Máy phát điện gió của chàng tài xế

08:54 03/04/2012     1946

Công tác giáo dục   Chỉ là tài xế xe tải nhưng anh Trần Thanh Thành (36 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã sáng chế máy phát điện gió phục vụ sinh hoạt gia đình.

  Anh Trần Thanh Thành (trái) điều chỉnh quạt gió trên nóc nhà - Ảnh: H.T..
Anh Trần Thanh Thành (trái) điều chỉnh quạt gió trên nóc nhà - Ảnh: H.T..
Công trình sáng chế “miệt vườn” này đã được Trung ương Đoàn trao giải thưởng sáng tạo trẻ năm 2011.

“Sáng chế” để giúp bà con quê nghèo

Vì gia đình nghèo nên anh Thành phải nghỉ học khi mới hết lớp 9. Rời ghế nhà trường, anh quyết định lên TP.HCM học nghề kiếm sống. 16 tuổi, anh chọn học nghề làm cửa sắt. Sau bảy năm kiên trì học rành nghề, năm 1999 anh trở về quê biển Bình Đại lập nghiệp và lập gia đình.

Nghề làm cửa sắt ở quê không đủ sống, anh chuyển sang chạy xe ba gác mướn. Rồi năm 2007 anh phải chuyển nghề khác vì Chính phủ cấm xe ba gác, tự chế. Anh Thành đi học lái xe và sống bằng nghề lái xe tải chở hàng cho các cửa hàng tạp hóa trong huyện.

Mặc dù bận bịu mưu sinh nhưng anh Thành vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương. Năm 2011 nghe xã đoàn thông báo Trung ương Đoàn phát động cuộc thi sáng tạo trẻ, anh lẳng lặng về nhà suy nghĩ làm cái gì đó để dự thi. Cuối cùng anh quyết định làm máy phát điện gió (phong điện) vì quê biển của anh rất nhiều gió nhưng lại thiếu điện. “Nếu sáng chế thành công có thể giúp những hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia có điện thắp sáng, cho các em nhỏ học bài” - anh Thành chia sẻ.

Hỏi vì sao chỉ mới học lớp 9 nhưng anh dám làm chuyện rất khó, đòi hỏi phải học hành đàng hoàng như vậy, anh Thành cười xòa: “Tôi nhớ một lần chạy xe đạp điện bình điện hết đột ngột. Thế là tôi phải đạp để đi tiếp. Đạp một hồi thì thấy bình điện được sạc, không đạp xe cũng chạy được một đoạn. Từ đó tôi nghĩ có thể dùng sức gió để làm ra điện”.

“Cối xay gió” vùng ven biển

Để tạo ra chiếc máy phong điện này, anh Thành tận dụng những phế liệu như: sắt vụn để làm cánh quạt; đuôi lái gió, tuốcbin thì anh mua lại từ những chiếc xe điện bị hư nên chi phí không nhiều.

Vì là dân tay ngang nên việc sáng chế của anh Thành gặp không ít khó khăn, mất khá nhiều thời gian. Anh bảo cứ vài ngày là bị vợ... cằn nhằn vì anh bày đống “phế liệu” ngổn ngang trong nhà. Mỗi lần như thế anh chỉ phì cười, xuống nước nhỏ năn nỉ vợ. Chị Băng Uyên, vợ anh, nói: “Hai vợ chồng đi làm tối ngày mệt gần chết, vậy mà vừa về tới nhà là ổng lao vào đống sắt vụn làm máy phát điện gió. Tôi chỉ lo ổng làm việc quá sức, hôm sau không chạy xe nổi”.

Cuối cùng máy phát điện gió của anh cũng hoàn thành. Chiếc quạt bốn cánh có đuôi lái, mỗi cánh dài 80cm, bề rộng cánh quạt chừng 30cm. Bộ cánh quạt này nối với tuốcbin, bình ắcquy, biến thế đổi điện một chiều thành điện xoay chiều; sau đó nối với bóng đèn điện thắp sáng. Máy phát điện gió tại nhà anh đủ cấp điện cho toàn bộ bóng đèn thắp sáng trong nhà. Ban ngày còn sử dụng được cho tủ lạnh. “Đôi lúc điện cũng không ổn định lắm và tôi đang dần hoàn thiện để có thể lắp đặt cho các hộ dân khác trong khu vực và cả những nơi không có điện” - anh nói.

Theo anh, chỉ cần có “gió lay ngọn cây” thường xuyên là đủ tạo ra dòng điện. Những vùng ven biển thế này gió quanh năm nên thuận tiện cho việc lắp đặt hệ thống phong điện,tính hết các thiết bị, bình ắcquy thì khoảng 10 triệu đồng. Anh Thành cho biết: “Hiện có nhiều người trong xã đặt hàng làm máy phát điện gió nhưng tôi chưa nhận lời. Việc này cần phải có cơ sở cơ khí chuyên gia công cánh quạt cho đồng đều, thậm chí cần cơ quan chuyên môn hỗ trợ để hoàn thiện nữa. Tôi chỉ mới làm thử nên còn nhiều khuyết điểm lắm”.