Khát vọng của người thanh niên nhiễm chất độc da cam

17:43 09/08/2011     2548

Công tác giáo dục   Với Nguyễn Ngọc Phương, học được một nghề, có được một công việc không đơn thuần là kế sinh nhai mà còn là khát vọng được thấy mình có ý nghĩa.
Thầy Nguyễn Ngọc Phương trong một giờ lên lớp ở Trung tâm.
Thầy Nguyễn Ngọc Phương trong một giờ lên lớp ở Trung tâm.
Nguyễn Ngọc Phương (Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam), 31 tuổi, cao 90cm, nặng 20kg - di chứng của chất độc da cam từ người cha vốn trước đây là bộ đội ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị đã vượt lên số phận, trở thành chỗ dựa của những người thân trong gia đình, là tấm gương về nghị lực sống cho hàng trăm trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

Lọt lòng mẹ, cậu bé Nguyễn Ngọc Phương chỉ nặng 800gram, dài 20 cm. Phương được nuôi nấng trong tình thương, sự phập phồng và cả nỗi ngậm ngùi của ba mẹ và bà ngoại.

Cho đến khi lên 3 tuổi, Phương cũng chỉ nằm trên giường, không bò, không trườn, chân tay rất yếu. Ba Phương, sau nhiều đêm trằn trọc, đã quyết định đóng một cũi xe bằng gỗ, có gắn bánh xe rồi đặt con vào đấy. “Xe chạy thì chân mình buộc phải cử động theo. Rồi chân cũng cứng cáp dần lên, nhờ thế mới biết đi”, Phương kể lại.

Đến tuổi đi học, như bao bạn bè cùng trang lứa, Phương cũng cắp sách đến trường. Chặng đường 5 km vùng đồi núi, lại phải vượt qua một con suối là sự thách thức lớn đối với cậu bé tí hon. “Cứ ba bước chân của mình thì mới bằng một bước của các bạn, không ít lần ngã dúi dụi vì phải mang nặng”. Thế vẫn chưa khổ bằng cái cảm giác bị bạn bè kỳ thị, bởi Phương không thể ngồi chung bàn với bạn, do cơ thể quá bé nhỏ. May sao, có các cô giáo trong trường quan tâm, giúp đỡ nên Phương thấy bớt tủi thân.

Học hết một học kỳ, Phương được “đặc cách” lên học lớp 2 nhờ sáng dạ, tiếp thu nhanh. Lên lớp 3, trường làng chuyển ra trung tâm xã, chặng đường đến trường dài thêm là một trở ngại quá lớn đối với Phương. Không có điều kiện để trọ học, cánh cổng trường đã khép lại đối với Phương. Đằng đẵng suốt 8 năm trời sau đó là những chuỗi ngày u buồn của cậu bé dị tật.

Đã không ít lần mình nghĩ đến cái chết. Nhưng chính sự khổ cực chăm bẵm của ba mẹ đã trì níu mình lại, giọng Phương chùng xuống. Mười lăm tuổi, Phương quyết định phải sống khác đi, ít nhất là phải vượt qua sự cùng quẫn tinh thần, Phương tự đặt ra quyết tâm.

Khởi nghiệp, Nguyễn Ngọc Phương học nghề bơm hộp quẹt ga do một ông chủ cũng khuyết tật hai chân truyền cho. Làm được một thời gian, thấy thu nhập quá ít ỏi, không đủ phụ giúp gia đình, Phương chuyển sang học sửa đồng hồ, mài mắt kính… Dẫu vậy, đời sống gia đình Phương với 8 miệng ăn vẫn rất khó khăn, Phương quyết định vào TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm - để có thể đỡ đần nhiều hơn cho ba mẹ.

Vài dòng thông tin ngắn gọn của Phương tại một trung tâm giới thiệu việc làm: “Nam, cao 90cm, nặng 20kg, có kinh nghiệm nghề sửa đồng hồ, đồ điện tử…” đã khiến ông chủ tiệm sửa chữa điện cơ Cát Tín tò mò. Ông nhận Phương về dạy nghề với suy nghĩ nếu sau một tháng, Phương không thể học việc được thì sẽ cho cậu tiền lộ phí để về quê. Việc ăn ở của Phương cũng được tạo điều kiện hết mức, lối đi, đồ đạc trong nhà cũng được ông thay đổi, điều chỉnh vừa tầm với Phương. Với sự nỗ lực, chăm chỉ và sáng dạ, thời gian làm việc tại tiệm điện cơ Cát Tín của Phương kéo dài đến 8 năm, cho đến khi Phương quyết định trở về Đà Nẵng lập nghiệp.



Nguyễn Ngọc Phương với  nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.


Phương kể về ông chủ với tất cả sự trân trọng, bởi đó là ân nhân của anh- người đã thắp lên trong anh khát vọng được sống và cống hiến. “Nhờ lao động mà mình có được mọi thứ, được giao lưu với thế giới bên ngoài, rũ bỏ sự mặc cảm, được thấy mình là người có ích, và chiến thắng được bệnh tật”. Suốt gần chục năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, tháng nào Phương cũng chắt bóp, gửi tiền về phụ giúp ba mẹ sửa sang nhà cửa, nuôi em ăn học.

Năm 2008 anh về Đà Nẵng, vừa đảm nhận việc dạy nghề ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, vừa làm chủ cơ sở riêng (Phương Tín – 341 Âu Cơ, Hoà Khánh Bắc, Đà Nẵng) với hai học trò chuyên làm mobine xe máy, sửa xe và các thiết bị điện dân dụng. Chiếc xe máy ba bánh tự chế của anh như con thoi, di chuyển hơn chục cây số đi đi về về giữa trung tâm và tiệm sửa chữa, rồi giao nhận hàng cho khách…

Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, cho biết, nhiều em thấy thầy Phương cũng giống mình nhưng làm được nhiều việc thì rất ngưỡng mộ, rồi cứ xin học nghề của thầy Phương. Phương chính là tấm gương giúp tôi động viên tất cả các em tại trung tâm.

Lớp học lúc ấy chỉ có khoảng chục học sinh, giờ đã là 56.

Đầu năm nay, do công việc của Trung tâm rất bận, vừa làm thầy dạy, vừa làm cán bộ công tác xã hội, anh đã chủ động đóng cửa cơ sở sửa chữa để chuyên tâm hơn vì những mảnh đời bất hạnh, nhưng trong trái tim anh luôn ghi nhớ đến công ơn của người thầy Cát Tín. Anh tự nhủ thầm, một ngày nào đó, khi không còn sức để đến Trung tâm dạy bọn trẻ, thì cơ sở Phương Tín (gắn tên của Phương và thầy) sẽ lại mở cửa hoạt động.