Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và thanh niên Kon Tum: "Chúng tôi sẽ luôn ở bên các bạn"

12:00 07/11/2014     2263

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày 6/11, Tỉnh Đoàn Kon Tum phối hợp Sở Nội vụ tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với thanh niên Kon Tum. Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại.
Buổi đối thoại là cơ hội để tổ chức Đoàn, tuổi trẻ Kon Tum bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và là dịp để cấp ủy, chính quyền thể hiện sự quan tâm, chăm lo và phát huy vai trò thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoạ
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại


Tại buổi đối thoại, rất nhiều câu hỏi của đoàn viên, thanh niên xoay quanh những vấn đề tuổi trẻ trong tỉnh quan tâm, cần lời giải đáp như: vấn đề việc làm cho thanh niên; chính sách thu hút nhân tài, trí thức trẻ; quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vui chơi, sinh hoạt, giải trí cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh; các chính sách, nguồn vốn cho thanh niên vay để phát triển kinh tế...

Những vấn đề các bạn thanh niên đặt ra đều được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Tuy và lãnh đạo các sở, ngành giải đáp, làm rõ ngay tại buổi đối thoại.

Với câu hỏi: “Đối với các tài năng trẻ hoặc các cá nhân đạt giải tại các cuộc thi sáng tạo trẻ, người thợ trẻ...tỉnh ta có những chính sách, chủ trương gì để hỗ trợ cho các cá nhân đó”, bà Trần Thị Tuyết – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ trả lời “Sau khi sáng kiến đó được công nhận thì đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân báo về cho Sở khoa học biết về sáng kiến đó để Sở khoa học đưa thông tin về sáng kiến đó lên trang web của Sở, Bộ. Cái thứ hai nếu tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu nhân rộng, phát triển sáng kiến này thì tổ chức, cá nhân đó có thể đề xuất với Sở Khoa học – Công nghệ về nguồn kinh phí để triển khai thực hiện sáng kiến đó để ứng dụng thì mức hỗ trợ đó khoảng 30%, còn phía cá nhân và tổ chức đó bỏ ra 70%. Liên quan đến câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy cũng đề nghị các đoàn thể cùng tham gia, khen thưởng để động viên kịp thời đề tài sáng tạo của các cá nhân.

Tại buổi đối thoại, vấn đề biên chế vào các cơ quan nhà nước cũng được đoàn viên thanh niên mạnh dạn đặt ra. Giải đáp cho câu hỏi “Muốn biên chế vào các cơ quan nhà nước thì cần những yêu cầu gì và đối với những đồng chí đã cống hiến lâu năm trong các cơ quan nhà nước mà vẫn chưa được xét biên chế thì sẽ có hướng giải quyết như thế nào đối với các trường hợp này?”,  ông A Cường, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết “Đối với trường hợp người lao động đã hợp đồng lâu năm tại cơ quan nhà nước nếu là bằng đại học, nhưng tùy thuộc về mặt chuyên môn, đòi hỏi phải đáp ứng công việc đó, phù hợp với vị trí việc làm của cơ quan đơn vị đó. Với điều kiện nữa, nếu công chức thì phải công tác trên 60 tháng, còn nếu viên chức thì công tác trên 36 tháng thì cơ quan, đơn vị đó làm văn bản đề nghị lên UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ để xem xét, tham mưu lên UBND tỉnh.  Ý thứ hai nếu là các bạn đang học trung cấp, cao đẳng thì chưa chuẩn hóa về mặt chuyên môn thì hiện nay theo quy định phải được chuẩn hóa. Còn theo chức danh nếu đã làm việc rồi, có chức danh rồi thì phải tiếp tục đào tạo để chuẩn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt – Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plong hỏi “đối với đội viên dự án 600 trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các huyện nghèo thì sau khi hết nhiệm kỳ, UBND tỉnh có kế hoạch bố trí công việc như thế nào để đội viên yên tâm công tác”, ông A Cường, Giám đốc Sở Nội vụ  trả lời “Về đề án 600 trí thức trẻ, nhiều bạn trăn trở sau khi hết hiệu lực của Đề án 600 này thì các em sẽ đi đâu, làm gì? Vừa rồi có một văn bản mới thì sau khi hết hiệu lực của đề án 600 này thì địa phương nơi các bạn công tác sẽ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các bạn như thế nào và sau đó theo chỉ đạo của Thường vụ thì sẽ chỉ đạo chúng tôi sắp xếp, tổ chức công việc.

Bên cạnh những câu hỏi về vấn đề biên chế, việc làm, nhiều thanh niên khối nông thôn cũng đưa ra những khó khăn trong quá trình đầu tư làm kinh tế như: mua phải phân bón giả hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay....

Sau khi lắng nghe câu hỏi làm thế nào để có đầu ra cho cây luồng – một loại cây trồng mà thanh niên và bà con nhân dân xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà đang trồng nhằm thay thế cho cây cao su, đồng chí Nguyễn Đức Tuy đã phân tích nguyên nhân và đề nghị“Huyện Đăk Hà khảo sát lại điều kiện, nhu cầu bà con trồng nếu diện tích lớn thì phải tính toán đầu ra, tính toán cơ sở chế biến để hình thành một cái nguồn chứ tại sao dân Thanh Hóa và các dân khác người ta trồng luồng người ta sống được? Mức sản phẩm đầu ra của người ta cũng nhiều hơn ở đây mà tiêu thụ cũng hết, còn ở đây chúng ta đâu có nhiều sản phẩm như cây luồng đâu mà không tiêu thụ được? Ở đây vấn đề là chúng ta chưa nghiên cứu nên tôi đề nghị các vị quan tâm thêm, các ngành nông nghiệp cần tham gia”.
Đoàn viên đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh
Đoàn viên đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh


Trả lời câu hỏi của bạn đoàn viên thanh niên đến từ Sa Thầy về vấn đề phụ cấp, đầu ra cho cán bộ Đoàn tại cơ sở khi hết tuổi Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Huỳnh Quốc Huy đã chia sẻ những khó khăn về đầu ra cho cán bộ Đoàn tại cơ sở, tuy nhiên với chức năng và nhiệm vụ của mình Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ có những tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có hướng và giải pháp, cơ chế tìm đầu ra cho cán bộ Đoàn tại cơ sở, đề nghị mỗi cán bộ Đoàn cũng cần phải nỗ lực hoàn thiện bản thân mình như về trình độ, năng lực để khi hết tuổi Đoàn được chuyển công tác có thể đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ ở công việc mới....

Kết thúc buổi Đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy đánh giá việc tổ chức Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và tuổi trẻ tỉnh nhà là hoạt động hết sức có ý nghĩa và gửi gắm“Về phía các bạn thanh niên, tôi đề nghị các bạn phải rèn luyện, cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa cái năng lực, cái xung kích, cái tình nguyện của mình để làm sao cống hiến cho xã hội này, cho tỉnh Kon Tum này ngày càng tốt đẹp hơn. Và luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu, vì lý tưởng của thanh niên. Chúng ta có quyền ước mơ và chúng ta có quyền thực hiện ước mơ của mình. Chúng tôi hứa sẽ luôn ở bên các bạn để các bạn thực hiện tốt ước mơ của mình”.

Trao đổi và trả lời trực tiếp trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ và cởi mở, buổi đối thoại đã thành công. Thông qua Đoàn thanh niên. Những thắc mắc, câu hỏi của đoàn viên thanh niên sẽ tiếp tục được Ban tổ chức tổng hợp gửi đến lãnh đạo tỉnh để mọi thắc mắc của đoàn viên, thanh niên không chỉ được giải đáp thỏa đáng mà các bạn còn nhận được những thông tin bổ ích liên quan đến những quan điểm, chính sách của tỉnh đối với hoạt động của tuổi trẻ.