Hải Dương: Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên
08:05 05/10/2023 2260
Công tác giáo dục ĐTN: Sáng 5/10, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên Hải Dương tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương).
Thanh niên cần thẳng thắn nêu các vấn đề thắc mắc
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định lực lượng thanh niên luôn giữ vị trí, vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển thanh niên, nhất là vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển nguồn nhân lực trẻ. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển. Các sở, ban, ngành luôn đồng hành, phối hợp với các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, nhất là hỗ trợ vay vốn. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu sáng tạo thành công.
Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển nguồn nhân lực trẻ tại tỉnh Hải Dương còn gặp không ít khó khăn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tại hội nghị, các đoàn viên, thanh niên cần thẳng thắn nêu các vấn đề thắc mắc, đồng thời góp ý đối với các bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, chương trình. Các sở, ngành cần giải đáp cụ thể, nêu những giải pháp thỏa đáng, giải quyết vấn đề mà thanh niên thắc mắc. Qua đó, giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chức năng có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, trúng và kịp thời trong thời gian tới.
Nhiều vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Hội nghị đối thoại đã thu hút 18 lượt ý kiến trực tiếp của đoàn viên, thanh niên, trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một số ý kiến khác.
Đúng với chủ đề hội nghị đối thoại: “Thanh niên tỉnh Hải Dương khởi nghiệp, lập nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0”, một số đại biểu nêu câu hỏi về giải pháp, kết quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và định hướng cho thanh niên là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thời gian tới. UBND tỉnh có những định hướng nào để thanh niên dễ dàng tiếp cận về những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp?
Về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết những năm qua, tỉnh Hải Dương đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh. Tỉnh đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn đầu tư, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, sở hữu công nghiệp; hỗ trợ chính sách khuyến công, khuyến nông, trợ giúp pháp lý... Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành và phê duyệt Đề án "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025”. Giai đoạn 2020-2022, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp cho 1.246 doanh nghiệp với số tiền gần 150 triệu đồng; hỗ trợ tổ chức 21 khóa đào tạo về khởi nghiệp kinh doanh cho 916 cá nhân; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia 10 hội chợ thương mại; tổ chức kết nối giao thương trực tuyến cho trên 30 doanh nghiệp. Giai đoạn 2020-2022 đã có 104 dự án khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh được hỗ trợ vay vốn với kinh phí 8 tỷ đồng. Năm 2023, ngân sách tỉnh đã bố trí dự toán 10 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện đề án này; tiếp tục rà soát lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh đang thực hiện để xây dựng và ban hành một chính sách tổng thể và tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027, trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hỗ trợ lãi suất. Tập trung hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ; chỉ đạo tăng cường công tác công khai, đa dạng hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp nắm được các chính sách hỗ trợ của tỉnh; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Liên quan đến những giải pháp, cơ chế để thu hút thanh niên quan tâm và tham gia các hoạt động khởi nghiệp tại nông thôn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, nguồn nhân lực quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp; ưu tiên vốn để triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án lĩnh vực ngành nông nghiệp…
Thanh niên tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn, một số đại biểu đề nghị tỉnh có giải pháp, chính sách, chương trình hỗ trợ thanh niên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế. Về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025. Theo đề án, UBND tỉnh bố trí kinh phí 20 tỷ đồng hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cân đối, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.
Theo Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể vay mức tối đa 2 tỷ đồng, với điều kiện có bảo đảm tiền vay theo quy định. Do vậy, thanh niên vay vốn trên 100 triệu đồng nhưng chưa có tài sản sở hữu về nhà đất để thế chấp có thể sử dụng tài sản của bên thứ ba để thế chấp cho khoản vay. Thanh niên có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi qua các đoàn thể khác như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…
Có 9 ý kiến liên quan đến vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Có đại biểu đề nghị thông tin những chế độ ưu đãi, chính sách mà tỉnh đang áp dụng để đẩy mạnh hoạt động hợp tác lao động ở nước ngoài. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thanh niên được tư vấn giới thiệu việc làm, các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn quy trình hỗ trợ vay vốn. Sau khi về nước, thanh niên được hỗ trợ tìm việc làm, kết nối các doanh nghiệp, tham gia các phiên giao dịch việc làm. Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của liên bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội và Tài chính…
Ở góc độ khác, một đại biểu băn khoăn sinh viên mới tốt nghiệp đại học khi đi xin việc gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm. Do không đáp ứng được yêu cầu, nhiều bạn làm trái ngành. Vậy các cơ quan chức năng có biện pháp, chủ trương, chính sách gì để giúp sinh viên có cơ hội thử sức với nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân?
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm Hải Dương có khoảng 18.752 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 216.960 tỷ đồng. Do đó, cơ hội việc làm, môi trường để sinh viên phát huy năng lực, tìm kiếm việc làm không thiếu. Thanh niên có thể tìm hiểu qua các Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm để kết nối. Cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh các biện pháp để kết nối cung cầu, giúp người lao động tiếp cận với thông tin thị trường lao động.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị khác của các đại biểu liên quan đến nâng mức phụ cấp cho cán bộ Đoàn cơ sở; định hướng thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và quy trình đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; cơ chế hỗ trợ tập trung tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã được lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh giải đáp.
Kiến nghị nhiều vấn đề xã hội quan tâm
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đánh giá các đoàn viên, thanh niên đã kiến nghị khá đầy đủ những vấn đề mà xã hội quan tâm hiện nay, trong đó có nhiều ý kiến, đề xuất mang tính chất vĩ mô, hiến kế tháo gỡ khó khăn. Còn một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải đáp, giao Sở Nội vụ phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên (bao gồm các ý kiến đã phát biểu và chưa phát biểu tại hội nghị) gửi các sở, ngành, địa phương liên quan xem xét, xử lý và trả lời bằng văn bản. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp thanh niên tham gia vào các tổ chức Đoàn, Hội. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp thu các vấn đề, chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác thanh niên để cụ thể hóa chủ trương bằng kế hoạch hoạt động, chương trình cụ thể dành cho thanh niên gắn với từng nhiệm vụ của sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Hải Dương sẽ luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu và trưởng thành, tiếp tục cống hiến hết mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Ngọc Anh Tweet