Giới trẻ nhìn Tổ quốc từ biển
08:10 04/01/2012 2143
Công tác giáo dục Nằm trong số 150 bạn trẻ đầu tiên trong thời bình xuyên Việt trên biển khi tham gia Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển (tháng 10 - 2011), những người trẻ họ có cách nhìn mới về Tổ quốc.
Bạn trẻ và cựu binh tàu không số giữa Biển Đông. |
Ở giữa biển Đông, đến Trường Sa, hay vượt sóng dữ dọc theo dải đất hình chữ S… chúng ta mới thực sự cảm nhận được sự thiêng liêng của chủ quyền biển đảo. Năm qua, giới trẻ Việt hướng về biển đảo với tâm thế mới từ hành động giản dị tới những phong trào, lớn do Đoàn thanh niên tổ chức.
Đến với biển đảo, cảm nhận vị mặn của biển, trải nghiệm qua từng lần say sóng, vật lộn với dông bão, chạnh lòng với những vùng biển nghèo, bạn trẻ mới hiểu rằng nếu không có tri thức, không có sự hiểu biết sâu rộng về biển, không rèn luyện kỹ năng đi biển, không làm chủ khoa học công nghệ… sẽ không thể chế ngự, không khai thác hết tiềm năng của biển và sẽ gặp bao thách thức trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Năm 2012 sẽ có nhiều hành trình tiếp nối đầy trách nhiệm của tuổi trẻ cả nước để Trường Sa và gần 3.000 hòn đảo khác gần hơn với đất liền, để khai thác, làm chủ thực sự với hơn 3.200 km đường bờ biển. Thanh niên sẽ tiếp tục ghi dấu ấn với Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Ngày hội Tuổi trẻ vì biển đảo, Kết nghĩa với Trường Sa…
Trên nhiều diễn đàn, bạn trẻ cũng bắt đầu lên kế hoạch phượt xuyên Việt trên biển hoặc đến với những hòn đảo xa. Tuổi trẻ cũng kỳ vọng kế hoạch tiếp tục xây dựng các Đảo thanh niên của T.Ư Đoàn sớm thành hiện thực...
Chắc chắn những hành trình của bạn trẻ đến với biển đảo quê hương sẽ không ngừng nghỉ bởi “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không” (trích “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến).
La Lan Khôi (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai): Tình nguyện vì chủ quyền
Biển đảo là một phần không thể tách rời lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Là người lính, tôi thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ luôn là lực lượng xung kích, sẵn sàng tình nguyện vì chủ quyền biển đảo.
Phạm Bá Thức (CA Bắc Kạn): Yêu biển đảo bằng hành động cụ thể
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, rất xa biển, người dân ít có cơ hội được về với biển đảo. Bờ biển nước ta dài và đẹp quá. Biển không những là tuyến đường vận tải thủy chiến lược mà còn chứa đựng nhiều nguồn lợi. Biển Đông đã là tâm điểm chú ý của thế giới. Chúng ta yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương bằng chính từ những hành động cụ thể và thiết thực.
Dương Xuân Trà My (MC Hà Nội): Cố gắng bao nhiêu cho đủ
Gần 20 ngày trên biển, nhìn về phía đất liền tôi thấy Tổ quốc thật vĩ đại. Được sống trong hòa bình, được biết, được nghe câu chuyện lịch sử qua những cựu binh đoàn tàu không số năm xưa, hẳn tôi là người may mắn.
Những vùng biển, bến bãi nơi chúng tôi đi qua thật đáng trân trọng, cứ ắp đầy câu chuyện một thời như huyền thoại. Tôi không biết mình cần cố gắng bao nhiêu mới là đủ để tri ân cho lịch sử, cho Tổ quốc và cho những người đã nằm xuống qua bao cuộc trường chinh. Dải đất hình chữ S thiêng liêng quá đỗi.
Nguyễn Thị Như Trang (SV ĐH Vinh): Gần biển hơn
Tôi thấy yêu biển đảo và thấy mình được gần biển hơn. Sau chuyến hành trình xuyên Việt trên biển, tôi kể cho mẹ và bạn bè về biển, kể lại cả hành trình trong chương trình nghệ thuật Tổ quốc nhìn từ biển do ĐH Vinh tổ chức và tôi cùng bè bạn hát Đất nước bên bờ sóng, Tổ quốc nhìn từ biển, Chiều biên giới, Xa khơi. Chúng tôi tham gia chương trình Góp đá xây Trường Sa. Cả dân tộc chung sức giữ biển. Tốt nghiệp ĐH, tôi sẽ làm một nghề liên quan đến biển.
Trần Mỹ Hằng (SV Huế): Trách nhiệm
Những ngày sống cùng chiến sĩ Hải quân, tôi có thêm cái nhìn mới, khác hơn đối với biển đảo quê hương. Trước kia, qua những giờ học và báo đài, tôi cũng chỉ hình dung mơ hồ về bờ biển trải dọc theo hình chữ S, về những miền đảo xa xôi… Nước ta có bờ biển dài và đẹp quá. Nếu phát triển du lịch vùng ven biển chắc chắn mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến bến Thạnh Phong (Bến Tre) và Vàm Lũng (Cà Mau), thấy dân ta còn nghèo lắm. Biển đó, sông nước đó, thiên nhiên ban tặng là thế mà vẫn chưa thể khai thác tiềm năng một cách hợp lý và tương xứng.
Đinh Vân Ngọc (Vietnam Arlines): Dù có xa muôn dặm...
Tôi hiểu thêm về người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Dù cuộc sống lênh đênh trên biển còn thiếu thốn về vật chất và tinh thần, nhưng tâm hồn các anh vẫn luôn tươi trẻ lạc quan hết mình vì lý tưởng.
Sau những ngày vượt trùng khơi, được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ bao la của biển đảo, tôi cảm thấy thêm yêu đất nước. Biển đảo có xa muôn dặm nhưng luôn gần gũi, thân thương và trái tim chúng tôi mãi hướng về.
Tweet