Hiệp sĩ chống 'đinh tặc'

16:45 28/08/2012     1706

Công tác giáo dục   Dưới cái nắng cháy da, mồ hôi đẫm lưng, anh Phạm Công Xuân cần mẫn chạy xe máy dọc quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Dương để hút đinh. Thi thoảng, anh lại nhận được tin nhắn đe dọa: “Mày có thích mã tấu không?”.

>Những người chống 'đinh tặc'

Tuyến quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Dĩ An vốn là "điểm tử thần" vì nạn rải đinh, nhiều xe bị vướng đinh, "nhẹ thì thủng lốp, nặng thì đâm xe", ngay cả bản thân anh Xuân cũng bức xúc vì có lần phải dắt xe tìm chỗ vá.

Ấn tượng mạnh nhất với anh Xuân là vụ tai nạn của một chiếc xe máy khi đổ dốc. Lần đó, chiếc xe máy bị mất lái do vướng đinh, người chồng bị chấn thương sọ não, người vợ bị gãy tay, anh Xuân cùng một người đi đường nỗ lực đưa hai người đi cấp cứu tại TP HCM. Nỗi đau của gia đình đó khiến anh Xuân thấy cần phải làm gì đó giúp cho cộng đồng chống lại nạn đinh tặc.

Anh Phạm Công Xuân trong những ngày ra Hà Nội nhận bằng khen của Phó thủ tướng. Ảnh: Đoàn Loan.

Thế là anh mày mò chế ra chiếc xe hút đinh, cải tiến bằng chiếc xe máy của mình, đuôi xe gắn một "rơ mooc" nhôm dài 2 m, có 14 cục nam châm giáp mặt đất đủ để hút đinh. Phía sau xe gắn tấm bảng có dòng chữ "Xe hút đinh chung sức với cộng đồng".

Sau đó hàng ngày, từ 6h sáng, anh bỏ quán cà phê cho vợ trông nom rồi dắt xe lên đường đến giữa trưa. Bỏ tiền túi ra mua xăng, đội cái nắng nóng thiêu đốt giữa trưa nắng để đến các điểm "nóng" về nạn đinh tặc, cần mẫn hút đinh.

Gương mặt sạm đen vì nắng gió, anh chia sẻ, từ thông tin về những tuyến đường có nạn rải đinh qua báo chí và qua nhiều bà con lân cận, anh xây dựng kế hoạch và lịch trình. Cứ như thế, biết đường nào xuất hiện đinh là anh đưa xe hút tới ngay. Khi thì làm ở Bình Dương, lúc lại lên TP HCM. Trung bình mỗi buổi anh đi qua khoảng 50km, thu được gần 2 kg đinh trên đường.

Hình ảnh người đàn ông nước da bánh mật đi chiếc Dream cũ gắn cái “rơmoóc” phía sau cần mẫn hút đinh ngang dọc các con đường trở nên quen thuộc với rất nhiều người trên tuyến quốc lộ 1 đi qua tỉnh Bình Dương. Chiếc xe cần mẫn chạy "như rùa" với tốc độ 10 km/giờ để hút được đám đinh li ti trên đường.

Anh Phạm Công Xuân và chiếc xe hút đinh của mình. Ảnh: HNM

Dù là xe hút đinh nhưng chính chiếc xe của anh vẫn bị dính đinh. Có lần đang chạy trên đường, chiếc xe cán phải đinh thủng cả hai lốp. Lếch thếch đưa xe vào tiệm nhưng họ không chịu vá mà còn nhìn anh với con mắt khó chịu. “Mình đi hút đinh mà lại bị cán đinh. Người đi đường cứ chỉ trỏ bình luận, tỏ ra ái ngại, nhưng rồi cũng cố gắng vượt qua" anh Xuân bật cười.

"Từ khi tôi đi hút, lượng đinh đã giảm nhiều, tai nạn giao thông trên đường này cũng có vẻ giảm. Song nếu không đi hút lại thì đinh lại xuất hiện sau mấy ngày", anh Xuân lý giải cho việc thường xuyên phải lên đường.

Anh Xuân kể, thi thoảng bọn "đinh tặc" có hăm dọa như nhắn tin cho anh rằng: “Mày có thích mã tấu không?”, “Mày có để cho vợ con sống yên ổn không”. Song với anh, việc hút đinh luôn có “trăm người ghét, vạn người thương”. Khi anh đi qua các nẻo đường, có nhiều người vỗ tay, có người đưa anh chai nước uống và rất nhiều người động viên rằng xã hội cần có nhiều người như thế... càng khiến anh không nề hà vất vả.

“Có lần, một ông già thấy tôi kéo xe hút đinh qua liền đi theo và dúi vào tay tôi 50.000 đồng nói là để đổ xăng. Tôi nhất quyết từ chối, song ông cụ bảo là ông không cho tôi mà ông đóng góp với cộng đồng. Tấm lòng của ông cụ khiến tôi không thể từ chối, đây là lần duy nhất tôi cầm tiền của người dân”, anh Xuân tâm sự.

"May mắn là vợ tôi ủng hộ với việc mình làm, vợ tôi chưa bao giờ ca thán tôi bỏ bê việc nhà và mỗi tháng mất khoảng 2 triệu đồng tiền xăng. Mình làm việc có ích cho xã hội là thấy tinh thần vui vẻ", anh Xuân nói.

Anh Phạm Công Xuân đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương vì xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông ngày 25/8. Anh từng được xuất hiện trong chương trình "Total Hiệp sĩ giao thông", cùng với 25 hiệp sĩ khác được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tặng bằng khen.