Hội thảo đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên.

08:03 12/12/2011     2226

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sáng ngày 10/12/2011 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên TP Hà Nội, Trung ương Đoàn đã tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên.
Theo báo cáo Hội thảo, xu hướng của thanh niên hiện nay đi học nghề (57,0%) và đi xuất khẩu lao động (41,2%), trong đó thanh niên nông thôn có mong muốn đi học nghề là khá lớn (71,7%). Xu hướng đi lao động phổ thông là không nhiều trong thanh niên (21,3%).

a
Đ/c Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Thanh niên Nông thôn
Trung ương Đoàn phát biểu
tại Hội thảo

Thanh niên hiện nay có xu hướng chọn nhóm nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhiều nhất (67,9%), biểu hiện rõ nét hơn ở nhóm thanh niên học sinh (80,5%) và sinh viên (67,9%). Trong đó thanh niên viên chức và học sinh có xu hướng lựa chọn nghề công chức nhiều hơn, thanh niên nông thôn và công nhân có xu hướng lựa chọn nghề công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp nhiều hơn. Rất ít thanh niên lựa chọn công việc nghiên cứu khoa học (11,5%) và hoạt động chính trị (12,4%).

Tính đến 30/6/2011, các tỉnh, thành Đoàn trong cả nước nhận ủy thác cho vay Chương trình tín dụng HSSV đạt 2.068,567 tỷ đồng. Có 13 tỉnh dư nợ trên 50 tỷ đồng và 04 tỉnh có dư nợ dưới 5 tỷ đồng.

Theo đ/c Hà Văn Chung, Giám đốc TT Hỗ trợ Phát triển Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai và thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện giúp thanh niên hộ nghèo, cận nghèo, gia đình gặp khó khăn về kinh tế được vay vốn ưu đãi để học tập, học nghề và tạo việc làm.

Đ/c Chung nhận xét: Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với học sinh, sinh viên đến người dân đã được làm tốt. Hầu hết các đối tượng được thụ hưởng đều biết và tiếp cận được chính sách này. Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh đã làm tốt.

Khởi nghiệp với số vốn vay 45 triệu đồng từ kênh 120 của Đoàn, anh Bạch Tuấn Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại và XNK Hà Đông khẳng định: Nguồn vốn hỗ trợ việc làm là chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một kênh có hiệu quả đối với đối tượng thanh niên đang trên đường lập thân lập nghiệp.

Tuấn Anh nêu ý kiến, nhu cầu vay vốn việc làm là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn này còn quá ít so với nhu cầu vay thực tế, có phần nào mang tính phong trào, hình thức làm hàng loạt cho đủ chỉ tiêu

Với đ/c Chung, những khó khăn đó là cho vay HSSV mang tính thời vụ, thường vào đầu năm học và đầu học kỳ với số lượng lớn và thời gian cho vay ngắn. Trung bình mỗi năm cần 10.000 đến 12.000 tỷ đồng cho vay mới.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu xuất phát từ từ thực tiễn tại địa phương phân tích, đánh giá về sự đầy đủ, hợp lý và khả thi của chính sách dạy nghề giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong đó hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên trong chọn nghề, tìm và tạo việc làm tuy đã được đẩy mạnh nhưng trên thực tế hoạt động này hiệu quả chưa cao, nhất là hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường; Chế độ chính sách đối với lao động làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn chưa thực sự hấp dẫn với lớp trẻ, khiến cho nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về làm việc ở địa phương, gây nên sức ép về việc làm ở các thành thị, là một trong những nguyên nhân tạo sức ép cho các thành phố lớn. Chính sách cho thanh niên vay vốn để phát triển sản xuất tạo việc làm còn thấp, đối tượng cho vay còn hẹp, thủ tục và điều kiện của người được vay còn phức tạp...Các dự án cho vay giải quyết việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm trên 50%), nhưng chủ yếu là các dự án nhỏ nên nhìn chung chưa tạo ra nhiều việc làm mới. Vì vậy, nhiều thanh niên khó khăn, có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất tạo việc làm nhưng lại không được vay vốn...

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và xây dựng, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến mang tính thực tiễn, đóng góp cho Hội thảo nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên.