Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ: Nhiều thành công, nhưng không ít khó khăn

18:04 22/09/2013     2492

Công tác giáo dục   Hầu hết đội viên tham gia dự án đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bước đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu thì quá trình thực hiện dự án vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
“Bùng nổ” khát vọng cống hiến

Một thành tích rất đáng phấn khởi và tự hào được nhiều đại biểu đến từ các Tỉnh đoàn chia sẻ tại hội nghị giao ban, đó là sự “bùng nổ” khát vọng cống hiến của những đội viên tham gia dự án. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn về điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị làm việc, sự bất đồng ngôn ngữ…, nhưng bằng sức trẻ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều trí thức trẻ đã khẳng định được năng lực bản thân, xem đó là cơ hội tốt để rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn.

Anh Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái phấn khởi cho biết: “Đội viên được tăng cường về các xã của tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp; triển khai thành công các chương trình, dự án về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; trực tiếp xuống các thôn, bản tìm hiểu thực trạng kinh tế- xã hội; phối hợp với tổ chuyên môn-kỹ thuật, cán bộ khuyến nông để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua kiến thức đã học, đi thực tế và với cương vị Phó chủ tịch UBND xã, đa số đội viên đã đề xuất được nhiều đề án tại cơ sở có tính khả thi cao, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình như, các trí thức trẻ đã tích cực cùng đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tham gia trồng 130ha cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất bạc màu… Hiện các đội viên đã và đang nghiên cứu xây dựng đề án trồng cây dự án vùng cao, dự kiến thời gian tới sẽ được triển khai”.

a
Bùi Thị Huấn (bên trái), Phó chủ tịch UBND xã Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai) trao đổi với bà con về dịch bệnh của cây thuốc lá.

Ở Lào Cai, trong số 34 trí thức trẻ được tăng cường về tỉnh thì có 9 bạn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn một. Tiêu biểu như: Đội viên Ninh Thị Kim Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Bản Xen (huyện Mường Khương) phụ trách nông nghiệp, lâm nghiệp với dự án nhân rộng mô hình trồng chè san; đội viên Tráng Seo Pao, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện đề án đường liên gia tại xã; các phó chủ tịch UBND xã được tăng cường ở huyện Si Ma Cai triển khai tốt đề án nuôi lợn đen bản địa; phối hợp đội ngũ giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) triển khai thực hiện nhiều chương trình tại địa phương.

Còn rất nhiều những thành quả đáng ghi nhận được đội ngũ cán bộ Tỉnh đoàn có đội viên tham gia dự án nêu ra tại hội nghị. Theo anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn, những thành tích bước đầu đó là nền tảng, là động lực để thực thi dự án tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Những khó khăn cần tháo gỡ


Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án được các đại biểu dành nhiều thời gian để phân tích, đánh giá. Anh Bế Minh Đức, Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng chia sẻ: “Sự thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị làm việc vẫn là nỗi trăn trở của các đội viên được tăng cường về tỉnh. Cao Bằng được tăng cường 44 trí thức trẻ thuộc dự án nhưng đến nay vẫn chưa có nhà công vụ dành cho họ. Nhiều đội viên phải sinh hoạt, nghỉ ngơi tại nơi làm việc”.

Cũng nói về những khó khăn của trí thức trẻ, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, Giàng Thị Dung nêu ra thực trạng: Thực tế tại các xã có nhiều cán bộ tuổi khá cao, trình độ hạn chế. Nhiều khi đề xuất của các bạn trí thức trẻ chưa nhận được sự ủng hộ cao của họ, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Anh Huỳnh Quốc Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum trao đổi: "Tỉnh Kon Tum được đón nhận 18 đội viên về làm phó chủ tịch UBND các xã. Tuy nhiên một số trí thức trẻ khi đi cơ sở khó tiếp cận với bà con dân tộc. Nguyên nhân chính là do không biết tiếng dân tộc thiểu số”.

Vướng mắc của trí thức trẻ tăng cường ở tỉnh Bình Định được anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh đoàn nêu: Nhiều đề án được hội đồng tuyển chọn đánh giá cao khi được các trí thức trẻ đầu tư xây dựng trong thời gian đi thực tế. Tuy nhiên khi triển khai tới cơ sở, bà con không ủng hộ vì thói quen, tập quán làm ăn lạc hậu đã "ăn sâu, bám rễ"...

Ý kiến tăng thời gian đi thực tế trước khi “nhậm chức” để nắm tính đặc thù của địa bàn công tác, qua đó xây dựng đề án có hiệu quả được Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên, Vừ A Bằng đề xuất. Bên cạnh đó, theo anh, các trí thức trẻ cần được bồi dưỡng sâu hơn kiến thức về chính sách dân tộc và tôn giáo để xác định rõ hơn nhiệm vụ tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tiếp thu, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của đội ngũ cán bộ Đoàn để sớm tìm ra giải pháp khắc phục.