Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013: Mãi không quên bản hùng ca ở Gạc Ma

08:57 13/05/2013     2710

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Đoàn hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013 cùng với cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 996 đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa như một nén tâm nhang dâng lên các anh với lòng tri ân và biết ơn thành kính.
Thời gian đã lùi xa qua một phần tư thế kỷ, và có thể sóng gió nơi trùng khơi biển cả mênh mông đã gọt phai nhiều mỏm đá, san hô...,  nhưng những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngày đó ở vùng biển Gạc Ma của Tổ quốc vẫn luôn hiển hiện trong tâm khảm của mọi con dân đất Việt. Hôm nay đây, cũng ở vùng biển lịch sử này, Đoàn hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013 với chủ đề “Khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn” cùng với cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 996 đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa như một nén tâm nhang dâng lên các anh với lòng tri ân và biết ơn thành kính.


Sáng tinh mơ, bầu trời ở vùng biển Gạc Ma có mưa nhẹ. Những cơn sóng gấp nếp theo nhau cũng nhẹ nhàng như một bản nhạc êm ái. Gần đến thời điểm diễn ra buổi lễ, cơn mưa nhẹ ấy đã lùi xa với một bầu trời cao rộng. Các thành viên trong đoàn hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương cùng với các cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ996 có mặt đầy đủ trên boong tàu với tâm trạng bồi hồi, thành kính những cũng rất đỗi tự hào. Đúng sáu giờ ba mươi phút, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa diễn ra trong khí trọng thể và trang nghiêm. Trên nét mặt của mọi người có mặt tại giây phút này như chùng xuống và những ký ức lịch sử của hai mươi lăm năm trước vọng về trong tiếng sóng vỗ rì rào. Bằng giọng trầm hùng, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh, Chuẩn Đô đốc, Phó chủ nhiệm Chính trị quân chủng Hải quân đọc diễn văn tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 ở Trường Sa. Bài diễn văn ngắn, gọn và cô đọng nêu bật những chiến công sáng ngời của cán bộ, chiến sĩ năm xưa ở đảo Gạc Ma cũng như những tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo nơi đây... song không hiểu sao giọng ông cứ nghẹn lại đôi quảng.

Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh cho biết, vào những tháng đầu  năm 1988, nhằm ngăn chặn ý đồ của nước ngoài đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta, với quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ; chạy đua cùng thời gian; củng cố, tăng cường thế đứng trên khu vực quần đảo; chủ động bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống; thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp - giữ vững hòa bình, hữu nghị. Song bọn chúng đã bất chấp công lý và lẽ phải và biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nên ngày ngày 14.3.1988 đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta. Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo khi trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với những tàu chiến của nước ngoài có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của nước ngoài, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Giọng của Thiếu tướng Trinh nghẹn lại khi nhắc lại những tấm gương kiên cường, bất khuất bảo vệ chủ quyền biển, đảo năm xưa: Chúng ta cảm phục tấm gương mẫu mực của anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng. Là anh hùng, thuyền trưởng, thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài chủ quyền vững chắc trên đảo....

Đúng như lời của Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, “chúng ta làm sao kể xiết những tấm gương hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam. Các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội cụ Hồ” - Người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm chiếm run sợ, chùn bước”. “Chúng ta hãy giành một phút mặc niệm”, tiếng hiệu lệnh cất lên, cùng lúc đó tàu HQ996 rung vang ba hồi còi trầm hùng. Những nén tâm nhang của các thành viên trong đoàn hành trình đã được thắp lên nghi ngút. Những giọt nước mắt biết ơn và vô cùng tự hào trước những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân năm xưa cứ lăn tràn trên khuôn mặt của các đoàn viên thanh niên trẻ.

a
Đ/c Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàncùng đoàn hành trình thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc

Trên mặt biển hiền hòa lặng sóng, anh Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh cùng các thành viên trong đoàn hành trình đã cùng nhau thả vòng hoa và lễ vật với mong muốn mong các cán bộ, chiến sĩ Hải quân năm xưa yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước, phù hộ độ trì cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển, trời Việt Nam; giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Vòng hoa và lễ vật dâng lên các cán bộ, chiến sĩ Hải Quân năm xưa cứ lặng lẽ trôi đi giữa lòng biển cả. Và chỉ sau đó mấy phút, bát hương nghi ngút bỗng dưng hóa tạo nên mảng lửa giữa trời biển mênh mông...

Trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh ấy, bạn Nguyễn Lệ Thủy đến từ một mảnh đất xa xôi của Tổ quốc (tỉnh Lai Châu) đã không kìm nén được xúc động của mình và đã òa khóc: “Thế hệ trẻ chúng em vô cùng biết ơn các chú, các bác là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã không tiếc máu xương của mình để góp phần tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, để góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo quê hương, để cho chúng em hôm nay được ra đây dâng lên các anh hùng liệt sĩ lòng tri ân sâu sắc. Kết thúc chuyến đi này, em sẽ cố gắng thật nhiều trong việc tuyên truyền để các bạn đoàn viên, thanh niên ở quê em biến khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn trở thành hiện thực băng nhiều việc làm thật sự có ý nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân năm xưa”.

Ở vùng biển Gạc Ma lịch sử và thân yêu của Tổ quốc này cũng là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm tiếp sức cho các thế hệ noi gương giữ gìn bình yên biển, đảo quê hương. Ban hùng ca ở Mạc Ga mãi mãi không bao giờ quên trong lòng con dân đất Việt