Hội thảo “Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam”

10:51 20/04/2013     2392

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày 19/4 tại Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam năm 2013.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Hồ Anh Tuấn,Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng sự tham gia có 80 thanh niên đại diện cho 45 dân tộc thiểu số về dự các hoạt động chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và Năm Gia đình Việt Nam 2013.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu tích cực trình bày những tâm tư của mình về những vấn đề liên quan tới văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa gia đình hiện nay nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều xoay quanh các vấn đề còn tồn tại và bày tỏ mong muốn được giúp đỡ để giải quyết chứ không đại biểu nào nêu được các kinh nghiệm để những người khác có thể học tập, áp dụng vào thực tiễn. Vấn đề nổi bật được nêu trong hội thảo lại là những băn khoăn của các đại biểu về những hủ tục, hạn chế vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc mình.

Có mặt tại Hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa, GS Đặng Hải Thanh đặt vấn đề, đối với tất cả các dân tộc, gia đình đều rất quan trọng, không riêng gì người Việt Nam. Giáo dục một con người diễn ra trong gia đình là chính nhưng gia đình lại đang có xu hướng tan dã.
Các đại biểu dân tộc tham gia hội thảo
Các đại biểu dân tộc tham dự hội thảo

Với sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Nông Thế Việt, anh vui mừng cho biết dân tộc Tày (Cao Bằng) nơi anh sinh sống, 3-4 thế hệ vẫn sống chung dưới một mái nhà, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, Việt cảm thấy lo ngại khi lớp trẻ giờ hay sa đà vào game, internet nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng trở nên lỏng lẻo.

Lương Thị Mai Huyền, người Thái ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An bày tỏ trăn trở trước việc dân tộc Ơ đu, một dân tộc rất ít người ở huyện của cô hiện không có tiếng nói, chữ viết riêng, không còn giữ được phong tục tập quán mà phải mượn của dân tộc Thái. Mai Huyền mong muốn các cấp lãnh đạo có biện pháp nào giúp đỡ bà con Ơ đu khôi phục được tiếng nói, chữ viết và lưu giữ được các giá trị văn hóa của mình.
Lương Thị Thanh Huyền rất buồn khi được biết khó có biện pháp nào giúp dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương (Nghệ An) khôi phục được tiếng nói, chữ viết và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Lương Thị Mai Huyền rất buồn khi được biết khó có biện pháp nào giúp dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương (Nghệ An) khôi phục được tiếng nói, chữ viết và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Một đại biểu thanh niên người Chăm chứng kiến mỗi lần có ai chết phải mổ trâu rất tốn kém đã kiến nghị với các nhà quản lý văn hóa có mặt tại Hội thảo có sự can thiệp để đám ma tổ chức làm yên lòng người đã mất nhưng cũng không làm cho người sống phải khốn đốn vì lo hậu sự.

Đại biểu Pờ Pó Mé, người Si La ở Lai Châu đề nghị có chính sách nào giúp đàn ông dân tộc mình cùng chịu khó làm ăn với vợ vì phụ nữ Si La là lao động chính trong gia đình, còn đàn ông hay rượu chè, không lên nương rẫy. Đại biểu này cũng bày tỏ mong muốn có chính sách giúp thanh niên phát triển kinh tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Pờ Pó Mé, người dân tộc Si La ở Lai Châu
Pờ Pó Mé, người dân tộc Si La ở Lai Châu

Cùng bàn về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, cô gái người Lô Lô Lục Thị Miên từ Mèo Vạc, Hà Giang cũng thể hiện sự lo lắng trước tình trạng nhiều thanh niên địa phương sang Trung Quốc làm ăn khiến gia đình thiếu vắng, con trẻ phải nhờ cậy vào ông bà chăm lo, dạy dỗ.

Trước nhiều nét văn hóa đang bị mai một, chị Mạc Thị Tím, dân tộc Ơ đu là một bí thư chi bộ cho biết đang rất nỗ lực để vận động những người có tuổi nói tiếng nói của dân tộc mình và truyền dạy cho con cháu.

Tại hội thảo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phần nào giúp các đại biểu trẻ tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Còn với trường hợp dân tộc Ơ đu hiện chỉ còn chưa tới 1.000 người thì Giáo sư Tô Ngọc Thanh đành bày tỏ sự tiếc nuối với cô gái Thái - Mai Huyền là dân tộc dưới 5.000 người thì không thể giữ được văn hóa truyền thống vì các dân tộc này bắt buộc phải giao lưu, kết hôn, dung hợp cùng các dân tộc khác. Hơn thế nữa, các nét văn hóa truyền thống đã mai một,  không ai còn nhớ nữa thì việc khôi phục, duy trì là không thể.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, trách nhiệm phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là từ nhiều phía. Một mặt là các cơ quan nhà nước, các chuyên gia… mặt khác là ở ngay chính các thanh niên dân tộc thiểu số. “Mỗi thanh niên các dân tộc thiểu số ở đây đều là những người tiêu biểu, khi trở về địa phương hãy lắng nghe cộng đồng, trăn trở với những vấn đề của đồng bào dân tộc mình để tiếp tục góp ý kiến phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Dịp này, thanh niên các dân tộc thiểu số đã hiến tặng các hiện vật đặc trưng của dân tộc mình cho Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam.