Học trò nghèo bươn chải mưu sinh
09:14 30/07/2011 2558
Công tác giáo dục Không chỉ học giỏi, những cô cậu học trò nghèo còn bươn chải mưu sinh khi đang tuổi ăn tuổi học. Để được đến lớp, các em đã có một nghị lực lớn lao và sức chịu đựng bền bỉ với tinh thần ham học khó hình dung hết.
|
Buổi đi học, buổi chăn trâu mướn
Học bổng - Giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” sẽ trao 140 suất cho các em học sinh nghèo vượt khó từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 29-7. Mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng và các em được ban tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở để ra Hà Nội nhận giải. Dịp này, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 10 tác giả đã có bài viết giới thiệu gương học sinh vượt khó đoạt giải.
Thương ba mẹ vất vả, cô học trò lớp 7E Trường THCS Thị Trấn, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) Nguyễn Ngọc Duyên nhận chăn bò thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trao 140 suất học bổng
Con đường ngoằn ngoèo từ xã Suối Đá vào nhà Nguyễn Ngọc Duyên ở đảo Lòng Hồ lầy lội chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy là đường em đi học mỗi ngày. Duyên nói mùa khô cực nhưng còn dễ đi, chứ đến ngày mưa thì dở khóc dở cười. Rồi đến mùa nước lớn từ tháng 8 đến tháng 10 chỉ có thể đi học bằng xuồng, khi đó ngôi nhà dựng tạm của gia đình đã trở thành “ốc đảo” giữa biển nước. Có hôm sóng lớn quá, đánh lật cả thuyền khiến hai cha con rơi xuống nước, sách vở ướt hết.
Căn chòi tạm bợ giữa đảo Lòng Hồ đủ che nắng chứ không che được mưa là nơi cả gia đình Duyên sinh sống. Thu nhập chính của gia đình Duyên là đặt lờ kiếm con cá, con tép. Đỡ đần cho ba mẹ, hai anh em Duyên nhận chăn đàn trâu hơn 10 con với tiền công 3.000 đồng/con/ngày. Chăn tốt sẽ được chủ trâu thưởng thêm, nhưng nếu chẳng may trâu bỏ ăn, trâu bệnh là bị trừ vào tiền công.
Buổi tối, chiếc đèn dầu là “bạn thân” của Duyên vì nhà chưa có điện. “Em chỉ biết cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ và chăn trâu kiếm thêm thu nhập cho gia đình để mong vẫn được đến trường” - cô học trò có nước da rám nắng bộc bạch.
Phận trò mồ côi
|
Khóm 2, thị trấn Tam Bình (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), nơi cậu học trò Phạm Văn Minh - lớp 8A8 Trường THCS Thị Trấn Tam Bình - ở được người dân nơi đây quen gọi là xóm ve chai vì người tứ xứ về đây cùng làm chung một nghề: lượm ve chai.
Ba Minh mới mất năm ngoái vì bệnh phổi, để lại ba mẹ con và bà ngoại. Từ đó, gánh ve chai của bà Phạm Thị Kim Loan - mẹ của Minh - nuôi bốn miệng ăn. Còn Minh ngoài giờ học và những lúc rảnh rỗi thường nhận vé số đi bán, hay cùng đám bạn trong xóm vác bao đi lượm ve chai kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trong nhà, chiếc bàn học của hai anh em hay sách học của Minh cũng được mua từ vựa ve chai. “Nhìn thằng nhỏ ngoan hiền lại biết đi bán vé số, lượm ve chai phụ mẹ mà tui rớt nước mắt” - bà Bùi Thị Chín, một hàng xóm, cho biết.
Còn Bùi Thị Thúy Quyên - cô học trò lớp 10 Trường THPT Châu Văn Liêm, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang - mồ côi cha từ năm lên 9 tuổi trong khi mẹ bỏ đi từ trước đó ba năm. Hai chị em Quyên từ nhỏ phải sống dựa vào sự đùm bọc của bà nội nay đã 72 tuổi, cùng tình thương của hàng xóm láng giềng. Người thương tình cho nắm rau con cá, người tặng vài quyển tập, đôi ba bộ quần áo cũ cho Quyên và em.
|
Một ngày của hai bà cháu Quyên bắt đầu lúc 2g sáng với việc lấy giá từ trong lu ngâm đêm trước ra lựa và phân loại. 4g30 Quyên đã tất tả đội giá ra chợ ngồi bán. Hình ảnh cô học trò ngồi bán giá ở chợ trong xã đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Ngày may mắn 20kg giá làm ra không bị hư và bán hết, bà cháu Quyên lời chừng 30.000 đồng, nhưng cũng có ngày giá hư hay bán ế coi như lỗ âm vào vốn.
Mỗi cô cậu học trò nghèo là một hoàn cảnh éo le trong cuộc sống, nhưng các em có một điểm chung là nghị lực vượt khó đi lên, không nề hà khó khăn, mất mát để phấn đấu học giỏi và nên người.
Tweet