Dự án đưa 600 trí thức trẻ: Sẽ thành công nếu nghĩ và làm vì dân trước

08:05 05/01/2012     3602

Công tác giáo dục   Cao Bằng là huyện đầu tiên trong cả nước hoàn tất khoá đào tạo cho các trí thức trẻ trong Dự án này. Trưởng phòng Công tác Thanh niên - Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Ngọc Anh đã có buổi trao đổi về quá trình triển khai Dự án này.
a
Đ/c Nguyễn Ngọc Anh

Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng các đội viên dự án tỉnh chọn lựa, đào tạo. Liệu tất cả những người được tuyển chọn sẽ trở thành Phó Chủ tịch xã?

Đ/c Nguyễn Ngọc Anh: Cao Bằng có huyện nghèo bao gồm các huyện (Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thông Nông). Trong quá trình thông báo tuyển chọn đã có 162 hồ sơ đăng ký dự tuyển với các ngành học chủ yếu là Nông Lâm nghiệp, Giao Thông, Thủy lợi, Xây Dựng, Sư Phạm, Công nghệ thông tin, Báo trí và tuyên truyền. Thông qua phỏng vấn đã xét tuyển được 44 trí thức trẻ.

Chúng tôi sẽ xem xét kĩ lưỡng suốt quá trình học tập, rèn luyện và giải quyết các tình huống ở địa phương, thông qua những lần các trí thức trẻ đi thực tế ở địa phương. Tuy nhiên, việc lọt qua vòng sơ tuyển, tham gia khóa đào tạo và việc trở thành Phó Chủ tịch xã là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Qua quá trình đi thực tế ở các xã nghèo, họ đã thể hiện được tính xung kích, tình nguyện. Họ vừa phải học hỏi kinh nghiệm của lãnh đạo xã, vừa phải lấy đủ thông tin cho phần báo cáo cá nhân. Nhìn chung cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá rất cao tinh thần làm việc, sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của các đội viên dự án. Nếu thực sự lăn lộn cùng địa phương,họ sẽ làm kinh tế địa phương thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là, các bạn trẻ kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, chưa quen với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt cũng như sự bất đồng về ngôn ngữ. Dù vậy tôi tin tưởng rằng, nếu vượt qua khó khăn bước đầu, họ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế địa phương là chuyện không hề đơn giản. Sau khoá đào tạo ba tháng, lại được kỳ vọng là nhân tố giúp địa phương chuyển mình, liệu đây có phải là áp lực?

Đ/c Nguyễn Ngọc Anh: Theo tôi, đến giờ phút này khó có thể khẳng định được họ có thể làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo, điều hành tại địa phương hay không? Dự án đang trong giai đoạn thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng.

Nếu xét ở góc độ quản lý nhà nước, một lãnh đạo giữ trọng trách quan trọng ở một địa phương mà có thời gian đào tạo ngắn như vậy chắc sẽ gặp khó khăn, vướng mắc nhất định trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, số đội viên mà địa phương đã lựa chọn là những thanh niên ưu tú, họ sẽ phải sát cánh cùng bà con, tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao văn hóa, tinh thần vật chất cho đồng bào vùng sâu, vùng xã, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn và để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ….

Vì vậy, tôi tin nếu có nhiệt huyết, kiến thức cộng với sự nỗ lực của bản thân, các bạn sẽ có thể thành công.

Đồng chí có lo ngại về việc đội viên Dự án “tháo chạy” chỉ vì không vượt qua được khó khăn ?

Đ/c  Nguyễn Ngọc Anh: Quá trình xét tuyển các đội viên, nhất là khâu phỏng vấn, Hội đồng tuyển chọn quan sát khá kĩ cử chỉ, hành động của các trí thức trẻ. Nhìn chung các bạn luôn cố gắng trau dồi kiến thức để khi đến làm việc tại địa phương có thể vận dụng ngay được. Tuy nhiên, việc các bạn có gắn bó với địa phương hay không, cần có thời gian.

Còn chuyện các đội viên có “tháo chạy” không, theo tôi tùy thuộc quyết định mỗi cá nhân.

Chúng tôi luôn sát cánh cùng các thành viên dự án, bà con, cấp ủy địa phương cũng sẵn sàng chào đón các bạn.

Tuy nhiên việc có vượt qua khó khăn, thử thách hay không tùy thuộc vào chính các bạn.

Tôi cho rằng, năm năm đối với các bạn trẻ không phải thời gian quá dài.

Nếu trong mọi quyết định, việc làm của các bạn trẻ đều là lo nghĩ cho nhân dân trước, chắc chắn các bạn sẽ thành công.

 Xin trân trọng cảm ơn đ/c !