Hai mảnh ghép thời trang
08:43 21/11/2011 2069
Công tác giáo dục Chuyện về hai nhà thiết kế thời trang trẻ từng nuôi dưỡng ước mơ về nghề bằng quãng ngày dài quay cuồng lao động hơn 18 tiếng/ngày với những việc giữ xe, gia công con rối...
Huỳnh Hải Long (bìa trái) và Đặng Thế Huy lấy số đo của khách hàng - Ảnh: Minh Đức |
Cuối tháng 10-2011, Hiệp hội Thời trang Trung Quốc ngỏ lời mời Đặng Thế Huy và Huỳnh Hải Long tham gia Lễ hội thời trang của những nhà thiết kế châu Á (China Fashion Designers Creation Contest 2011) tại Thượng Hải. Ở đó, hai nhà thiết kế trẻ của Việt Nam đã đoạt giải thưởng do báo chí bình chọn.
Không ngại là chuyên gia... thi rớt
"Không nhớ chỉ được ngủ bao nhiêu tiếng một ngày, tôi chỉ nhớ có những buổi sáng tỉnh dậy đi làm mà chân cứ như đang lướt trên mây. Nhưng những vất vả đó chưa từng làm tôi nghĩ đến chuyện dừng lại" |
HUỲNH HẢI LONG |
“Lại thi thiết kế thời trang nữa ư?”, vài người quen từng ngỡ ngàng đặt câu hỏi với Thế Huy và Hải Long khi thấy hai bạn nhiều lần khăn gói tham gia Vietnam Collection Grand Prix. Năm 2003, Long mang bản vẽ gõ cửa cuộc thi. Rớt. Năm 2006, lần thứ hai Long tiếp tục đi thi sau khi học qua lớp dự thính hội họa của Trường ĐH Mỹ thuật.
Lại rớt. Không nản lòng, Long học hỏi kinh nghiệm từ người bạn mới quen Thế Huy - vừa đoạt giải ý tưởng tại cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix năm đó, cũng là người “đã thi đi thi lại nhiều lần mới đậu”.
Gia đình gặp nhiều khó khăn, Hải Long rẽ sang khoa kịch nói Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh. Những năm học tại đây, Hải Long vẫn dệt mộng bằng cách thiết kế trang phục diễn cho mình và các bạn cùng lớp. Năm 2009, Hải Long dự thi Vietnam Collection Grand Prix lần nữa và thần may mắn đã mỉm cười. Long đoạt cùng lúc hai giải: giải nhất và giải màu sắc.
Nhiều lời mời tham dự các buổi trình diễn thời trang ào đến, Hải Long và Thế Huy mỉm cười lắc đầu. “Chúng tôi muốn chọn một cách đi khác. Đó là đào sâu kinh nghiệm, kiến thức để những sản phẩm thiết kế ngày càng có hồn, mang nét đặc trưng riêng của hai đứa thay vì tạo cho mình một bề nổi thật long lanh” - Thế Huy nói.
Với mỗi bộ sưu tập, hai bạn trẻ dồn toàn bộ thời gian và tâm huyết vào đó. Khi muốn thiết kế các bộ trang phục thể hiện nét văn hóa phương Đông, Huy và Long đi ngắm nghía các khu đền chùa xưa trong thành phố và lùng sục các loại vải mang những hoa văn phù hợp với ý tưởng. Khi muốn thiết kế bộ trang phục thể hiện nền văn hóa Nhật Bản, hai bạn tham khảo nhiều tài liệu, sách báo nhắc đến lịch sử và tinh thần người Nhật, tìm kiếm các nguyên liệu để truyền tải thông điệp.
“Ăn hết trái chua đi...”
Có một khoảng thời gian dài sau khi ra trường, hai chàng trai trẻ lao vào làm việc như thể ngày mai là ngày cuối. Sáng sớm ra đứng giữ xe cho một trường mầm non, rồi tất tả chạy xuống Bình Dương làm việc tại một công ty may mặc. Đầu giờ chiều chạy về Đồng Nai đầu quân cho một công ty khác. Sau bữa ăn vội buổi tối, Huy và Long nhận thiết kế và thực hiện từng đường kim mũi chỉ cho các trang phục do khách đặt. Có lúc hai nhà thiết kế không ngại nhận thực hiện hàng loạt con rối cho vài chương trình sự kiện.
Sau mấy năm chắt chiu, hai chàng trai quyết định cho ra đời thương hiệu cao cấp Hulos. Với số vốn ngót nghét 70 triệu đồng, Long và Huy vay thêm 30 triệu để thuê mặt bằng, sửa sang đôi chút rồi tự tay sơn phết, vẽ vời cho cửa hàng. Về trang phục, hai bạn chọn hướng thiết kế dựa trên sự hòa hợp Đông - Tây với phương pháp thêu cổ truyền. Ý định này từng gặp nhiều góp ý trái chiều của người xung quanh, bởi thực tế nhiều sản phẩm thêu có giá thành cao và ít được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng quyết định chung vẫn không thay đổi bởi đó là đam mê khó lý giải mà Huy và Long muốn theo đuổi đến cùng.
Ban đầu, khách hàng đến với họ phần lớn là người trung niên ưa chuộng các trang phục truyền thống, sắc sảo trên nền vải mang các gam màu trung tính. Nhưng dần dần nhiều khách hàng trẻ hơn tìm đến. Việc kinh doanh ngày càng khởi sắc, đến nay hai ông chủ của thương hiệu Hulos đang chuẩn bị khai trương shop thứ hai. “Nhiều lúc vấp váp, chúng tôi an ủi nhau: cứ xem như mình đang ngồi ăn một đĩa trái cây, cố ăn hết trái chua đi thế nào rồi mình cũng gặp trái ngọt. Nghĩ vậy để đứng lên, bước tiếp” - Thế Huy nói.
Không có vẻ ngoài bóng loáng, đôi mắt hai nhà thiết kế trẻ còn đậm quầng thâm rõ rệt của những đêm thiếu ngủ. Nhưng trong đôi mắt họ, trong nụ cười họ ánh lên ánh sáng của niềm đam mê gần như không biên giới, như lời giới thiệu trân trọng mà nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh dành cho họ: những nhà thiết kế trẻ, có tài và chân chính.
Tweet