Hà Nội: Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện ma túy”

10:07 17/09/2011     3300

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Sáng ngày 16/9/2011 tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Thành Đoàn Hà Nội, Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp (GDLĐHN) thanh niên Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện ma túy”.
Đến dự có đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội; cùng đại diện Cục phòng chống TNXH thuộc Bộ Lao động Thương và xã hội, Chi cục phòng chống TNXH thành phố và một số Trung tâm xã hội thuộc TP Hà Nội.

Trung tâm GDLĐHN Thanh niên Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng đội TNXP – xây dựng kinh tế Thủ đô Thành Đoàn Hà Nội được thành lập ngày 18/9/2006. Với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức quản lý, dạy  nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng là thanh niên sau cai nghiện ma túy TP Hà Nội.

a
Quang cảnh buổi tọa đàm

Từ tháng 8/2010 đến nay, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận và quản lý, giáo dục 800 học viên. Trong đó đã mở 5 lớp dạy nghề cho các học viên Trung tâm như: lớp dạy nghề sửa chữa xe máy, lớp may, lớp nấu ăn, lớp may bao bì … đã thu hút các học viên tham gia học tập.

Tuy nhiên, theo báo cáo, công tác thực hiện quản lý học viên sau cai nghiện tại Trung tâm đã bộc lộ nhiều khó khăn như: đối tượng học viên sau cai của Trung tâm là những người sau thời gian cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao; điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, hư hỏng nhiều; số lượng cán bộ vừa thiếu, vừa mất cân đối theo cơ cấu chức danh; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm; khó khăn trong công tác tổ chức dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất …

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên những bài học kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý các học viên sau cai nghiện hiện nay, trao đổi về công tác đào tạo nghề, dạy nghề nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn đối với Trung tâm cũng như việc làm cho các Trung tâm, các học viên sau cai…

Chia sẻ về công tác đào tạo nghề, đ/c Nguyễn Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội cho biết: Trong quá trình học tập, đại đa số học viên sau cai đều yêu thích nghề, quyết tâm học tập để có tay nghề và tự tin hơn. Điều quan trọng hơn là các học viên sau cai đều hy vọng có cơ hội có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống khi rời Trung tâm.

Đ/c Trinh cũng nêu một thực tế đó là hiện nay, các doanh nghiệp có tâm lý nhận người tàn tật vào làm hơn là nhận người sau cai nghiện có nghề.

Là đơn vị đóng trên địa bàn có nhiều hoạt động phối hợp, đ/c Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư huyện Đoàn Đông Anh cho rằng: Công tác giáo dục, tuyên truyền và dạy nghề cho thanh niên cai nghiện nói chung ở nhiều nơi còn thiếu tính thực tiễn. Đ/c Mạnh nêu: Khi vào các Trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp nói chung chỉ được dạy những nghề thủ công, những nghề đơn giản mà sau khi rời khỏi Trung tâm rất khó để xin việc.

b
Các học viên được cán bộ Trung tâm dạy nghề sửa chữa xe máy

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát biểu chia sẻ với tọa đàm, đ/c Ngô Đông Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động số 6 nhấn mạnh: Trong 2 năm tại Trung tâm, các học viên phải đạt về nhận thức và được tạo điều kiện để học nghề. Tuy nhiên đối với các học viên sau cai ra ngoài đời kiếm việc làm có thu nhập ổn định là rất khó. Đ/c khẳng định việc dạy nghề và tổ chức việc làm ở các Trung tâm Giáo dục lao động còn khó khăn hơn nhiều chứ chưa nói đến các Trung tâm sau cai nghiện.

Phát biểu với Tọa đàm, đ/c Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Thành Đoàn Hà Nội phải định hướng Trung tâm GDLĐHN Thanh niên Hà Nội là đúng Trung tâm của Đoàn thanh niên, làm tốt công tác giáo dục, định hướng cho thanh niên.sau cai.  Trong công tác dạy nghề cần quan tâm để hỗ trợ mở rộng dạy nghề cho đối tượng sau cai của Trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp như hiện nay còn ít , để làm sao đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng phong phú hơn hơn.