Làm giàu từ mô hình VAC
22:53 26/03/2013 5578
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sinh năm 1984, sau thời gian vào Nam lập nghiệp, rồi về quê mở cửa hàng buôn bán, nhưng tất cả đều không “giữ chân” được Phạm Công Luân. Chỉ đến khi chuyển sang phát triển kinh tế theo mô hình VAC Luân mới thực sự tìm thấy thành công.
Anh Luân bên chuồng nuôi thỏ trong trang trại |
Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, Phạm Công Luân (thôn Phương Trì 2, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo) một mình vào Nam làm kinh tế, khi thấy mọi người kháo nhau, miền Nam như một miền đất hứa. Sau 5 năm lăn lộn ở mảnh đất phía Nam, Luân quyết định về quê mở quán kinh doanh cà phê tại thị trấn Vĩnh Bảo. Khi việc kinh doanh đi vào ổn định, khách hàng đến với quán ngày một đông Luân quyết định nhượng lại quán cho người khác để về nhà mở trang trại.
Luân nhớ lại, năm 2009 khi địa phương có chính sách chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang chăn nuôi, trồng trọt. Thấy đây là cơ hội phát triển kinh tế trang trại, Luân về xin với gia đình cho anh chuyển đổi diện tích canh tác của gia đình lấy đất lúa năng suất thấp để chuyển sang phát triển kinh tế trang trại. Nhưng, khi đưa ra ý tưởng này mọi người trong gia đình không ai đồng tình. Những ngày đầu ra cánh đồng vắng vẻ, đồng trắng, nước trong mọi người ai cũng ái ngại thay cho Luân. Có người còn nói với giọng thách thức, chắc chỉ ba bẩy hai mốt ngày là bỏ cuộc.
Với diện tích 2 ha chuyển đổi, Luân giữ một phần diện tích để cấy lúa, một phần đào ao thả cá, phần còn lại lập nền xây dựng trang trại chăn nuôi. Nghĩ là làm, Luân thuê máy xúc về đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Số vốn dành dụm được hơn 100 triệu đồng cộng với vay mượn từ người thân Luân đổ hết vào lập trang trại. Có những lần do không đủ tiền thuê người làm, Luân tự đào đất đắp bờ, lợp mái trang trại…suốt đêm, nhiều khi xong việc thì cũng là lúc gà gáy. Diện tích mặt nước gần 1ha, Luân cho nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, rô phi...vừa cho ăn theo kiểu truyền thống, Luân mạnh dạn cho cá ăn theo kiểu nuôi công nghiệp cũng như tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi. Do chú ý việc làm vệ sinh ao kết hợp các kỹ thuật phòng bệnh cho cá, do đó cá nuôi trong ao rất nhanh lớn. Sau mỗi 1 năm, Luân lại tát ao một lần. Trừ chi phí, ao nuôi cá mỗi năm cho Luân thu nhập hơn 100 triệu đồng. Mới đây, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lúa, Luân đầu tư tiền nạo vét ao, quây bờ ruộng để triển khai mô hình. Anh chia sẻ, thấy mọi người kháo nhau triển khai được mô hình này lúa sẽ ít bị bệnh, giảm chi phí phun thuốc trừ sâu, mà cá cũng có thêm nguồn thức ăn.
Ngoài ao nuôi cá, Luân còn xây dựng trang trại nuôi lợn và nuôi gà hằng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Trang trại của anh lúc nào cũng duy trì hơn 50 con lợn thịt, 3 lợn nái và gần 300 con gà thịt. Mới đây, Luân mạnh dạn nuôi thử nghiệm 100 con thỏ và cho kết quả tốt, anh đang dự tính sẽ mở rộng quy mô chuồng nuôi thỏ lên 300 con. Anh tâm sự, việc nuôi thỏ khá dễ, nguồn thức ăn cho thỏ ở quê khá dồi dào, chỉ cần chú ý giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thỏ sẽ không bị mắc bệnh. Trong khi nhu cầu thị trường về thỏ thương phẩm khá lớn mà giá cả cũng không hề thấp.
Còn đối với diện tích bờ vùng, bờ thửa Luân đầu tư công sức trồng rau màu các loại hàng tháng cho thu nhập hơn 3 triệu đồng.
Anh Đoàn Đức Giang, Bí thư huyện đoàn Vĩnh Bảo cho biết: Luân là 1 trong số thanh niên điển hình tiên tiến trong phong trào lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên quê hương. Không những tạo việc làm, thu nhập cho bản thân, trang trại của Luân còn tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/ người/ tháng. Với sự dám nghĩ, dám làm, mô hình phát triển kinh tế của Luân đang từng ngày góp phần xây dựng quê hương. Vừa qua Luân vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của.