Hải Phòng: Nơi những vòng xoay tìm lại cuộc đời
08:44 12/09/2012 2218
Công tác giáo dục Web.ĐTN; Tái nghiện sau cai nghiện hiện vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Nguyên nhân một phần là do sau khi cai nghiện trở về học viên không có cơ hội tìm được công ăn việc làm ổn định. Trung tâm Giáo dục LĐ XH Hải Phòng thuộc Tổng đội TNXP (Thành đoàn Hải Phòng) luôn tìm ra những hướng đi mới giúp học viên có được công việc ổn định sau khi rời “mái ấm” này.
Một góc xưởng gốm tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng |
Mô hình sản xuất gốm
Tại hội thi thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên” khu vực phía Bắc vừa qua do Bộ Công an và Trung ương Đoàn tổ chức, nhiều khách tham quan đến từ các tỉnh bạn hết sức ấn tượng bởi gian trưng bày sản phẩm gốm của học viên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Hải Phòng. Nhiều người hoài nghi đó là sản phẩm do những học viên điều trị cai nghiện làm ra.
Những nghi ngờ đó là có cơ sở khi mà những sản phẩm gốm mang thương hiệu “Made in Gia Minh” có được sự tinh xảo chẳng thua kém sản phẩm từ các lò gốm nổi tiếng khác. Nhưng, đến khi “mục sở thị” xưởng gốm của Trung tâm, quan sát những “nghệ nhân” ở đây cần mẫn thao tác các kĩ thuật làm gốm, những nghi ngờ ấy bỗng chốc tan biến, thay vào đó là sự nể phục và trân trọng. Anh Phạm Văn Tùng, người phụ trách xưởng gốm bộc bạch: hơn 20 “nghệ nhân” của xưởng gốm đều là học viên của Trung tâm; những “nghệ nhân” này đều được tuyển kỹ lưỡng từ các đội, toàn là những người có “hoa tay”, hoặc đam mê hội họa. Thực ra, anh em học viên nhiều người rất khéo tay, tỉ mỉ và có kiến thức về điêu khắc, hội họa, nhưng trước đây Trung tâm chưa biết cách khai thác những “sở trường” này. Sau nhiều lần cân nhắc, đến tháng 11/2010, lãnh đạo Trung tâm quyết định mở xưởng sản xuất gốm sứ, để tạo việc làm mới vừa góp phần giáo dục hành vi nhân cách, thái độ yêu lao động, sự kiên trì nhẫn lại đối với các học viên.
Anh Tùng nhớ lại, ngày đó, Trung tâm cử 5 cán bộ “khăn gói” lên làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) học nghề, trong đó có anh. 3 tháng học việc tại Bát Tràng, cán bộ của Trung tâm phải học thành thục tất cả các kĩ thuật của nghề gốm như: pha hồ, đổ rót, tiện, vẽ, tráng men...Vốn là những người chưa từng chạm vào bàn xoay nên việc học nghề không mấy dễ dàng, nhất là làm gốm, nghề đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn. Nhưng, với sự kỳ vọng của lãnh đạo, quyết tâm mang một nghề mới về Trung tâm những người được cử đi học tranh thủ từng giờ, từng phút miệt mài ngày đêm tìm hiểu những kĩ thuật làm gốm dù là nhỏ nhất, từng chi tiết đều được ghi chép lại một cách cẩn thận.
Ngày về, 20 học viên khéo tay nhất Trung tâm được chọn cùng với 5 “thầy” vừa kết thúc khóa học “cấp tốc” tiếp quản xưởng gốm gần 400m2 với đủ các thiết bị để cho ra đời một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Từ những sản phẩm đơn giản nhất là những chiếc lọ, lộc bình, bát… đến nay “nghệ nhân” của Trung tâm đã cho ra đời các sản phẩm có độ khó cao và ngày càng tinh xảo. 2 năm từ khi xưởng gốm đi vào hoạt động, lò nung của xưởng tháng nào cũng đỏ lửa, tay nghề của cả thầy và trò đều được nâng lên, số học viên tham gia sản xuất cũng tăng lên theo từng tháng.
Ánh sáng cho ngày về
Giới thiệu các sản phẩm của học viên Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng trưng bày tại một Hội trại |
Theo ông Bình, quản lý xưởng gốm cho biết, do không có nguồn nguyên liệu phù hợp để sản xuất gốm, xưởng phải “ngoại giao” đất sét từ Bát Tràng. Đất sét trắng được lấy từ làng Bát Tràng về được đưa vào máy đánh cho nghiền, thật mịn. Sau khi đất được nghiền mịn, ủ đủ độ, các học viên sẽ tiến hành đổ rót vào các khuôn có sẵn. Sau đó, là các công đoạn tiện giúp hoàn chỉnh các bộ phận chưa đạt yêu cầu, rồi mang phơi khô sau đó đánh giấy giáp, vẽ, tráng men và cuối cùng là cho vào lò nung. Thời gian nung để các sản phẩm “chín” mất từ 8 đến 9 giờ, kĩ thuật nung cũng rất khắt khe, phải bảo đảm về nhiệt cũng như độ khô của gốm. Nếu nhiệt thừa hoặc thiếu sẽ không làm nổi bật những nét vẽ, những hoa văn, nước men được phủ lên những “đứa con tinh thần” của các “nghệ nhân”.
Ngày mới bắt tay vào làm cả thầy và trò đều rất bỡ ngỡ, có lần pha cả mẻ hồ, thầy và trò chỉ làm được mấy cái lộc bình, cái thì sứt, cái thì méo…mà chỉ biết đứng nhìn nhau mà không rõ nguyên nhân. Bằng sự cần cù, chịu khó cộng với đam mê thầy và trò sau nhiều lần rút kinh nghiệm, cuối cùng những sản phẩm hoàn chỉnh được cho ra lò trước sự háo hức của cả Trung tâm. Đến nay, sau 2 năm hoạt động sản phẩm của xưởng sản xuất đa dạng về chủng loại, độ tinh xảo cao đáp ứng thị hiếu của khách hàng trên thị trường. Xưởng bắt đầu nhận được một số đơn hàng sản xuất với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng cho biết: Các sản phẩm của học viên làm ra Trung tâm không đặt nặng vấn đề kinh tế mà coi đây là công việc giúp học viên quên đi “nàng tiên nâu”. Những sản phẩm đáp ứng yêu cầu sẽ được Trung tâm lựa chọn trưng bày tại “chợ phiên tình nghĩa” hoặc để làm quà biếu thể hiện tình cảm của Trung tâm đối với du khách xa gần viếng thăm.
Tỉ mẩn ngồi cọ ráp chiếc lộc bình, học viên Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Lê Chân hồ hởi cho biết: Được chọn vào xưởng gốm gần 3 tháng, nhưng giờ mình đã thuần thục các kĩ thuật đổ rót, tiện rồi. Lần đầu tiên sản phẩm do tự tay mình làm ra đưa vào nung, mình thức suốt đêm, hồi hộp chờ đợi lúc đó mới cảm nhận được giá trị sức lao động. Mình sẽ cố gắng học thành thục các công đoạn làm gốm, đến khi về nhà mình sẽ cố gắng mở một điểm sản xuất gốm, tô tượng tại nhà. Không riêng gì Tuấn Anh, những “nghệ nhân” tại Trung tâm khi được hỏi ai cũng có nguyện vọng sau khi kết thúc điều trị được trở thành cộng tác viên cho xưởng gốm để học hỏi thêm những kĩ thuật làm gốm và để có được một công ăn việc làm tránh xa ma túy, hoặc sẽ tự mở xưởng gốm tại gia.