Huy chương vàng nhảy xa tiếp sức cho cô học trò khiếm thị

10:59 08/01/2014     1181

Công tác giáo dục   Mù hai mắt, Nghiêm Thu Loan xuất sắc đoạt huy chương vàng môn nhảy xa trong Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc 2013 vừa diễn ra tại Thái Nguyên.
Còn nguyên cảm giác lâng lâng, Loan chia sẻ đoạt được huy chương vàng là điều rất bất ngờ. Trước đó, cô học trò lớp 8A2, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) nằm trong danh sách đội kéo co. Trong quá trình luyện tập, một lần Loan thử sức với đội bật xa. Thấy học trò có khả năng ở bộ môn này, huấn luyện viên đã đưa em vào đội tuyển bật xa của đoàn TP Hà Nội để đi hội thao.

Bước vào thi đấu, không nhìn thấy đường nhưng Loan dùng hết sức lấy đà, bật xa tại chỗ và đạt thành tích 1,98 m. "Tấm huy chương vàng làm em cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, có hy vọng hơn vì đó là sự nỗ lực hết sức suốt một tháng luyện tập", Loan hào hứng kể.

a
Nghiêm Thu Loan giành HC vàng môn nhảy xa tại Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc 2013

Loan sinh ra ở vùng quê Ứng Hòa, Hà Nội. Nhà có ba chị em, Loan và chị gái đều bị bệnh glocom bẩm sinh nên khả năng nhìn kém. Cuộc sống vất vả khiến gia đình nhỏ bé của Loan nổi cơn sóng gió. Cuối cùng, bố mẹ Loan chia tay. Tuổi thơ hai chị em gắn liền với những đợt điều trị mắt kéo dài. Cô chị gái giữ được 1/10 thị lực, còn mắt Loan bị bong võng mạc, đục thủy tinh thể.

Khiếm thị, lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ nhưng cô học trò vẫn cố gắng đến trường. So với bạn bè cùng trang lứa, Loan học khá hơn dù mắt phải không nhìn thấy, mắt trái thấy mọi vật rất mờ. Năm em học lớp 4, một lần rút quần áo, Loan vấp ngã và bị thanh thép chọc vào mắt trái. Từ đó, Loan vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Thời gian điều trị và dưỡng sức sau mổ kéo dài, em đành nghỉ học ở nhà. Loan "học vẹt" kiến thức từ người chị gái lớp lớn hơn.

Vết mổ ổn định, Loan quay lại trường học. Cô trò nhỏ nhớ như in hình ảnh mình dò dẫm tìm đường đi, còn bạn bè xúm lại trước mặt để trêu. "Nếu lúc đó, bạn bè đưa tay ra đỡ, chắc em đã bật khóc vì tủi thân. Nhưng họ làm vậy chỉ khiến em có thêm động lực quyết tâm tới trường. Em cũng chưa bao giờ khóc vì bị bạn bè trêu bởi điều đó không xứng đáng", Loan nhớ lại cảm giác năm xưa.

Năm 2009, Loan vào học ở Thành hội người mù Hà Nội. Sau đó, em chuyển sang học cấp 2 ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Gặp được những hoàn cảnh giống mình, em hòa nhập khá nhanh. Cô Nguyễn Thanh Hương, Quản lý học sinh khiếm thị của trường, cho biết Loan hoạt động trong Ban cán bộ học sinh khiếm thị của trường. Em rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động và được thầy cô yêu quý.

F
Niềm vui sau mỗi giờ học của Loan là được nghe người bạn cùng phòng gảy đàn tranh

Liên tục từ năm học lớp 6 đến nay, Loan đều là học sinh khá giỏi. Lúc đầu, Loan thích những môn học tự nhiên nhưng em đầu tư học ngoại ngữ hơn vì thấy cần thiết cho cuộc sống sau này. Sở trường môn Văn, sở thích tiếng Anh, cô học trò mong muốn sau này trở thành dịch giả. Công việc đó hoàn toàn phù hợp với người khiếm thị như em. "Em muốn cố gắng thật nhiều để có thể bật xa trong cuộc sống sau này, như khi em giành tấm huy chương trong hội thao", Loan chia sẻ.

Được tiếp sức từ thầy cô, bạn bè nên Loan không thấy tự ti. Trong trường, thầy Hiếu, cô Na là những người em ngưỡng mộ nhất. Các thầy cô đều bị khiếm thị nhưng sống nghị lực, tài năng, tình cảm và luôn dành cho học sinh những điều tốt đẹp nhất.

Với Loan, những người bạn cùng phòng nội trú không khác gì người thân. Phòng có 10 người, đến từ nhiều vùng quê nhưng các em cùng chung nỗi đau không nhìn thấy ánh sáng. Loan thân nhất với Trần Thùy Trang, nữ sinh khiếm thị mê đàn tranh. Trang hay gảy đàn cho Loan cùng nghe. Mỗi khi nghe tiếng đàn, cảm giác nhớ nhà lại tan biến.

Loan kể, mẹ vẫn thường tới thăm và mua quà cho con gái. Cuối tuần được nghỉ, bố lên đón về nhà chơi. Bố mẹ không ở cạnh nhau nhưng vẫn luôn bên con gái. Bố em giờ có thêm người chăm sóc, nhà cửa cũng được vun vén nên Loan yên tâm phần nào. Người mẹ kế cũng thương mấy chị em, cho tiền đi học, mua quần áo nên em cảm thấy vui mỗi khi trở về nhà.

"Cuộc đời lấy đi của em đôi mắt, bù lại cho em tình thương từ gia đình, bạn bè, thầy cô. Em chỉ mong sao được mãi yêu thương như thế thì em mới tự tin nói câu I can do it", cô học trò 16 tuổi ước mong.