Hà Nội: Tọa đàm “Thanh niên Hà Nội với Hiến pháp năm 1992”
17:14 02/12/2011 2517
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sáng ngày 02/12/2011, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thanh niên Hà Nội với Hiến pháp năm 1992”. Tọa đàm nhằm đánh giá tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992 gắn với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội.
Tới dự có Nhà sử học Văn Tùng; đ/c Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên Bộ Nội vụ; đại diện Ban phong trào của Trung ương Đoàn; cùng các Sở, ngành của thành phố và một số Quận, huyện Đoàn và Đoàn các trường Đại học thuộc Thành Đoàn Hà Nội.
Nhà sử học Văn Tùng (người đứng bìa trái) phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm |
Tại buổi tạo đàm, các đại biểu đã tập trung phát biểu vào những nội dung chủ yếu ở các điều 30, 35, 36, 39, 41, 57, 65, 66 của Hiến pháp 1992, như: về địa vị chính trị - pháp lý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức thanh niên được quy định trong Hiến pháp 1992; Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong Hiếp pháp 1992; Quyền được vui chơi giải trí, lành mạnh, quyền được tham gia hoạt động trẻ em; Quyền tự do kinh doanh của thanh niên; Quyền được nghiên cứu khoa học, kỹ thật phát minh sáng chế; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục, y tế … Nhà sử học Văn Tùng cho rằng: ở điều 66, Hiến pháp 1992 cần được bổ sung thêm nhằm nâng cao hơn vị trí của thanh niên trong Hiến pháp mới. Cơ sở để căn cứ, chính là các Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên trong gần 20 năm qua, qua đó có sự chắt lọc để thể hiện dưới ngôn ngữ luật pháp và khẳng định thanh niên là đối tượng nhân khẩu đặc thù của Đảng, Nhà nước và khác với các đối tượng khác. Cũng ở điều 66 này, đ/c Doãn Đức Hảo cho rằng: Nhà nước cần đầu tư, quan tâm đến nguồn lực của thanh niê, cụ thể ở các lĩnh vực: học tập, việc làm và vui chơi giải trí; …
Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều khẳng định: Trong những năm qua, việc thực thi các quyền của Hiến pháp đối với thanh niên được thực hiện khá tốt, qua đó phát huy vai trò của thanh niên trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cũng cho rằng, việc thực hiện Hiến pháp năm 1992 còn bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, đ/c Ngọ Duy Hiểu, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội đã cho rằng: 23 ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm là những ý kiến có ý nghĩa sâu sắc, mang tính lý luận cao và có tính thực tiễn trong đời sống thanh niên, trong xã hội. Các ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị tại buổi Tọa đàm sẽ được tống hợp và chuyển đến Ban soạn thảo, các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu bổ sung nhằm khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Minh, của thanh niên trong bản Hiến pháp mới tới đây.