Nghị lực của chàng trai biết vượt lên số phận

09:01 11/07/2013     2350

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Vượt qua mặc cảm với đôi chân không lành lặn, chàng trai nghèo Nguyễn Văn Dũng đã khẳng định được mình trên bước đường lập nghiệp. Anh trở thành “nhân chứng sống” cho nghị lực vượt khó vươn lên khiến nhiều người nể phục.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Bình Thuận, cuộc sống mưu sinh chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Cái nghèo khó đã khiến Dũng không được đến trường, không được tiếp tục học như biết bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Mới 12 tuổi, nhưng Dũng đã lam lũ làm công việc nặng nhọc của người lớn để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Dũng nhận bất kỳ công việc gì mà mọi người thuê, từ việc làm nông đến đi phụ hồ, làm công nhân. Tưởng chừng như cuộc sống của mình được ổn định với công việc tại công ty Rạng Đông, nhưng tai họa đã ập đến với người thanh niên này, trong lúc tan ca về anh đã bị tai nạn giao thông làm mất đi của anh đôi chân.

a
Nguyễn Văn Dũng thuần thục trong từng công đoạn để hoàn thành bức tranh cát

Không còn đôi chân, cuộc sống của Dũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên mặc cảm trước xã hội mới là điều khiến Dũng không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Với anh, 6 năm ròng ngồi một chỗ là khoảng thời gian anh cảm thấy cuộc đời vô nghĩa nhất. Nhiều đêm anh suy nghĩ, cuộc sống của mình không thể chôn vùi như thế này được.

Với nghị lực và quyết tâm, Dũng đã tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Bình Thuận để tìm cho mình công việc phù hợp. Tại đây, như một cái duyên, anh được giới thiệu tới cơ sở Tranh cát Phi Long để thử việc. Những ngày đầu đến với nghề tranh cát, biết là khó khăn nhưng chưa bao giờ Dũng có ý định bỏ học hay nhụt đi ý chí.

Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi Dũng đã bắt nhịp rất nhanh với công việc tại nơi làm việc mới. Tỉ mỉ trong từng đường vẽ, tinh tế trong pha trộn màu sắc, cộng với khả năng cảm thụ thẩm mỹ cao, Nguyễn Văn Dũng đã ngày càng hoàn thiện chuyên môn và sáng tạo ra nhiều bức tranh cát đạt yêu cầu kỹ thuật cao.

Không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân, Dũng còn chỉ bảo tận tình những học viên mới vào nghề. Vì thế, anh luôn được bạn bè đồng nghiệp thương yêu và được lãnh đạo công ty đánh giá cao.

Chị Đặng Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty Tranh cát Phi Long, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trong quá trình học nghề Dũng là người có trí, có bản lĩnh, giờ đây Dũng đã trở thành người thợ giỏi với những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, Dũng còn là thanh niên rất sôi nổi với phong trào Đoàn và có hoài bão luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân”.

Không còn phải suy nghĩ nhiều về những ánh mắt mọi người nhìn mình như những ngày đầu đi xin việc, hôm nay mọi nỗi lo, tự ti về bản thân đã không còn, bởi Dũng biết những ánh mắt kia không phải là những con mắt mỉa mai, khinh thường mà là những ánh mắt đầy ngạc nhiên, khâm phục về nghị lực của mình.

Không chỉ yêu thích công việc của một người thợ vẽ tranh, Dũng còn có một niềm đam mê và mong ước: đó là có được một đôi chân để đi lại bình thường như trước đây và trở thành vận động viên đua xe lăn chuyên nghiệp.

Bằng ý chí kiên cường và sự tập luyện chăm chỉ Dũng đã tiến được gần với ước mơ của mình: tiêu biểu, tại Đại hội Thể dục – Thể thao người khuyết tật tỉnh Bình Thuận năm 2011, Dũng đã xuất sắc giành được 02 Huy chương vàng môn xe lăn cự ly 500m và 1.00m dành cho nam.

Với Nguyễn Văn Dũng, giờ đây anh rất hài lòng với những gì mình đang có: một công việc yêu thích, mức lương ổn định (trên 3 triệu đồng/tháng) và được thực hiện mơ ước. Tuy nhiên, để có được như ngày hôm nay, Dũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, mà trước hết đó là mặc cảm, là tự ti của bản thân.

Với những nỗ lực vượt lên số phận, tạo ra những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của mình Nguyễn Văn Dũng xứng đáng là tấm gương điển hình để những thanh niên cùng cảnh ngộ và nhiều người học theo. Bất cứ ai gặp Nguyễn Văn Dũng của ngày hôm nay, nghe tiếng cười lạc quan và cảm câu chuyện đời của anh, sẽ thấy thứ ánh sáng long lanh phát ra từ con người đặc biệt này.

Với anh, con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh mà là để hạt cát đó được tỏa sáng, cũng như những hạt cát được anh thổi hồn vào trong từng bức tranh để làm nên giá trị riêng của nó.