Học chữ ở bản vùng biên
23:55 08/09/2011 2504
Công tác giáo dục Đầu năm học mới, hàng trăm học sinh ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hoá) phải đi bộ vài chục cây số đường rừng để đến trường. Trong những căn lều trọ học, bữa ăn của học sinh chỉ có cơm, muối trắng và rổ rau rừng...
Nằm cách thành phố Thanh Hoá hơn 300 km, Mường Lý được coi là xã nghèo nhất huyện biên giới vùng cao Mường Lát. Xã này sở hữu nhiều cái không nhất của tỉnh Thanh Hoá: không đường ôtô vào trung tâm xã, không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, không chợ búa... Em Giàng A Sáu, học sinh lớp 8B, trường THCS Mường Lý cho biết, nhà em tận bản Suối Uốn, cách trường hơn 17 km. Đầu năm học mới em được bố mẹ dẫn đi bộ đến trường, sau đó bố mẹ ở lại vài ngày cùng em vào rừng chặt tre nứa dựng lều ven triền sông Mã để em trọ học suốt một năm. Trong căn lều của Sáu còn có 2 bạn cùng trọ học là Mùa A Chệch và Giàng A Dũng đều đang học lớp 9. Cả ba đều là người dân tộc Mông, trú tại bản Suối Uốn. Hành trang “tầm sư học đạo” của các em chỉ vẻn vẹn mấy cuốn sách, vài ba bộ quần áo cũ kỹ, chiếc chăn chiên mỏng treo lủng lẳng bên vách lều. Các em không có chiếu nằm mà phải ngủ trên sàn lều được ghép bằng những thanh nứa sơ sài. Bữa trưa của đám học trò nghèo ngoài cơm, chỉ có bát măng rừng, vài ba quả chuối xanh, quả sung và bát muối trắng đã chuyển màu vàng ố. Nhìn niêu cơm khô khốc, Giàng A Sáu vẫn cười hồn nhiên khoe: "May bữa nay còn kiếm được măng rừng mà ăn đấy, nhiều hôm chúng em phải ăn cơm với muối trắng không thôi”. Sáu kể, nhà các bạn trong lớp ở bản Sài Khao, Trung Tiến, Xì Lồ... cách trường 15-20 km. Có bạn nhà cách trường tới 26 km đường rừng nên phải cắt rừng, đi bộ men theo các con đường mòn trên đỉnh đồi để đến lớp. Vào cuối tuần, các em lại cuốc bộ về nhà gùi gạo xuống tự nấu ăn. Gia đình nào có điều kiện thì cho con thêm 10.000-20.000 đồng mỗi tháng để xuống trường mua vài con cá khô, miếng đậu phụ cải thiện. Còn hầu hết chỉ gom góp đủ gạo cho con mang đi trọ học ở trường. Nhiều bạn nhà quá nghèo, gạo không đủ ăn, nên có khi bị đói. Sáu kể: "Tụi em không bao giờ biết đến bữa sáng, vì gia đình có đủ gạo ăn hai bữa chính là tốt lắm rồi. Ngày nghỉ học, hôm nào không về nhà lấy gạo thì các em lại rủ nhau lên rừng hái rau dại, đào củ măng, lấy trứng kiến hay lội xuống suối bắt con nòng nọc để ăn cho đỡ xót ruột". Vì không có điện cũng không có tiền mua nến, mua dầu hỏa thắp cho cả tháng nên các em đành tranh thủ ánh sáng mặt trời để học bài trước khi trời tối. "Biết là rất khó khăn, nhưng tụi em cố gắng bám lớp, học được cái chữ mong sau này thoát khỏi đói nghèo”, Sáu nói.
Gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở huyện vùng cao Mường Lát gần 15 năm nay, thầy giáo Trần Văn Hào, nguyên hiệu trưởng trường THCS Mường Lý, cho biết Mường Lý là xã khó khăn nhất huyện Mường Lát, giáo viên lên đây công tác thiếu thốn trăm bề vì giá cả sinh hoạt ở địa phương thường đắt gấp đôi so với thị trấn huyện (thị trấn Mường Lát cách Mường Lý hơn 30 km). "Rau xanh là đồ ăn xa xỉ vì đất trồng rau rất hiếm, bởi toàn đồi núi cằn cỗi. Thịt lợn, thịt bò là niềm ước mơ của thầy trò chúng tôi", thầy Hào kể. Vì vậy, mỗi lần về quê, khi lên trường các thầy cô không quên mang theo các đồ dùng cần thiết như kem đánh răng, dầu gội đầu, pin đèn, nến, cá khô. Theo thầy Hào, do trường chưa có đủ nhà ở nội trú cho học sinh nên các em phải tự dựng lều trọ học, rất vất vả. Mùa mưa thì lo lũ quét, lũ ống hất lều xuống sông Mã. Mùa khô thì lo cháy, thiếu nước sinh hoạt. Năm học trước, có em bị đau ruột thừa vào ban đêm. Khi thầy giáo biết đưa em lên bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu, nhưng em đã tử vong dọc đường vì đường đất khó đi và quá muộn. Có em đi lấy nước sinh hoạt ở sông Mã bị trượt chân rơi xuống chết đuối... Năm học vừa qua, Trường THCS Mường Lý được đầu tư gần 6 tỷ đồng xây khu bán trú dân nuôi gồm 2 dãy nhà cấp 4 (20 phòng), đủ nơi ở cho khoảng 200 học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Hào thì dù có khu bán trú hiện còn gần 100 học sinh vẫn phải ở trong những căn lều tạm quanh trường. Vì 200 chỗ trong nhà bán trú chỉ đủ ưu tiên cho học sinh tiểu học và lớp 6-7. Xã Mường Lý hiện có ba dân tộc thiểu số là Mông, Mường, Thái cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Mông chiếm đa số. Theo lãnh đạo huyện, đây là xã có tỷ lệ đói nghèo cao nhất tỉnh. Nguyên nhân là đồng bào thiếu đất canh tác lúa nước, cả xã chỉ có 6 ha ruộng nước. Bà con chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn, mỗi năm chỉ trồng tỉa được một vụ nên thiếu đói lương thực triền miên. Hằng năm tỉnh Thanh Hóa phải cấp từ hai đến ba đợt gạo cứu đói cho nhân dân Mường Lý. Do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn học sinh trong xã chỉ học hết bậc THCS là bỏ học ở nhà lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Theo VNE
|
||