Hội nghị Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 7, Khóa VIII

09:49 22/02/2012     2280

Công tác giáo dục   ĐTN: ngày 20/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 7. Khóa VIII. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào sinh viên học kỳ 1 năm hoạc 2011-2012; dự thảo báo cáo chuyên đền một số nét cơ bản về thực trạng và giải pháp tập hợp đoàn kết sinh viên qua Internet…

Hội nghị cũng cho ý kiến về đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ IX; kế hoạch tổ chức Chiến dịch Sinh viên tình nguyện hè 2012; sửa đổi bổ sung Quy chế Giải thưởng Sao Tháng giêng và một số định hướng nội dung Hội nghị BCH Trung ương Hội lần thứ 6 – khóa VIII.

Đề cập tới vấn đề gây khó khăn đối với sinh viên hiện nay đó là việc tăng giá phòng trọ, khó kiếm được việc làm, sinh viên bị tác động bởi những đối tượng xấu, một số ý kiến bày tỏ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các ngành, cơ quan liên quan. Thực tế, dù tổ chức Hội đã có những giải pháp, việc làm cụ thể nhưng về cơ bản, chưa giải quyết được tình hình.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Phó Bí thư thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:  SV TP HCM không nằm ngoài tình hình khó khăn trong việc phải ở trọ. “Ký túc xá không đáp ứng đủ nhu cầu, phần lớn SV phải thuê trọ ở ngoài. Kinh tế lạm phát, SV càng khó khăn khi đối mặt với vấn đề tăng giá tiền nhà, chủ nhà trọ chèn ép giá điện, nước”, Năm 2011, đại diện tổ chức Hội ở TP HCM đã đi gặp gỡ, vận động 450 chủ nhà trọ cam kết không tăng giá nhà, tăng cường an ninh để hạn chế các vấn đề phát sinh.

“SV sống trọ, có không ít vấn đề như trộm cắp, sống thử, gây lộn phát sinh tuy nhiên khi đi khảo sát thực tế các khu trọ, mới thấy SV đang phải chịu tác động bởi môi trường xung quanh có nhiều đối tượng phức tạp khác”, anh Phong báo cáo. Vấn đề trên cũng là tình trạng chung của các tỉnh, TP lớn nơi quy tụ SV của các tỉnh, thành khác, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Tp. Đà Nẵng, cho rằng, SV miền trung có đời sống khó khăn hơn, cơ hội việc làm ít. Đánh giá cán bộ Hội trong các đơn vị chưa thực sự dành thời gian để sáng tạo ra các chương trình, hoạt động hay. “Trong cuộc vận động SV 5 tốt, SV rất nỗ lực để đạt được danh hiệu nhưng Hội lại chưa thể hiện vai trò cầu nối với các doanh nghiệp để ưu tiên cộng điểm khi SV đi xin việc”, anh Triết chia sẻ.

Đánh giá cao hiệu quả của cuộc vận động Sinh viên 5 tốt khi ở hầu khắp các trường, sinh viên đã nỗ lực nhiều hơn để đạt được danh hiệu nhưng nhiều đại biểu chưa hài lòng bởi việc tận dụng tối đa mạng Internet để tập hợp, đoàn kết sinh viên. Mặc dù có tới 90% sinh viên sử dụng internet với thời lượng trung bình 40-60 phút/ngày, đặc biệt thanh niên trong độ tuổi 25-35 tham gia mạng xã hội chiếm 2/3 số người dùng (khảo sát năm 2011) nhưng thực tế, tổ chức Hội vẫn còn khó khăn khi tiếp cận với sinh viên. Việc quản lý, hướng dẫn, đưa thông tin đến với sinh viên thông qua các hộp thư điện tử mới chỉ được thực hiện ở một số tổ chức Hội ở các trường.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu,
tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN kết luận, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Sinh viên 5 tốt, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh cho sinh viên; đẩy mạnh các hoạt động sinh viên tình nguyện về an toàn giao thông, tiếp sức mùa thi; tăng cường thành lập tổ chức Hội ở cơ sở gắn liền với tổ chức các hoạt động sôi nổi, có chiều sâu, phù hợp với nguyện vọng của sinh viên.