Lên vùng cao để trải nghiệm

11:09 29/11/2011     3719

Công tác giáo dục   Trong số 66 ứng viên trúng tuyển vào dự án 600 phó chủ tịch xã, có nhiều bạn trẻ chọn đến với vùng cao Bắc Kạn và Cao Bằng.

Tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa dân tộc thiểu số - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi) là ứng viên trẻ nhất. Từng có thời gian “ba cùng” với đồng bào dân tộc ở H.Bảo Lạc (Cao Bằng) nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa phong tục tập quán bổ sung kiến thức chuyên môn, cộng với tấm bảng điểm loại khá, hồ sơ của Hiếu lọt vào “mắt xanh” của nhiều đơn vị khi về trường tuyển dụng. Trước cơ hội như thế, Hiếu có thể chọn cho mình một công việc ngay giữa thủ đô năng động. Nhưng không, Hiếu đăng ký thi tuyển vào dự án làm phó chủ tịch xã tại H.Bảo Lạc, với mong muốn cống hiến tri thức cho mảnh đất mà Hiếu từng có nhiều kỷ niệm đẹp với đồng bào dân tộc khi còn là sinh viên.

Trong danh sách trúng tuyển về H.Bảo Lâm, Cao Bằng, còn có Triệu Thị Múi (xã Hồng Tiến, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Múi kể rằng, ngày thông báo với người thân về quyết định đăng ký lên Cao Bằng, bố nhiệt tình ủng hộ, còn mẹ khóc sụt sùi vì thương con, đời con gái có xuân thì, phải lo chuyện chồng con. Múi thuyết phục mãi, cuối cùng mẹ cũng đồng ý cho con gái xách ba lô lên đường. Có tấm bằng cử nhân chuyên ngành khoa học quản lý, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học (thuộc ĐH Thái Nguyên), Múi ở lại quê hương tìm việc làm là chuyện không quá khó. Nhưng ai cũng chọn việc ở miền xuôi, ở lại thị xã, thành phố thì những vùng quê nghèo chẳng bao giờ phát triển. “Dù có làm việc ở bất cứ nơi đâu, nếu thực sự tâm huyết gắn bó thì vùng đất ấy sẽ giống như quê hương mình cả thôi”, Múi chia sẻ.



Các trí thức trẻ tham gia dự án 600 phó chủ tịch xã - Ảnh: P.Hậu 


Tạm dừng công việc giảng viên với thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng chuyển sang đăng ký vào dự án làm phó chủ tịch xã tại H.Ba Bể, Bắc Kạn là trường hợp của Nguyễn Đức Hùng (28 tuổi), quê xã Hồng Dụ, H.Ninh Giang, Hải Dương. Trước đó Hùng từng giảng dạy tại Trường CĐ Công nghệ và Quản trị Sonadezi, tỉnh Đồng Nai. Công việc ổn định, môi trường làm việc năng động, nhiều cơ hội thăng tiến. Hùng cho biết, mọi chuyện thay đổi khi tình cờ đọc được thông tin trên mạng internet. Nghiên cứu chi tiết về dự án này, Hùng quyết định tạm dừng nghề sư phạm, khăn gói lên Bắc Kạn trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp. Hùng chia sẻ, nếu so sánh thu nhập chẳng dại gì mà bỏ giảng đường lên miền núi, lựa chọn công việc với nhiều rủi ro, thất bại. Bù lại, nếu được bổ nhiệm làm phó chủ tịch, vị trí này cho Hùng cơ hội cống hiến, chinh phục thử thách trong môi trường mới.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Trưởng ban chỉ đạo dự án 600 phó chủ tịch xã - ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, tăng cường các trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch xã là sự đột phá trong công tác cán bộ. Nhưng thành công của dự án chủ yếu phụ thuộc vào trình độ, năng lực dám nghĩ dám làm của mỗi người. Sau thời gian bồi dưỡng tập trung, thực tập kỹ năng quản lý hành chính ở cấp xã, họ phải làm bài kiểm tra sát hạch có đánh giá nhận xét của giảng viên, chính quyền nơi thực tập; nếu đủ điều kiện sẽ được làm quy trình, quyết định bổ nhiệm chức danh phó chủ tịch xã.