Gặp cán bộ Đoàn đam mê làm giàu từ nghề Miến

15:41 13/12/2013     1661

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: “Làng mình có nghề làm miến tại sao mình không làm giàu từ nghề truyền thống của cha ông”. Đó là trăn trở của anh Nguyễn Văn Ba sinh năm 1983 - Chủ nhiệm Hợp tác xã Miến Việt Cường khi trao đổi với chúng tôi về quá trình lập nghiệp.
Nguyễn Văn Ba là con thứ 3 được sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên việc học hành của Ba đành dang dở. Hàng ngày, bố mẹ anh phải làm thuê đủ nghề để mưu sinh. Khi đang học cấp 2, anh phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Công việc thực sự vất vả, thu nhập lại thấp.
Nguyễn Văn Ba đang kiểm tra độ khô của những sợi miến
Nguyễn Văn Ba đang kiểm tra độ khô của những sợi miến


Anh tâm sự: “Hồi đó gia đình mình không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp thống nhất của bố, giường ngủ thì bố mượn mấy tấm phản gỗ về kê để ngủ. Cả nhà mình phải ăn cơm độn sắn, bố mẹ luôn phải ăn đói phần cơm cho anh em mình. Quần áo mình mặc được mẹ cắt từ quần áo đã hỏng khâu thành”.

Lập nghiệp với nhiều khó khăn, trong tay không có tiền, nhưng anh không hề bỏ cuộc. Anh thuyết phục bố mẹ đem sổ đỏ ra ngân hàng vay vốn với mức lãi cao. Lúc đầu bố mẹ anh lo lắng và sợ anh thất bại, nhưng thấy ý chí quyết tâm của anh nên gia đình đã chấp nhận và ủng hộ anh làm giàu …

Quyết tâm là thế, muốn làm giàu là vậy nhưng trước mặt Ba phải đối diện với biết bao khó khăn, thách thức. Bởi, bắt tay vào làm lại nghề cũ của gia đình, kinh nghiệm có được chỉ là sự truyền lại của bố mẹ chứ không có sổ sách ghi chép lại, miến đã sản xuất ra và được tiêu thụ trên thị trường nhưng khả năng tiêu thụ chưa cao vì lúc đó có rất nhiều cơ sở sản xuất miến khác nhau. Anh ngày đêm suy nghĩ, trăn trở tìm ra hướng đi mới trong nghề làm miến của mình. Học hỏi kinh nghiệm làm miến của bố mẹ, rồi anh lên Bắc Kạn để lấy nguyên liệu. Do làm thủ công, thời tiết mưa nhiều, ngậm ngùi nhìn miến làm ra phải đổ đi hàng tạ, nhưng thất bại không hề làm anh nản chí mà ngược lại càng thôi thúc anh tìm cách thực hiện cho bằng được ước mơ, hoài bão của mình.

Từ sự trăn trở với nghề, thấy thị trường miến sạch có tiềm năng phát triển nên anh quyết định mày mò nghiên cứu chế tạo máy ép miến bằng thủy lực và hệ thống xe chở phên miến thay thế sức người. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên rõ rệt và dần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường tiêu thụ.

May mắn lại đến khi anh được đi học lớp khởi sự kinh doanh do Tỉnh Đoàn Thái Nguyên tổ chức cho những đoàn viên thanh niên có khát vọng và niềm đam mê làm giàu. Và từ đó anh biết đến thầy giáo, biết được quy trình và các bước để thành lập doanh nghiệp, Hợp tác xã. Và mối quan hệ xã hội của anh được mở rộng.

Mặt khác, nhờ sự tìm tòi, tư vấncủa người bạn ở Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thái Nguyên nên năm 2007 anh đã vay được 800 triệu đồng từ ngân hàng. Anh quyết định thành lập HTX với số vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng. Hiện tại, HTX của anh có 9 thành viên, quy mô sản xuất 62.700 kg/năm. Hàng năm, Hợp tác xã miến Việt Cường của anh thu lợi nhuận trên 700 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động nông thôn với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, 30 lao động thời vụ.

Được biết, miến do hợp tác xã của Ba sản xuất ra đã có mặt ở khắp các siêu thị lớn như: Coo.op Mart Thành Phố Hồ Chí Minh, Intemax Hà Nội, Dabaco Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An và có mặt ở hầu khắp trong các tỉnh của cả nước. Năm 2009, sản phẩm Miến Việt Cường của anh vinh dự được cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu.

Năm 2012, cơ hội kinh doanh lại đến với anh, anh may mắn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi 170 triệu đồng với lãi suất thấp từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn. Anh đã sử dụng vào việc cải tạo nhà xưởng sản xuất miến dong, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại hơn để sản xuất miến và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Những trăn trở làm giàu, niềm đam mê chế tạo máy của anh chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục đầu tư một dây truyền sản xuất miến mới với hệ thống thiết bị được nhập ở nước ngoài, bộ phận khung và một số phần phụ do anh tự nghiên cứu và chế tạo ra. Anh cho biết: Khi áp dụng dây chuyền máy móc hiện đại, HTX của anh sản xuất được 1 tấn miến/ngày, miến sản xuất ra đến đâu khô đến đó và sẽ được đóng gói ngay, nên không lo bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Vậy là anh đã tạo ra một bước đột phá mới cho sự phát triển HTX của mình.

Khi được hỏi vì sao anh lại chọn nghề làm miến, Ba đã phấn khởi chia sẻ: “Tôi chọn nghề này vì tôi đam mê kinh doanh và vì tôi xác định gắn cuộc đời mình vào với sợi miến”.

Không chỉ đam mê làm kinh tế, với cương vị là một ủy viên Ban chấp hành huyện Đoàn, anh luôn ý thức được trách nhiệm của mình với phong trào và luôn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động Đoàn của địa phương. Với những thành tích đã đạt được, năm 2012 anh vinh dự là một trong tám đại biểu của tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng dành cho những nhà nông trẻ xuất sắc có ý thức vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới.