệp cuối năm 2013 vừa qua tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thực sự để lại nhiều kỷ niệm vui xen lẫn những trăn trở. Là một huyện ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số bị bệnh về mắt cần được phẫu thuật tại huyện Phù Yên rất cao. Theo dự kiến, đoàn công tác sẽ khám và tiến hành khoảng 100 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, do số bệnh nhân tăng vọt so với dự kiến ban đầu, các bác sĩ hội ý nhanh và đi đến quyết định tăng tối đa cường độ lao động. Ngày làm việc đầu tiên kết thúc với 50 ca được phẫu thuật, bác sĩ Tuấn Anh và các đồng nghiệp đều mệt lả. Sau 3 ngày miệt mài làm việc đến quên ăn, quên nghỉ, đoàn công tác đã phẫu thuật thành công cho 130 ca, trong đó có nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật cả hai mắt. Nhưng ngày cuối cùng của chuyến công tác, khi cơ số thuốc men và băng gạc không còn, trong khi bệnh nhân mù cả hai mắt vẫn đang ngồi xếp hàng chờ được mổ, lòng những người thầy thuốc như có ai xát muối...

Bắt đầu từ năm 2007, những chuyến xe lưu động, phẫu thuật miễn phí của các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương đã đến với bệnh nhân nghèo ở những vùng xa xôi nhất của mọi miền Tổ quốc. Từ Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh... những "chiến sĩ áo trắng" đã thực hiện thành công trên 10.000 ca phẫu thuật, mang lại niềm vui cho những người nghèo bị bệnh về mắt. Chiếc xe đặc biệt và duy nhất tại Việt Nam này được Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản trao tặng Bệnh viện Mắt trung ương hồi cuối năm 2006. Xe có khối tích tương đương 52 chỗ ngồi, được trang bị như một bệnh viện di động gồm một phòng khám, một phòng phẫu thuật và một phòng khử trùng. Trên xe còn lắp đặt nhiều trang thiết bị khám và phẫu thuật hiện đại như máy siêu âm, máy hiển vi phẫu thuật, máy hấp tiệt trùng tốc độ cao... Kinh phí do Bệnh viện Mắt trung ương vận động tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và một số tổ chức quốc tế. Mỗi năm, xe mổ mắt lưu động tổ chức đi khoảng 20 - 25 đợt, mỗi đợt từ 3 đến 15 ngày. Mỗi chuyến công tác như thế thường thực hiện khoảng 50-150 ca phẫu thuật...

Sinh ra để làm bác sĩ

Sinh ra trong một gia đình không có bất kỳ ai theo nghề thầy thuốc, nhưng ngay từ khi còn là cậu học trò xuất sắc của Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), Tuấn Anh đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ tương lai. Suốt 6 năm miệt mài trên giảng đường của Đại học Y Hà Nội, chàng sinh viên trẻ Tuấn Anh luôn dẫn đầu trong thành tích học tập. Tốt nghiệp ĐH, anh tiếp tục học nội trú tại Bệnh viện Mắt trung ương. Sau thời gian học nội trú tại Pháp năm 2000-2001, trở về Việt Nam, anh tiếp tục "đầu quân" về Bệnh viện Mắt trung ương và gắn bó đến bây giờ…

Dù rất bận rộn với khối lượng công việc lớn tại bệnh viện, nhưng bác sĩ Tuấn Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những chuyến lưu động, mổ mắt miễn phí tại các tỉnh xa. Có những chuyến đi vô cùng vất vả, anh và các đồng nghiệp phải thực hiện hàng chục ca mổ mỗi ngày trong điều kiện nắng nóng như thiêu đốt, hoặc trong cái lạnh đến thấu xương ở vùng cao. Nhưng trên hết, lòng yêu nghề và trách nhiệm của người thầy thuốc khiến anh và các đồng nghiệp chạy đua cùng thời gian, thực hiện các ca mổ chính xác trong thời gian nhanh nhất có thể, giúp mang lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân. Những chuyến đi như thế, với công việc của một trưởng đoàn, áp lực luôn đè nặng lên vai bác sĩ Tuấn Anh. Từ việc gây quỹ, xin tài trợ, đến tổ chức chuyến đi an toàn tuyệt đối, vừa bảo đảm tất cả các ca mổ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, chất lượng phẫu thuật, không để lại biến chứng sau phẫu thuật cho bệnh nhân... Sau mỗi chuyến đi mổ lưu động, cả đoàn công tác ai nấy đều mệt rã rời, mắt nhòe đi vì làm việc quá sức; nhưng bù lại niềm vui của những bệnh nhân tìm lại được ánh sáng khiến họ xua tan đi mệt mỏi. Bác sĩ Tuấn Anh cho biết: "Với những chuyến đi lưu động, bên cạnh việc khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo, Bệnh viện Mắt trung ương còn tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào đạo cho cán bộ nhãn khoa của bệnh viện và y tế cơ sở tuyến dưới, tuyên truyền cách phòng tránh các bệnh về mắt".

Chặng đường phía trước và công việc của bác sĩ Vũ Tuấn Anh và các đồng nghiệp còn rất dài. Bởi theo ước tính, cả nước hiện còn khoảng 2 triệu người mù, trong đó số người bị mù hai mắt lên tới 400.000 người, tỷ lệ người bị bệnh đục thủy tinh thể chiếm 66%, tiếp theo là các bệnh về đáy mắt, bệnh glocom... Trong số những nguyên nhân gây mù hiện nay, trên 80% là có thể phòng và chữa được. Chính vì vậy, những chuyến xe phẫu thuật lưu động và những tấm lòng như bác sĩ Vũ Tuấn Anh thực sự là "nguồn sáng" của bệnh nhân nghèo...