Kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2012): Bài học vĩnh hằng về chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ Việt Nam (06/05/2012)
08:45 07/05/2012 2158
Công tác giáo dục Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: "Qua báo Đại Đoàn Kết, tôi muốn gửi lời nhắn của thế hệ chúng tôi đến thế hệ hôm nay: Hãy phát huy đến cùng chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ Việt Nam là bài học vĩnh hằng”.
Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam |
Đã 58 năm trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn như một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Thật may mắn, những ngày đầu tháng 5 lịch sử này chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 trấn giữ trận địa phía Tây Điện Biên. Với "anh Văn” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông vừa là đồng đội, vừa là một người thân trong một đại gia đình trí thức lớn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Sơn và Trung tướng Phạm Hồng Cư đều là con rể của GS Đặng Thai Mai). Dù đã ở tuổi 86 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, nhớ chính xác từng cuộc hành quân, vị trí các trận đánh và tên tuổi của những đồng đội.
Thế hệ của chúng tôi giữ trọn "lời thề độc lập”
Thưa ông, ông và đại gia đình đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng thật phong phú, gắn chặt với lịch sử của đất nước. Nhìn lại suốt chặng đường mình đã đi qua, giờ đây điều gì khiến ông tự hào, tâm đắc nhất?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi thuộc thế hệ thanh niên Cách mạng tháng 8, lúc ấy đang ở độ tuổi 20. Thế hệ tôi lớn lên có hạnh phúc là gặp ngay cách mạng, vì vậy ngay từ khi còn là học sinh trường Bưởi chúng tôi đã tham gia phong trào học sinh yêu nước. Khi cách mạng bùng nổ, tôi tham gia Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu.
Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu có vinh dự được bảo vệ Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, sung sướng đến rơi nước mắt. Vì đang từ thân phận của người dân mất nước, nay trở thành công dân của một nước độc lập, thì còn hạnh phúc, sung sướng nào bằng. Hạnh phúc ấy chỉ có thế hệ chúng tôi mới cảm nhận được sâu sắc thế. Người ta nói thế hệ của chúng tôi là thế hệ của một lời thề - lời thề độc lập, và chúng tôi đã mang lời thề ấy trong trái tim mình. Có thể tự hào nói rằng, cho đến nay thế hệ chúng tôi đã giữ trọn lời thề với Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy
chiến dịch Điện Biên Phủ bàn kế hoạch tác chiến
Phần thưởng lớn nhất của "anh Văn” là được Đảng tin, dân mến, thế giới khâm phục
Thưa ông, 58 năm đã trôi qua, chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông là người trực tiếp tham gia chắc hẳn chưa phai mờ trong ký ức của ông?
Cuối năm 1953, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy Mặt trận, cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh trực tiếp của chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.
Về chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này có người thắc mắc: Tại sao đã kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra; tại sao đã chọn cách đánh nhanh thắng nhanh rồi lại phải thay đổi sang đánh chắc, tiến chắc? Thì đấy chính là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà sau này trong Hồi ký, ông đã bộc bạch.
Đại tướng đã được Bác Hồ trao toàn quyền quyết định "Tướng quân tại ngoại”, nhưng rồi Bác cũng dặn dò: "Trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Lời dặn dò ấy đã giúp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp xử lý linh hoạt trong những tình huống khó khăn nhất.
Tôi còn nhớ rõ, từ sau khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu, suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình địch - ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở suy nghĩ đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán ông một nắm ngải cứu. Cuối cùng Đại tướng đi đến quyết định phải chuyển cách đánh từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Vì vậy ông đã quyết định phải họp Đảng ủy, phân tích rõ 3 khó khăn lớn của bộ đội ta lúc đó: Thứ nhất là từ trước đến nay bộ đội chủ lực của ta chỉ tiêu diệt được cao nhất là một tiểu đoàn của địch trong công sự vững chắc. Nay Tập đoàn cứ điểm có tới 12 tiểu đoàn và 49 cứ điểm; Thứ hai từ trước đến nay ta chưa có tác chiến hiệp đồng binh chủng bộ binh với pháo binh trên qui mô lớn, mà cũng chưa qua diễn tập, đã có Trung đoàn trưởng xin trả bớt pháo vì không biết phối hợp thế nào; Thứ ba là từ trước đến nay bộ đội ta quen đánh đêm, trên những trận địa dễ ẩn náu, nay đánh ngày đêm trên địa hình bằng phẳng, kẻ địch lại có ưu thế về máy bay, xe tăng. Tất cả những khó khăn nói trên ta chưa bàn cách giải quyết. Nếu đánh theo kế hoạch cũ, sẽ thất bại. Từ những phân tích đó, Đảng ủy đã biểu quyết đồng tình 100% là phải chuyển cách đánh.
10 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gặp lại nhau, khi ấy các vị tư lệnh mới nói thật suy nghĩ của mình. Đồng chí Lê Trọng Tấn khi ấy nói rằng: Nếu lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp không thay đổi cách đánh, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ mà có khi nằm lại hết ở Mường Thanh rồi.
Với tư cách vừa là một người đồng đội, đồng chí, cấp dưới, rồi còn là anh em trong một đại gia đình. Vậy, nếu chỉ nói một câu về "anh Văn” thôi, ông sẽ nói gì?
Đó là "Người anh cả của quân đội”. Nhân dịp chúc mừng "anh Văn” tròn 100 tuổi, tôi đã có mấy câu thơ tặng anh: "Hơn 100 xuân sống trên đời/ Anh đã hoàn thành nhiệm vụ Bác Hồ trao/ Cầm quân biến chiến công thành huyền thoại/ Đảng tin dân mến thế giới chào/ Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung anh toàn vẹn/ Dĩ công vi thượng một tầm cao/ Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh - tấm gương sáng/ Danh tướng của mọi thời - đáng tự hào/ Sống mãi với núi sông, sống mãi trong sử sách/ Sống mãi trong lòng dân, sống mãi với đồng bào”.
Tôi nghĩ rằng phần thưởng cao quý, đáng tự hào nhất là Đại tướng đã sống mãi trong lòng dân và sống mãi với đồng bào. Còn thế giới thì suy tôn, ngưỡng mộ, coi đó là một trong những danh tướng của mọi thời đại.
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát chiều ngày 7-5-1954
Ảnh: TL
"Lấy chí nhân thay cường bạo”
Thưa ông, từ sức mạnh của một dân tộc "Chín năm làm một Điện Biên” lừng lẫy, giờ đây, chúng ta cần phải làm gì để phát huy sức mạnh ấy?
Tôi muốn gửi một thông điệp từ thế hệ chúng tôi cho thế hệ hôm nay. Đó là chúng tôi đã làm trọn trọng trách thế hệ của "lời thề độc lập” thì giờ đây, thế hệ hôm nay phải cùng với toàn dân xóa cái nhục nghèo nàn và lạc hậu, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Ông có suy nghĩ gì về chủ nghĩa yêu nước hôm qua và hôm nay?
Trong cuốn Hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” (xuất bản lần đầu năm 2001) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc tới một nghịch lý không cắt nghĩa nổi: Tại sao một nước nhỏ mà thắng hai đế quốc to. Đây là suy nghĩ của Đại tướng và đồng thời cũng là suy nghĩ của chúng tôi. Và chính Đại tướng cũng giải thích rằng: Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa và cốt lõi của nó là chủ nghĩa yêu nước. Chính vì sức mạnh của nền văn hóa ấy mà một ngàn năm Bắc thuộc chúng ta không bị đồng hóa.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, lòng yêu nước ấy được nhân lên gấp bội và cách đánh cổ truyền của ông cha ta là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, "lấy chí nhân mà thay cường bạo” - như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo... cũng được nhân lên thành nghệ thuật đánh giặc. Qua báo Đại Đoàn Kết, tôi muốn gửi lời nhắn của thế hệ chúng tôi đến thế hệ hôm nay: Hãy phát huy đến cùng chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ Việt Nam là bài học vĩnh hằng.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này!
Tweet